Giới chuyên gia dự báo xu hướng tỷ giá USD/VND
Nhiều hãng tin và tờ báo lớn trên thế giới đã đăng tải quan điểm của các chuyên gia về động thái tăng tỷ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 17/8.
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng áp dụng trong ngày 18/8/2010 là nhằm góp phần kiềm chế nhập siêu. |
Theo tờ Wall Street Journal (WSJ) ngày 18/8, từ tháng 11/2009 tới nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giảm giá tiền VND tổng cộng 10%, nhưng điều này dường như vẫn chưa phát huy tác dụng trong việc xoay chuyển tình hình cán cân thương mại.
Tờ báo trích số liệu thống kê cho thấy, thâm hụt thương mại tháng 7 của Việt Nam đã tăng lên mức 980 triệu USD từ mức 742 triệu USD trong tháng 6. Trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu đã vượt xuất khẩu 7,26 tỷ USD, cao gần gấp đôi so với mức 3,65 tỷ USD cùng kỳ năm trước, đồng thời đang tiến tới mục tiêu giới hạn thâm hụt cả năm ở mức 12 tỷ USD mà Chính phủ đề ra.
Phát biểu trên WSJ, chuyên gia kinh tế độc lập Bùi Kiến Thành nhận xét, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có tỷ lệ đầu vào nhập khẩu cao, chẳng hạn như hàng dệt may và giày dép sử dụng tới 70% nguyên liệu nhập nhẩu, nên việc tăng tỷ giá sẽ không có nhiều tác dụng trong việc kiềm chế nhập siêu.
WSJ cũng dẫn ý kiến của các nhà phân tích Euben Paracuelles và Yougesh Khatri thuộc ngân hàng Nomura của Nhật Bản nhận định, với tốc độ gia tăng của thâm hụt thương mại hiện nay, Việt Nam còn có thể tiếp tục phải tính chuyện nâng tỷ giá USD/VND trong thời gian tới.
Đồng tình với quan điểm này, phát biểu trên tờ Financial Times, chuyên gia kinh tế Jonathan Pincus, thuộc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright ở Tp.HCM, nhận định: “Tôi không cho là việc giảm giá đồng nội tệ 2% có thể có nhiều tác động đối với thâm hụt thương mại. Nhưng tôi cho rằng, tiền đồng vẫn đang được định giá cao hơn so với giá trị thực và đây là một bước đi đúng hướng”.
Trao đổi với Financial Times, ông Lê Đăng Doanh, nguyên Giám đốc Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cũng cho rằng, lần giảm giá VND này chưa chắc đã là lần điều chỉnh tỷ giá cuối cùng trong năm nay. “Tôi không thấy có dấu hiệu nào về việc các công ty sẽ mua USD dễ hơn từ các ngân hàng. Việt Nam chưa cân bằng được nhu cầu USD. Để cân bằng được, Việt Nam cần một dòng vốn USD mới đổ vào, mà điều này chưa xảy ra”, ông Doanh nói.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, thúc đẩy xuất khẩu và tăng trưởng thông qua chính sách giảm giá đồng nội tệ như Việt Nam đang làm có tác dụng phụ là dẫn tới nguy cơ gia tăng của lạm phát.
Mục tiêu của Chính phủ Việt Nam năm nay là kiểm soát lạm phát ở mức 8%, dù nhiều ý kiến cho rằng, đây là mục tiêu khó đạt. Tháng 7, lạm phát so với cùng kỳ năm ngoái là 8,19%, giảm so với mức 8,69% của tháng 6.
Nhà phân tích Prakriti Sofat thuộc Barclays Capital khẳng định, cứ 1% tăng thêm trong tỷ giá USD/VND sẽ đóng góp chừng 0,15% vào tỷ lệ lạm phát. Tuy nhiên, cũng theo chuyên gia này, giá hàng hóa thế giới đang ở mức thấp, cộng với tình hình lạm phát không mấy căng thẳng ở Việt Nam hiện nay đã giúp cho việc điều chỉnh tỷ giá vừa qua của Việt Nam được dễ dàng hơn.
Tuy vậy, bà Sofat cho rằng, ít có khả năng Việt Nam sẽ tiếp tục giảm giá đồng nội tệ trong năm nay.
Theo hãng tin tài chính Bloomberg, từ đầu năm 2010 tới nay, tiền đồng của Việt Nam đã mất giá 5%, trở thành đồng tiền giảm giá mạnh nhất trong số 17 đồng tiền mà hãng tin này theo dõi ở khu vực châu Á. Cùng với đó, từ đầu tháng 8 tính tới ngày 17/8, chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm 7,8%, mạnh nhất trong số 93 hàn thử biểu chứng khoán mà Bloomberg theo dõi trên toàn cầu.
Hãng tin này đã dẫn một báo cáo từ ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sỹ nhận xét, việc Ngân hàng Nhà nước nâng mạnh tỷ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng đã phản ánh những thách thức mà kinh tế Việt Nam tiếp tục phải đối mặt, đồng thời cho rằng, còn quá sớm để trở nên lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam.
“Việt Nam vẫn chưa tìm ra điểm cân bằng chính xác giữa tăng trưởng và ổn định vĩ mô. Sự kém độc lập của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã làm giảm niềm tin vào tiền đồng và khiến nền kinh tế nước này thiên về tăng nhập khẩu và lạm phát”, các nhà phân tích Dan Fineman và Siriporn Sothikul của Credit Suisses viết trong báo cáo.
Theo chuyên gia Pincus, động thái giảm giá tiền đồng là dấu hiệu mới nhất về thế “tam nan” tài chính mà Việt Nam phải đương đầu: Việt Nam cùng lúc muốn duy trì tỷ giá hối đoái cố định, chính sách tiền tệ độc lập, và một tài khoản vốn mở.
Tờ WSJ thì nhận xét, động thái nâng tỷ giá USD/VND của Ngân hàng Nhà nước cũng phản ánh sức ép đối với dự trữ ngoại hối của Việt Nam - điều mà hãng định mức tín nhiệm Fitch Ratings đã bày tỏ lo ngại khi hạ một bậc điểm tín nhiệm nợ công của Việt Nam cách đây chưa lâu.
Chiều 17/8, Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng mạnh tỷ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng. Mức mới được áp dụng cho ngày 18/8/2010.
Thông báo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhằm góp phần kiềm chế nhập siêu, ngày 17/8/2010, cơ quan này thực hiện điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam với Đô la Mỹ áp dụng cho ngày 18/8/2010 từ mức 18.544 VND lên mức 18.932 VND (tăng gần 2,1%). Trong khi đó biên độ tỷ giá giữ nguyên ở mức +/-3%.
Theo Vneconomy