Gieo chữ nơi cách trở

 Thầy Triệu Văn Huynh (trường THCS Châu Văn Liêm) hướng dẫn đội trống Đội của trường tập luyện Ảnh: Xuân Tùng
Thầy Triệu Văn Huynh (trường THCS Châu Văn Liêm) hướng dẫn đội trống Đội của trường tập luyện Ảnh: Xuân Tùng
TP - Thầy Triệu Văn Huynh và cô Lồ Thị Lan là hai gương giáo viên dân tộc thiểu số tiêu biểu, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, cách trở để gieo con chữ cho học trò nghèo vùng sâu vùng xa.

Vượt nghìn cây số để làm thầy

Thầy giáo Địa lý kiêm Tổng phụ trách Đội Triệu Văn Huynh (SN 1989, dân tộc Tày) là nhân vật đặc biệt của trường THCS Châu Văn Liêm huyện Ô Môn, TP Cần Thơ. Thầy Huynh đặc biệt không phải vì vóc người nhỏ, cặp kính cận hay đến từ Cao Bằng, mà ở nghị lực vượt khó vươn lên làm thầy giáo.

Thầy Huynh là con út trong gia đình nghèo có 5 anh em ở Cao Bằng. Các anh chị đều phải sớm nghỉ học, trong khi cậu bé Huynh “ham học và học được nhất nhà” cũng từng có ý định bỏ học để bố mẹ bớt vất vả. “Hết lớp 5 tôi xin nghỉ học, nhưng gia đình không đồng ý, còn động viên học tiếp. Vì vậy, tôi luôn cảm thấy may mắn và có trách nhiệm cố gắng học thật tốt”, thầy Huynh bộc bạch.

Suốt những năm tháng đi học phổ thông dùng chiếc cặp sách cũ bạc màu nhưng cậu bé Huynh vẫn rất nâng niu, giữ gìn. Cực khổ nhất là những năm đầu cấp 2, cậu phải dậy từ 5 giờ sáng bữa đói bữa no đi bộ hơn 4km đến trường.

“Tôi vẫn nhớ những lần được mẹ cõng qua suối đến trường không may bị trượt chân, hai mẹ con ngã ướt sũng phải quay về thay đồ. Tôi nhớ lần mẹ gò lưng đạp xe vượt dốc đến trường cho kịp giờ thi… Lên cấp ba tôi đỗ cả trường huyện, nhưng lại chọn trường dân tộc nội trú để bố mẹ bớt gánh nặng học phí”, thầy Huynh chia sẻ.

Sau khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm Thái Nguyên, năm 2016, thầy Huynh quyết định “Nam tiến” ứng tuyển và được phân về dạy học tại trường THCS Châu Văn Liêm, dạy môn Địa lý, rồi bén duyên làm Tổng phụ trách Đội. Làm công tác Đội, thầy không chỉ vận động học sinh, mà còn thuyết phục nhiều phụ huynh cho con em tham gia các hoạt động của trường. Thầy còn tình nguyện đưa đón nhiều học sinh ở xa.

Gần 5 năm công tác, các phong trào thiếu nhi dưới sự dẫn dắt của thầy Huynh đã thu hút đông đảo học sinh trong trường tham gia, gặt hái được nhiều thành tích. Trong năm học vừa qua, tham gia Cuộc thi tìm hiểu “Học tập và làm theo phong cách đạo đức Hồ Chí Minh” do T.Ư Đoàn phát động, trường THCS Châu Văn Liêm xếp thứ nhì toàn quốc, một học sinh lọt vào bán kết, còn bản thân thầy Huynh đạt giải Ba. “Niềm vui từ cuộc thi không chỉ là thành tích mà còn là cơ hội giúp tôi gắn bó hơn với học sinh. Chúng tôi cùng tìm hiểu kiến thức, các em đến trường mỗi ngày là một niềm vui”, thầy Huynh nói.

Hạnh phúc khi thấy các em trở thành người có ích

Cô giáo Lồ Thị Lan (SN 1990, dân tộc Bố Y) có 9 năm gắn bó với vùng đất Dìn Chin - xã vùng sâu vùng xa của huyện Mường Khương, Lào Cai. Tháng 6/2011, tốt nghiệp ra trường, đến tháng 9 cô cầm quyết định lên nhận công tác ở trường Tiểu học Dìn Chin với tâm thế sẵn sàng đối mặt với những thử thách.

Khó khăn nhất của Dìn Chin là thiếu nước. Ngay từ những ngày đầu trở thành cô giáo, cứ sáng sớm hoặc sau buổi chiều tan học, cô Lan cùng đồng nghiệp lại chuẩn bị can nhựa, đòn gánh đi gần 1km để lấy nước về phục vụ sinh hoạt. “Gọi là lấy nước nhưng thực tế là đi hứng từng giọt nước. Mỗi can nước hứng được là một phép thử về sự kiên nhẫn, bởi ai đi lấy cũng phải chờ đợi, xếp hàng. Có hôm tôi phải chờ đến 2 tiếng đồng hồ mới đến lượt mình hứng nước”, cô Lan chia sẻ.

Cả thôn nơi cô Lan ở chỉ có một nguồn nước chảy nhỏ giọt. Ở vùng đất “khát” Dìn Chin này, nước quý hơn vàng. Những bài học đầu tiên cô chia sẻ với học trò là cách sử dụng nước tiết kiệm và thông minh. Nước vo gạo dùng để rửa rau, rồi dùng nước rửa rau để rửa bát...

Ở trường Tiểu học Dìn Chin, cô Lan được phân công dạy lớp 1. Đây được xem là lớp khó nhất vì tất cả học sinh đều là người dân tộc thiểu số. Học sinh lớp 1 lạ trường lớp, phần lớn chỉ nói tiếng dân tộc, hạn chế tiếng phổ thông...

“Là người dân tộc thiểu số, người con của bản làng nên tôi hiểu những khó khăn của học trò. Các em thiệt thòi nhiều, điều kiện phục vụ việc học rất thiếu thốn. Không muốn để các em bị mù chữ, gắn bó cả đời với nương rẫy, cái đói nghèo nên tôi luôn tự nhủ phải chấp nhận khó khăn để dạy bằng được cái chữ cho các em”, cô Lan chia sẻ.

Điều cô Lan lo lắng nhất là học sinh vì khó khăn phải bỏ học để theo cha mẹ lên nương rẫy. Gần chục năm bám lớp, không ít lần cô phải đến tận nhà học sinh để vận động, thuyết phục phụ huynh cho con đi học trở lại.

“Tôi chỉ mong được đóng góp công sức nhỏ bé của mình, giúp các em được học hành đầy đủ. Thầy cô nào cũng vậy, sẽ thật hạnh phúc và cảm thấy ấm áp khi các em biết đọc, biết viết, biết tính toán, biết nói điều hay, làm việc tốt, trở thành người có ích cho xã hội", cô Lan bày tỏ.

Thầy Triệu Văn Huynh và cô Lồ Thị Lan là hai trong số 63 thầy cô giáo dân tộc thiểu số tiêu biểu được vinh danh trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020, tối 17/11. 

MỚI - NÓNG