Magali Martinez, sống ở Oregon (Mỹ), vừa trải qua một buổi hẹn hò không mấy thú vị.
“Tôi đi ăn tối, làm vài ly rượu rồi trở về nhà”, cô gái 22 tuổi tóm gọn lại buổi tối của mình.
Thực chất, cảm giác nhàn nhạt, buồn chán của Magali hoàn toàn dễ hiểu khi cô gái hoàn toàn không có hứng thú về chàng trai vừa gặp mặt. Magali gật đầu đi chơi đơn giản vì bạn hẹn chi trả toàn bộ chi phí của buổi gặp.
“Nếu là hẹn hò ăn tối, tôi sẽ không từ chối. Chẳng việc gì phải về nhà và tự mình nấu nướng cả”, cô khẳng định.
Quan trọng là đồ ăn, không phải tình cảm
Theo Magali, tiêu chí đầu tiên cô quan tâm khi đến bất cứ buổi hẹn nào là liệu mình có được mời ăn hay không, chứ không phải là không gian hay cử chỉ lãng mạn của đối phương.
Magali vẫn đồng ý gặp mặt, trò chuyện với những người cô không thích, kể cả khi buổi hẹn là một “thảm họa”. Cô gái 22 tuổi thừa nhận nếu được mời ăn uống bản thân luôn dễ mềm lòng. 9X cũng không cảm thấy tồi tệ khi có suy nghĩ thực dụng vậy.
“Tôi vẫn cố gắng trở thành một cô gái hấp dẫn, thú vị khi gặp mặt các chàng trai”, Magali nói.
“Nếu nhận lời mời từ nam giới, tôi thực sự mong họ là người trả tiền. Nhưng vì tôi thích cả hai giới nên nếu hẹn hò với cô gái nào, tôi sẽ là người chủ động rút ví”, cô nói thêm.
Thực tế, việc không hứng thú hẹn hò mà chỉ nhằm mục đích được bao ăn diễn ra ở cả phía phái mạnh.
Esteban Rosas, làm việc trong lĩnh vực ngân hàng, cho biết anh thường nhận được những tin nhắn gạ gẫm đi chơi từ các bạn hẹn trên mạng mà anh chẳng có mấy hứng thú gặp mặt ngoài đời.
Song vài lần một tháng, Rosas lại nhận lời, dành nguyên một buổi tối để gặp những người anh vừa làm quen trên mạng, nếu anh không có kế hoạch gì khác.
Gần đây, anh chàng “tiêu tốn” hơn 200 USD của bạn hẹn, người mà Rosas miêu tả là anh chẳng có cảm xúc đặc biệt gì. Mặt khác, chàng trai 26 tuổi vẫn khẳng định trong trường hợp mình là người mời, anh luôn sẵn sàng chi tiền hoặc tự trả lấy phần mình.
“Trong thời buổi hẹn hò trực tuyến ngày càng được nhiều người tìm đến, kiểu hẹn hò ‘vật chất’ này chẳng có gì lạ, hầu hết mọi người đều chẳng thấy tội lỗi gì khi làm vậy”, Rosas khẳng định.
“Đấy chỉ là một buổi gặp mặt, nếu không có khả năng kiếm được một anh chàng hay cô gái nào cho mình, ít ra bạn cũng được một bữa ăn ngon”, anh kết luận.
Song, chính anh chàng cũng thừa nhận nhược điểm của việc sử dụng các ứng dụng tìm kiếm bạn hẹn trên mạng khiến nhắn tin, gặp mặt ai đó trở nên nhanh chóng và dễ dàng. Chuyện hẹn hò từ đó cũng dần trở nên mất đi ý nghĩa khi ai cũng nghĩ rằng cơ hội thừa mứa.
“Cuối cùng, mọi chuyện kết thúc với một kịch bản quen thuộc, khi không ai có ý định nghiêm túc tìm hiểu đối phương”, Rosas than thở.
Năm ngoái, một người đàn ông 45 tuổi ở Los Angeles bị buộc tội lừa đảo hàng loạt phụ nữ anh ta quen trên mạng. Cụ thể, người này chủ động hẹn gặp mặt các bạn hẹn ăn tối, rồi lẳng lặng biến mất trong bữa ăn, để lại hóa đơn cho các cô gái thanh toán.
Một nạn nhân đã phải chi trả số tiền ăn hơn 100 USD cho buổi hẹn đầu tiên, với đồ ăn chủ yếu do người đàn ông kia yêu cầu. Sau cùng, kẻ chuyên lừa gạt phụ nữ để được ăn miễn phí bị kết án 4 tháng tù giam.
Hẹn ăn và không bao giờ gặp lại
Trên thực tế, suy nghĩ chấp nhận gặp gỡ, hò hẹn chỉ vì được mời đi ăn, hoàn toàn không phải là câu chuyện hiếm hay khó hiểu.
Các chuyên gia gọi hiện tượng này là “foodie call” (tạm dịch: tiếng gọi từ đồ ăn) để chỉ những người sẵn sàng đánh đổi bữa ăn miễn phí dưới “vỏ bọc” của một buổi hẹn hò lãng mạn.
Nói cách khác, những người này lợi dụng bạn hẹn và các “đối tác” của họ không hề biết điều đó.
Theo một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Khoa học tâm lý và Nhân cách xã hội của Mỹ, khoảng 25% trong số 1.000 phụ nữ được hỏi cho biết họ từng hẹn hò với những đối tượng mình không thích, với lý do thuần túy là được mời ăn miễn phí.
Trong đó, nhiều người thừa nhận họ từng làm chuyện này ít nhất 5 lần và có đến một phần tư số người cho biết họ thường xuyên làm vậy.
Mặt khác, số đông tham gia khảo sát cho biết họ sẽ không bao giờ đồng ý cách hẹn hò vậy chỉ để đổi lấy một bữa ăn không phải trả tiền.
Tuy nhiên, nghiên cứu này vẫn còn nhiều hạn chế khi mới chỉ tập trung khảo sát trên bình diện phụ nữ và những cuộc hẹn hò giữa nam và nữ đơn thuần.
“Chúng tôi lấy phái yếu làm trọng tâm tìm hiểu vì tính cách phụ nữ liên quan mật thiết đến các kịch bản hẹn hò truyền thống”, các chuyên gia cho biết.
Theo các nhà tâm lý học, những “foodie call” thường có bộ ba đặc điểm cơ bản về tính cách, bao gồm: sẵn sàng thao túng người khác, thiếu sự đồng cảm và tập trung quá mức vào bản thân mình.
Song, các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng những đặc trưng trên chưa chắc đều tồn tại trong những người sẵn sàng hẹn hò đùa vui để được ăn miễn phí.
“Trải nghiệm tình cảm tồi tệ trước đấy như bị lừa dối liên tục hay bị ngược đãi trong mối quan hệ khiến nhiều người buộc phải tính toán thiệt hơn khi bắt đầu với ai đó”, Brian Colliion, giáo sư tại Đại học Azusa Pacific, phân tích.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng chỉ ra những người phụ nữ hẹn hò chủ yếu vì bữa ăn miễn phí, có niềm tin mãnh liệt hơn về vai trò giới. Theo đó, phái yếu có thói quen để đàn ông trả tiền vào buổi hẹn đầu tiên và họ cho rằng đối phương nên hành xử thế.
Khi Olivia Balsinger lần đầu tiên chuyển đến New York sau khi tốt nghiệp đại học, cô muốn trải nghiệm cuộc sống sôi động ở thành phố song số tiền eo hẹp không cho phép cô gái thoải mái chi tiêu.
Olivia quyết định tìm kiếm bạn hẹn trên Tinder với mục đích duy nhất là được đi ăn ở những chỗ sang trọng. Cô gái nhanh chóng kiếm được một anh chàng mà cô miêu tả là “trông có vẻ thành công và cô đơn”.
Hai người gặp mặt tại một nhà hàng đắt tiền. Đến khi thanh toán, Olivia rụt rè rút ví, nỗ lực giả vờ muốn chia sẻ chi phí. Đúng như dự đoán, người đàn ông tự động trả toàn bộ số tiền.
“Mọi chuyện diễn ra theo đúng kế hoạch của tôi. Nếu phải bỏ tiền, tôi có nguy cơ nhịn ăn để tiết kiệm trong nhiều tuần sau đó”, cô gái cho biết.
Olivia và bạn hẹn của mình không bao giờ gặp lại nhau sau đó.