“Gìn giữ màu xanh” cho đảo Điệp Sơn - Khánh Hoà

Điệp Sơn là thôn đảo gồm 3 đảo nhỏ thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà. Nơi tập trung dân cư nhiều nhất là Hòn Bịp nằm giữa vịnh Vân Phong với vẻ đẹp hoang sơ và thân thiện môi trường.

Huyền thoại Điệp Sơn

Điệp Sơn là thôn đảo gồm 3 đảo nhỏ thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà. Nơi tập trung dân cư nhiều nhất là Hòn Bịp nằm giữa vịnh Vân Phong với khoảng gần 100 hộ dân và trên 300 nhân khẩu. Vài trăm năm trước, đảo có nhiều chim Bìm Bịp, những tiếng chim Bìm Bịp điểm canh thâu đêm suốt sáng nên gọi là Hòn Bịp. Hòn Bịp là một hải đảo nhỏ, cây cối lúp xúp, xung quanh có nhiều bãi cát. Dân đánh cá trong vùng đôi khi ghé vào đó lấy nước uống vì có mấy khe đá có nước ngọt quanh năm, hoặc vào đó phơi lưới, nấu ăn chốc lát.

“Gìn giữ màu xanh” cho đảo Điệp Sơn - Khánh Hoà ảnh 1
 
“Gìn giữ màu xanh” cho đảo Điệp Sơn - Khánh Hoà ảnh 2

Dọn rác trên con đường cát giữa biển

Không rõ vào thời gian nào, có một số ít người đàn ông, đàn bà đến đó lập nghiệp. Họ có nước da ngăm ngăm đen giống người Raglai hoặc người Chăm. Họ rất ít nói và không giống người Việt. Về sau, người ta mới đoán họ là dân chài lưới từ Indonesia, Singapore, Mã Lai hay từ Thái Lan… bị bão lụt trôi tấp vào đó và sinh sống thành làng xóm. Thuở ấy, người dân ở đất liền Vạn Ninh thường gọi họ là “Dân Đàng Hạ”. Đầu thập niên 30 của thế kỷ XIX, quan huyện địa phương gọi tất cả cư dân ở hải đảo này vào ghi danh lập “Bộ Đinh” của làng. Quan huyện hỏi thì họ nói chỉ có tên mà không một ai có họ gì cả. Cuối cùng, quan huyện mới bảo: “Thôi thì đàn ông lấy họ Đinh, đàn bà lấy họ Trần”.

Trước kia, có hai con đường cát dưới biển ở đảo Điệp Sơn. Một là con đường nối giữa Hòn Bịp và Hòn Quạ, sau trận bão cuối năm 2017 thì con đường này gần như bị xóa sổ hoàn toàn và chỉ còn một vài gò cát nhô lên giữa biển khi thủy triều rút. Con đường thứ hai ngắn hơn, chỉ dài khoảng 400m nối giữa Hòn Ó (hay còn gọi đảo Phật Nằm) và Hòn Quạ. Đây chính là con đường cát độc đáo còn lại thường nổi lên trên mặt biển mỗi khi thuỷ triều rút xuống.   

“Gìn giữ màu xanh” cho đảo Điệp Sơn - Khánh Hoà ảnh 3

Du khách vui chơi, chụp hình trên con đường cát giữa biển

Tình cờ “bén duyên” với du lịch

Điệp Sơn từng được biết đến là những xóm chài nghèo, nơi “tụ tập” của nhiều loại rác từ đất liền cũng như “rác đại dương”. Trước đây, tỉnh Khánh Hoà đã kêu gọi nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh đến đầu tư phát triển du lịch, nhưng không mấy ai tới khảo sát rồi ở lại. Vào năm 2016, vợ chồng anh Trịnh Minh Đại Anh và chị Đào Thị Long tình cờ đến Điệp Sơn, thấy được tiềm năng lớn về phát triển du lịch với con đường cát uốn lượn tuyệt đẹp giữa biển khơi nên đã vội đến UBND xã Vạn Thạnh xin thuê đất ở Hòn Ó, Hòn Quạ để làm du lịch.

Cụm đảo Điệp Sơn có 8 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó hiện có 3 hòn đảo gần nhau giữa vùng biển thuộc vịnh Vân Phong, là điểm tham quan thú vị, thu hút đông đảo khách trong và ngoài nước mỗi ngày là Hòn Ó, Hòn Quạ và Hòn Bịp.

Những người “ngoại đạo” trong lĩnh vực đầu tư, làm dự án đơn giản thường chỉ lo thuê được đất rồi tới đâu hay tới đó. Nhưng vợ chồng anh Đại Anh lại gây bất ngờ khi xây dựng cả “phương án kinh doanh và đầu tư” chi tiết và nghiêm túc, sau hơn 4 năm ra đảo đầu tư, vợ chồng anh đã liên tục thực hiện thu dọn rác, cải tạo cảnh quan, trồng thêm cây, hoa và tạo lập một số công trình tạm phục du du khách trên Hòn Ó và một phần Hòn Quạ. Từ đó, Đảo Phật Nằm - con đường giữa biển càng thêm đẹp, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. 

“Gìn giữ màu xanh” cho đảo Điệp Sơn - Khánh Hoà ảnh 4

Chòi mái lá thân thiện với môi trường trên đảo Điệp Sơn

“Gìn giữ màu xanh” cho đảo Điệp Sơn - Khánh Hoà ảnh 5
 

“Gìn giữ màu xanh” Điệp Sơn

Đồng hành với anh Đại Anh, chị Đào Thị Long (Giám đốc điều hành Công ty TNHH Đầu tư - Du lịch Nha Trang Đông Đô) cho biết: toàn bộ cây xanh trên đảo được giữ nguyên và anh em chỉ cải tạo bờ biển ven đảo cho du khách tham quan. “Để có được màu xanh của đảo như ngày hôm nay là cả một sự nỗ lực. Những ngày đầu ra Điệp Sơn làm du lịch, nơi đây tràn ngập rác thải. Chúng tôi phải thuê trung bình 30 nhân công một ngày để dọn rác quanh đảo. Phải mất 3 tháng, rác thải mới được thu gom hết và chở bằng ghe về đất liền. Từ đó đến nay đã hơn 4 năm, mỗi ngày có ít nhất 3 nhân công thường xuyên đi quanh đảo thu gom rác thải trôi dạt vào để bảo đảm các hòn đảo luôn sạch đẹp”.

Bước chân lên đảo, điều dễ nhận thấy là cứ đi một quãng lại có một giỏ đựng rác bằng tre, du khách trước khi lên ca nô để đi đảo đều được khuyến cáo không dùng nước chai nhựa mang ra đảo. Với phương châm “nói không với rác thải nhựa”, trên đảo đã chuẩn bị sẵn nước bình mang từ bờ ra đảo phục vụ miễn phí du khách. Để hạn chế rác thải nhựa, tạo môi trường trong sạch, hạn chế bán nước ngọt bằng chai nhựa cho khách. Anh Đại Anh luôn tâm niệm phải giữ được vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên, gìn giữ màu xanh cho đảo thì mới níu giữ được du khách. Vì thế, ngay từ đầu vợ chồng anh đã chọn những vật liệu thân thiện với môi trường là gỗ, tre, mái lá... để làm chòi nghỉ mát cho du khách khi đến du lịch đảo Điệp Sơn.

MỚI - NÓNG