Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, trong tháng 2/2021, không khí lạnh hoạt động yếu hơn so với trung bình nhiều năm và yếu hơn hẳn so với tháng 1/2021. Rét đậm chỉ xuất hiện ngắn ngày và tập trung chủ yếu ở khu vực vùng núi, trung du Bắc Bộ.
Trong đó thời kỳ 10 ngày đầu tháng (1-10/2/2021), không khí lạnh hoạt động yếu, thời tiết ấm áp. Nhiệt độ khu vực phía Đông Bắc Bộ cao hơn trung bình nhiều năm từ 1,5- 2,5 độ. Khu vực Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ cao hơn trung bình nhiều năm từ 1-2 độ. Các khu vực còn lại xấp xỉ so với giá trị trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Tuy nhiên, cơ quan khí tượng lưu ý, khoảng ngày 8-9/2 (ngày 27-28 Tết) do ảnh hưởng của quá trình hội tụ gió ở độ cao khoảng 5000m, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng xuất hiện mưa rào và dông trên diện rộng, riêng các tỉnh vùng núi, trung du Bắc Bộ có khả năng xảy ra mưa đá và lốc sét mạnh. Tổng lượng mưa (TLM) tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 30-50mm, có nơi 60-80mm.
Sau đó, thời kỳ 10 ngày giữa tháng (11-20/2/2021) - trùng với dịp nghỉ Tết, không khí lạnh tiếp tục hoạt động yếu. Nhiệt độ khu vực phía Đông Bắc Bộ cao hơn trung bình nhiều năm từ 1,5-2,5 độ. Khu vực Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ cao hơn trung bình nhiều năm từ 1-2 độ. Các khu vực còn lại xấp xỉ so với giá trị trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Cơ quan khí tượng nhận định, dịp Tết Tân Sửu ít có khả năng xảy ra thiên tai nguy hiểm, đặc biệt rất ít khả năng xảy ra dông, lốc sét, mưa đá diện rộng như trong dịp Tết Canh Tý. Nhận định chung cho thấy, Tết năm nay miền Bắc sẽ ấm, nhiều khả năng có mưa nhỏ, mưa phùn, sương mù vào buổi sáng. Ở miền Trung nhiều mưa, miền Nam tương tự như các năm khác. Trên biển Đông chưa có dấu hiệu xuất hiện của bão, áp thấp nhiệt đới trong dịp này.
Trước đó, vào dịp Tết Canh Tý, một đợt mưa đá diện rộng đã xảy ra ở nhiều tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ như Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An. Mưa đá xuất hiện nhiều đợt trong 30 và mùng Một Tết, gây ra nhiều thiệt hại về nhà cửa, hoa màu. Mưa cũng gây ngập úng ở nhiều địa phương đúng dịp Tết như Nam Định, Hà Nội, Hải Phòng. Cơ quan khí tượng sau đó cho biết, trong lịch sử ngành khí tượng thủy văn chưa từng ghi nhận mưa đá xảy ra vào dịp Tết Nguyên đán trước đó.