Giáo sư Harvard bị buộc tội che giấu quan hệ với Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
GS Charles Lieber. (Ảnh: Reuters)
GS Charles Lieber. (Ảnh: Reuters)
TPO - Ngày 21/12, một giáo sư của ĐH Harvard (Mỹ) bị buộc tội nói dối về quan hệ của ông với một chương trình tuyển dụng của Trung Quốc. Phiên toà diễn ra khi Mỹ đang cố giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước ngoài.

Toà án ở Boston kết luận rằng ông Charles Lieber, một nhà khoa học nổi tiếng về công nghệ nano và là cựu trưởng khoa hoá học của ĐH Harvard, đã nói dối giới chức, gian lận trong khai báo thuế và không báo cáo về một tài khoản ở ngân hàng Trung Quốc.

Các công tố viên nói rằng vào năm 2021, ông Lieber, trong hành trình tìm kiếm giải thưởng Nobel, đã đồng ý trở thành “nhà khoa học chiến lược” tại ĐH Công nghệ Vũ Hán và thông qua đó tham gia Chương trình Ngàn nhân tài của Trung Quốc.

Các công tố viên nói rằng Trung Quốc dùng chương trình này nhằm tuyển dụng các nhà nghiên cứu nước ngoài để họ chia sẻ kiến thức với Trung Quốc. Việc tham gia chương trình không phải tội hình sự, nhưng các công tố viên cho rằng ông Lieber, 62 tuổi, đã nói dối về sự tham gia của mình.

Là người đang chiến đấu với bệnh ung thư, ông Lieber phản ứng một cách vô cảm khi toà công bố bản án sau phiên toà kéo dài 3 giờ đồng hồ.

Ông bị buộc tội từ tháng 1/2020, khi Bộ Tư pháp Mỹ đang triển khai chiến dịch “Sáng kiến Trung Quốc” từ thời chính quyền Trump để đối phó với tình trạng mà Washington cho là Trung Quốc đang đánh cắp nghiên cứu và gián điệp kinh tế.

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden vẫn tiếp tục sáng kiến này, dù Bộ Tư pháp cho biết đang xem lại cách tiếp cận.

Những người chỉ trích cho rằng sáng kiến này gây hại cho nghiên cứu học thuật, phân biệt chủng tộc đối với các nhà nghiên cứu Trung Quốc và khiến một số nhà khoa học khiếp sợ. Năm nay, một giáo sư ở Tennessee được tuyên trắng án sau một phiên toà sai lầm, và các công tố viên huỷ bỏ buộc tội đối với 6 nhà nghiên cứu khác.

Các công tố viên nói rằng ông Lieber nói dối với Bộ Quốc phòng và Viện Y tế quốc gia Mỹ về vai trò của ông trong chương trình tuyển dụng của Trung Quốc, dù hai cơ quan này đã trao cho ông 15 triệu USD tiền thưởng cho kết quả nghiên cứu.

Trong cuộc thẩm vấn của FBI sau khi bị bắt, ông nói rằng ông đã “ngu ngốc và thiếu chín chắn” khi thiết lập quan hệ với ĐH Vũ Hán và tin rằng sự hợp tác này sẽ giúp uy tín của ông tăng lên.

Trong thời gian hợp tác đó, ông được trả 50.000 USD/tháng cộng với 158.000 USD chi phí sinh hoạt. Ông nhận một nửa bằng tiền mặt và một nửa thông qua tài khoản tại ngân hàng Trung Quốc, các công tố viên cho biết.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG