>> Trao danh hiệu nghệ sĩ nhân dân cho ca sĩ Y Moan
Suốt đời Y Moan sống trọn vẹn với niềm say mê chung thủy: Đi và hát cho đồng bào mình nghe . Ảnh: Hữu Tuyên |
Buổi sáng đầy nắng ấm 16-9, trong buổi lễ Công bố danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, và nhận 2.000 đĩa DVD Trở về buôn làng xưa, do UBND tỉnh Đăk Lăk tổ chức, giữa bạt ngàn hoa tươi của hàng trăm người mến mộ gửi đến, ca sĩ Y Moan nắm chặt tay tôi tươi cười, nói nhỏ: “Ngay bây giờ, nếu anh ngưng thở, cũng mãn nguyện rồi. Nhưng em nhớ lúc đó, nếu có viết bài cho Moan, đừng dùng chữ chết nhé, chỉ viết là Moan đã đi chơi với gió thôi!”. Tròn nửa tháng sau, điều ấy đã đến.
15h25 phút ngày 1-10-2010, Moan trút hơi thở cuối cùng trên chiếc giường nhỏ trong căn phòng hẹp tại nhà riêng. Cả buôn Tháp Prông nức nở. Từ ngoài bụi tre đầu cổng đến mọi ngõ ngách nhà trên bếp dưới đều chật cứng người thân, họ hàng, bạn bè và đồng bào buôn xa làng gần đến chia buồn.
Chàng ca sĩ đầu trần chân đất, mắt sáng da nâu thuần chất Êđê, người đầu tiên được phong danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân trên cao nguyên Đăk Lăk đã sống trọn vẹn với một niềm say mê chung thủy: Suốt đời, đi và hát cho đồng bào mình nghe!
Đôi lần chốn phồn hoa đô hội rứt anh rời núi, nhưng rất nhanh sau đó Moan lại đã trở về với góc nhà sàn thân thuộc, nơi có mùi khói bếp khét nồng, có bầu nước mát lành chắt từ đầu nguồn suối, bữa cơm gạo giã với chén muối ớt chấm mớ rau dại hái ven đồi húp ngon lành cùng bát canh cà đắng, nhấp nhánh giữa những thung lũng dã quỳ vàng rực quanh năm lao xao gió đỏ bạt ngàn.
Những nơi anh đến và hát, hát suốt đêm cùng ngón đàn ghi ta điêu luyện như từ bẩm sinh đã đầy chất tài hoa, hát đến tràn máu màng phổi trước hàng trăm, hàng nghìn đôi mắt trong veo và sấm vỗ tay nồng nhiệt kéo dài, hát giữa đêm lửa rừng già bập bùng bốn bề bóng tối thâm u, những nơi đó chẳng có khái niệm gì về tiền catsê hay tiện nghi, khoản đãi vật chất.
Các mẹ, các chị lầm lũi gùi từ rẫy về con gà, trái bí, bó đọt mây, rổ lá bép dúi vào tay chàng nghệ sĩ, thật thà: Moan ăn cho no rồi hát cho hay. Lâu lâu lại về không buôn mình nhớ lắm! Chỉ vậy thôi mà ấm áp tình người không gì đổi được.
Đoàn văn công Tây Nguyên, tiền thân của Đoàn Ca Múa Nhạc Đăk Lăk, nơi Moan từng được đón về đào tạo và thành danh vốn là đội quân trưởng thành từ trường kỳ kháng chiến.
Nhạc sĩ Ama Nô, người 35 năm trước bày cho Moan xỏ quai dép cao su bằng kẹp tre, ăn đũa hai đầu, dồn hết tâm hồn vào dòng âm nhạc đậm đà bản sắc dân tộc nay vẫn còn minh mẫn. Ông nói: Đồng bào Tây Nguyên, nghệ sĩ Tây Nguyên cống hiến vô tư cho Cách mạng nhiều lắm, nhưng Moan là đứa thành công nhất, vì Moan vừa may mắn hội tụ cả khí chất hùng vĩ của núi rừng, vừa giữ được cho lòng mình trong sạch thảnh thơi nên tiếng hát cứ hoài hoài dũng mãnh, sang trọng.
Nhiều điều mọi người đã biết về Moan, cũng có những tâm tình anh muốn đem theo, như ca khúc Đi chơi với gió Moan tự biên tự diễn trong một hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp từ hơn mười năm trước, ca từ Êđê mộc mạc nhẹ như không, ca khúc ấy chưa được xuất bản…