Giọt nước mắt của người cha bị con đánh

Giọt nước mắt của người cha bị con đánh
TPO – Không chấp nhận ông Thắng là bố đẻ, nhưng những đứa con của ông vẫn nhiều lần đến gây sự, hành hung ông Thắng, hòng đòi chia đất của ông bà nội để lại.

> Mâu thuẫn đất đai, cháu đánh bà, chém chú

Ông Phạm Văn Thắng và ngôi nhà nơi xảy ra tranh chấp
Ông Phạm Văn Thắng và ngôi nhà nơi xảy ra tranh chấp. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Đánh bà, chém chú vì đất đai

Sau khi nhận được đơn kêu cứu của ông Phạm Văn Thắng (SN 1960, trú tại thôn Thọ Giáo, xã Tân Minh, huyện Thường Tín, Hà Nội), chiều 13-2, phóng viên báo Tiền Phong có mặt tại bệnh viện huyện Thường Tín để tìm hiểu vụ việc.

Tại bệnh viện huyện Thường Tín, cụ bà Nguyễn Thị Sen (86 tuổi) – mẹ ông Thắng và chị Phạm Thị Xoan (SN 1974, ở Chương Mỹ, Hà Nội) – vợ ông Thắng - nằm điều trị tại một phòng riêng, bên cạnh phòng của anh Phạm Văn Dương (SN 1971) – em trai ông Thắng.

Theo lời kể của các nạn nhân, vụ việc xảy ra vào hồi 8h30 ngày 11-2-2012, tại thôn Thọ Giáo, xã Tân Minh, huyện Thường Tín, Hà Nội. Một nhóm thanh niên khoảng 10 người, trong đó có Phạm Văn Nhớ (SN 1986), Phạm Thế Anh (1990), Phạm Thị Ly (1983) cùng ở thôn Thọ Giáo (đều là con đẻ ông Thắng) cầm dao kiếm, cuốc xẻng đến nhà ông Thắng để thị uy, dọa nạt đòi xây dựng tường rào hòng chiếm đất ở.

Khi cụ Sen ra khuyên nhủ, đối tượng Lê Văn Phấn – cậu đằng vợ cả của ông Thắng - cùng Phạm Văn Nhớ và Phạm Thế Anh nhảy vào chửi bới, xô cụ Sen ngã xuống đất bất tỉnh.

Đã 86 tuổi, phải nằm viện vì bị cháu đánh, cụ Nguyễn Thị Sen đau như đứt ruột
Đã 86 tuổi, phải nằm viện vì bị cháu đánh, cụ Nguyễn Thị Sen đau như bị cắt từng khúc ruột. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Thấy mẹ chồng bị đánh, chị Xoan, đang mai thai tuần thứ sáu, chạy ra can ngăn, gọi điện cho em chồng là anh Phạm Văn Dương (SN 1971) và tri hô hàng xóm đến cứu. Các đối tượng trên liền túm tóc giật mạnh, đạp vào bụng khiến chị Xoan hôn mê bất tỉnh. Chị gái của anh Thắng là Phạm Thị Túng và em dâu Nguyễn Thị Cúc cũng bị các đối tượng này đuổi đánh.

Nhận được điện thoại kêu cứu, anh Phạm Văn Dương phóng xe máy đến thì bị Phạm Văn Nhớ và Phạm Thế Anh cầm dao, kiếm đuổi chém.

Khi lực lượng chính quyền địa phương và người dân đến can thiệp, những đối tượng này bỏ trốn khỏi hiện trường. Bà Sen, chị Xoan và anh Dương được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện huyện Thường Tín.

Anh Phạm Văn Dương đang điều trị vết thương tại bệnh viện huyện Thường Tín. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Anh Phạm Văn Dương đang điều trị vết thương tại bệnh viện huyện Thường Tín. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Nước mắt người cha

Tiếp chúng tôi tại căn nhà cấp bốn lụp xụp, ông Phạm Văn Thắng đắng lòng kể lại gia cảnh bất hạnh của mình mà nước mắt rơm rớm.

Năm 1960, ông Tân và bà Sen (bố mẹ ông Thắng) được nhà nước chia cho bốn miếng ruộng để canh tác tại bờ giếng. Bố mẹ ông Thắng đã đổi cho người cùng làng lấy đất xây nhà ở tạm (ngôi nhà hiện tại).

Năm 1982, ông Thắng kết hôn với người cùng thôn là bà Nguyễn Thị Hoa (SN 1960) và có với nhau bốn người con: Phạm Thị Ly (SN 1983), Phạm Văn Nhớ (SN 1986), Phạm Thế Anh (SN 1990) và Phạm Thị Hà (SN 1993). Do ông Thắng hay rượu chè, nhiều lần đánh bạc thua tiền, lại về đánh vợ, nên đến năm 2001, bà Hoa xin ly hôn, đưa cả bốn người con về nhà bố mẹ đẻ sống.

