Chỉ chưa đầy 6km chung đường biên giới với tỉnh Natarakiri, nhưng kể từ năm 2007 trở về trước, BĐBP thường xuyên phải xuất quân đi chặn vượt biên trái phép qua Campuchia.
Theo Đồn trưởng, Thiếu tá Nguyễn Thế Bất, không chỉ ngăn chặn mà quan trọng hơn là tuyên truyền giáo dục. “Anh em xác định, tất cả là đồng bào. BĐBP sống ngay sát nách dân mà lại để kẻ xấu đến lôi kéo thì không thể chấp nhận được”, Thiếu tá Bất nói.
Từ đầu năm đến nay có 15 vụ với 48 người vượt biên trái phép. Thiếu tá Nguyễn Văn Dương, Đội trưởng đội vận động, nói: Ở đây kẻ xấu len lỏi vào đồng bào, xuyên tạc làm mất niềm tin của dân với nhà nước. Nhìn Thiếu úy Siu Nhin và cả Thiếu tá Dương thân tình trò chuyện với dân, được người dân chăm chú lắng nghe, thật dễ hiểu vì sao, ở đây các anh lại được tin yêu.
Buổi tối Đại úy Lê Quốc Tiến - đồn phó quân sự cùng các trinh sát chưa kịp bưng bát cơm lên thì điện thoại reo tới tấp, vội đi làm nhiệm vụ. Thiếu tá Nguyễn Thế Bất cho biết: Đó là chuyện thường xuyên, được thảnh thơi ăn một bữa cơm đúng nghĩa hiếm lắm. Đại úy Tiến và lính trinh sát nhận được tin mấy đối tượng đột nhập công trình thủy điện Sê San 3 lấy cắp vật tư. Biên phòng phối hợp với công an xã đi điều tra phá án…
Việc tưởng đơn giản bởi hơn 21h, anh em trở về. Nhưng, sáng hôm sau, hàng chục người dân tụ tập trước cổng đồn, yêu cầu biên phòng giải thích: Vì sao bắt người. Mất hơn tiếng đồng hồ giải thích luật pháp, bà con mới xuôi xuôi, giải tán.
Thiếu tá Nguyễn Thế Bất đứng bên cột mốc 25, hướng tầm mắt sang Sa Thầy, rồi nhìn tới tỉnh Natarakiri, tâm sự: Hàng chục người vượt biên, trở về trắng tay càng khiến trách nhiệm của lính biên phòng nặng nề. Quan trọng là nói thế nào cho đồng bào hiểu, chỉ có lao động chân chính mới tìm được niềm vui, hạnh phúc.