“Sau khi ly hôn được bốn tháng, ngày 3-10-2001, các con tôi làm đơn ra tòa án xin tước quyền làm bố của tôi. Tôi chẳng biết điều đó có được pháp luật công nhận không, nhưng khi hay tin đó tôi buồn lắm. Vì không có nhà cửa ruộng vườn, tôi phiêu bạt khắp nơi làm thuê, làm mướn, chỉ thi thoảng giỗ chạp mới về quê một lần”, ông Thắng tâm sự.

Khi hai người ly hôn năm 2001, xét thấy mảnh đất gia đình ông Thắng đang ở chưa được cấp chính quyền chuyển đổi mục đích sử dụng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đến ngày 31-12-2005, UBND huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây cũ, nay là TP Hà Nội, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Phạm Văn Thắng - PV) nên Tòa án không giải quyết việc phân chia mảnh đất cho ông Thắng, bà Hoa mà chỉ phân chia tài sản đang tồn tại trên đất.

Người dân xung quanh rất bất bình trước cách hành xử của những người con ông Thắng. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Người dân xung quanh rất bất bình trước cách hành xử của những người con ông Thắng. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Đến năm 2007, để dành được ít tiền mua chiếc xe máy Trung Quốc, ông Thắng quyết định trở lại địa phương làm nghề xe ôm rồi đi bước nữa với bà Phạm Thị Xoan. Cũng từ đây, những đứa con đã từ mặt bố đột nhiên bóng gió đe dọa ông Thắng rằng ông không lấy vợ thì thôi, chứ đã lấy vợ thì chúng tôi đòi lại hết đất. Tuy nhiên, cứ tưởng chúng chỉ dọa vậy thôi, nào ngờ…”.

Bẵng đi một vài năm, đến tháng 11-2011, người con trai lớn là Phạm Văn Nhớ tìm đến nhà và hỏi xin ông Thắng một nửa phần đất ngôi nhà ông đang ở. Vốn là đất của bố mẹ cho nên ông Thắng nói với con trai hãy cứ hỏi ý kiến bà nội, nếu bà đồng ý thì ông sẽ làm theo ý bà.

“Nghĩ bụng nó sẽ đi tìm mẹ tôi để hỏi xin, nhưng nào ngờ nó trở mặt. Ngày 12-12-2011, khi tôi đang dắt xe chuẩn bị đưa vợ đi chợ thì thằng Nhớ dẫn em trai là Phạm Thế Anh, vác dao và búa đến đập phá nhà cửa. Ông Thắng nói, chúng còn xông vào đánh ông.

Chưa dừng lại ở đó, ngày 4-12-2012, Phạm Văn Nhớ cùng người cậu đằng vợ cả là Lê Văn Phấn tới gặp ông Thắng. Tại đây, Nhớ chỉ thẳng mặt ông Thắng dọa: “Quân tử 10 năm trả thù chưa muộn. Tao sẽ lấy hết chỗ đất này”.

Thế rồi điều tồi tệ nhất cũng đã xảy ra. Ngày 11-2-2012, khi ông Thắng đang trên đường chở rau ra chợ bán thì nhận được tin các con ông cùng đối tượng Phấn đang hành hung mẹ già và những người thân của mình. Ông Thắng vội vàng chạy về nhà, thì đã thấy mẹ, vợ hai và chú em đang được những người xung quanh đưa vào viện cấp cứu.

“Sinh con ra không dạy bảo là lỗi của tôi, nhưng quả thực tôi không thể ngờ chúng nó lại dã man đến vậy. Lòng tham đã làm chúng nó mờ mắt. Tôi chỉ mong pháp luật công tâm, sớm trừng trị thích đáng những kẻ phạm tội”, ông Thắng nói.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quang Sáng, Trưởng công an xã Tân Minh xác nhận sự việc trên là có thực. “Mâu thuẫn xuất phát từ việc tranh chấp đất đai của gia đình ông Thắng. Chính quyền xã nhiều lần đến hòa giải không được nên đã lập biên bản, tuy nhiên cả hai bên vẫn xảy ra xung đột.

Đến ngày 11-2, xảy ra vụ xô xát, chém người trên. Nhận được tin báo, công an xã lập tức có mặt để phong tỏa hiện trường, thu được hai dao tông và một viên gạch gây án” – ông Sáng cho biết.

Đại diện công an huyện Thường Tín và xã Tân Minh làm việc với báo chí. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Đại diện công an huyện Thường Tín và xã Tân Minh làm việc với báo chí. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Cũng theo ông Sáng, công an huyện đã cử hai đồng chí xuống làm việc cùng chính quyền địa phương, bàn giao vụ việc cho công an xã.

“Chúng tôi đã lập hồ sơ vụ án, chờ sau khi những người bị hại ổn định sức khỏe, ra viện sẽ triệu tập đầy đủ các bên liên quan để hòa giải. Nếu các bên không chịu chấp hành sẽ xử lý theo đúng pháp luật” – ông Sáng nói.

Theo Viết
MỚI - NÓNG