Tại Việt Nam, sự việc bé Nguyễn Hải An (7 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) và bé Nguyễn Vân Nhi (12 tuổi, ở quận Ba Đình, Hà Nội) hiến tặng giác mạc của mình sau khi qua đời đã khiến cho cộng đồng xã hội cảm phục. Hành động này của hai bé gái tuổi và hai người mẹ đã thức tỉnh bao trái tim về tinh thần vì cộng đồng, muốn để lại một phần cơ thể của mình giúp ích cho đời.
Theo lãnh đạo Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia (Bộ Y tế), đơn vị này sẽ có kiến nghị gửi Chính phủ và Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác để điều chỉnh thủ tục tiếp nhận đối với những trường hợp người bị chết não, ngay cả với người dưới 18 tuổi.
Theo các luật sư, theo quy định tại điều 5, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác người quy định quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác nêu rõ: Người đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác.
Như vậy với quy định của pháp luật hiện hành thì người chưa đủ 18 tuổi không được quyền hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác. Vì vậy trường hợp bệnh viện từ chối nhận, làm thủ tục để hiến xác của bé An là phù hợp với quy định pháp luật.
Việc bé Hải An và bé Vân Nhi hiến giác mạc cho y học là một hành động dũng cảm và đầy cảm xúc. Vấn đề này đã thể hiện lòng nhân ái, tình cảm, sự hy sinh về trách nhiệm của một công dân khi còn rất nhỏ tuổi trước cộng đồng xã hội. Hành động này đã làm xúc động trái tim biết bao người Việt Nam, đặc biệt là những người bệnh đang chờ được ghép giác mạc.
Tình cảm của bé Hải An và gia đình rất đáng được trân trọng. Đây cũng là một trường hợp gây chú ý, để các nhà làm luật tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các văn bản pháp luật về lĩnh vực này, sao cho phù hợp với thực trạng xã hội Việt Nam hiện nay. Không chỉ giải quyết tốt hơn nhu cầu chữa bệnh, là điều kiện để phát triển y học tốt hơn mà còn nhân lên niềm hy vọng cho những bệnh nhân đang từng ngày chờ được nhận "những món quà vô giá".
Để có thêm những thông tin về vấn đề này, Báo Tiền Phong tổ chức Giao lưu trực tuyến với chủ đề: "Trẻ em và quyền được tặng mô/tạng".
Thời gian: 9h ngày 21/11/2018.
Khách mời tham gia chương trình:
Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người - Bộ Y tế
Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Mắt Trung ương
Bà Trương Liên Châu - Báo Thanh Niên
Kính mời độc giả quan tâm đến vấn đề này gửi câu hỏi về địa chỉ: online@baotienphong.com.vn
Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất
21/11/2018 09:26
Thưa ông, ông đã gặp nhiều trường hợp dưới 18 tuổi xin hiến giác mạc chưa ạ? Và với các cháu bé, cảm xúc của ông ra sao?
Ông Nguyễn Hữu Hoàng - Giám đốc Ngân hàng Mắt Trung Ương:
Hiện nay, đã có rất nhiều trường hợp đăng kí hiến tặng giác mạc dưới 18 tuổi, tuy nhiên đối với những trường hợp này thì chúng tôi cũng cảm ơn và khuyên những người đăng ký phải hỏi ý kiến của người thân hoặc người giám hộ của mình.
Tính từ 5/4/2017 chúng tôi đã tiếp nhận 7 trường hợp dưới 18 tuổi hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. Đối với những người trẻ đăng kí hiến tặng giác mạc, chúng tôi rất cảm kích vì những người này đã hiểu được ý nghĩa của việc hiến tặng giác mạc.
Tuy nhiên, các bạn ấy còn trẻ, còn có thể cống hiến nhiều sức lực cho xã hội do đó chúng tôi cũng mong muốn thông qua những người trẻ như vậy có thể làm thay đổi nhận thức của cộng đồng và xã hội về việc hiến tặng giác mạc, đem lại ánh sáng cho những người mù thiếu may mắn khác. Còn đối với những người trẻ đã hiến tặng giác mạc , khi thực hiện công việc đó, các kỹ thuật viên của Ngân hàng mắt không tránh khỏi những cảm xúc vì cảm thấy thương xót, tiếc nuối cho những người trẻ như vậy.
21/11/2018 09:30
Nhà báo Trương Liên Châu - Báo Thanh Niên:
Đó là những câu chuyện vô cùng xúc động, các em đã khiến mình như chững lại để cảm nhận và để biết yêu mình hơn, yêu mọi người hơn, yêu và trân trọng từng phút giây cuộc sống. Sự hiến tặng đó lan toả đến mọi người, hối thúc mọi người “dám” ra quyết định đăng ký hiến tặng mô tạng của người thân yêu - một lựa chọn mà trước đó chưa nhiều người nghĩ đến, chưa nhiều người “dám” quyết định, đặc biệt là trường hợp hiến tặng từ trẻ nhỏ.
Phía sau các em, chúng ta còn nhận ra những người thân yêu của các em cũng vô cùng nhân hậu và cũng đã lựa chọn cách bày tỏ niềm yêu thương con mình, đó là muốn duy trì cuộc sống của con mình trong những ánh nhìn trên một người hiện hữu khác bằng việc hiến tặng giác mạc của con.
Sau sự kiện bé Hải An, theo Trung tâm Điều phối Quốc gia về Ghép bộ phận cơ thể người, trong năm nay đã có hơn 7.000 người đăng ký hiến tặng giác mạc, hiến tặng mô tạng, trong khi 4 năm trước đó chỉ là 14.000 người đăng ký hiến tặng.
21/11/2018 09:34
Thưa ông Nguyễn Hoàng Phúc (Phó Giám đốc TT Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người), vì sao lại quy định cá nhân phải từ đủ 18 tuổi trở lên mới có quyền hiến bộ phận cơ thể, hiến xác sau khi chết?
Ông Nguyễn Hoàng Phúc (Phó Giám đốc TT Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người):
Đây là một quy định có nền tảng chung trên thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ vì một lẽ đơn giản, bất kì quốc gia nào cũng quy định về một độ tuổi nhất định. Độ tuổi mà một người tự quyết định về hành động của mình, độ tuổi chịu trách nhiệm về hình sự, dân sự hay hành chính. Đấy là lý do vì sao Quốc hội đã lựa chọn người từ đủ 18 tuổi có quyền bày tỏ nguyện vọng, có quyền hiến tặng mô tạng lúc còn sống hoặc sau khi chết, chết não.
Từ năm 2004- 2006 trong quá trình xây dựng Luật hiến- lấy- ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, có rất nhiều đại biểu Quốc hội đã băn khoăn về độ tuổi nào thì phù hợp và cuối cùng đã thống nhất lấy độ tuổi 18.
Tuy nhiên, tại thời điểm đó cũng có ý kiến của Đại biểu Quốc hội trong lĩnh vực Y tế cho rằng trong một số trường hợp đặc biệt vẫn được phép lấy mô tạng từ người chết não dưới 18 tuổi để ghép cho các trẻ em. Nhưng có lẽ tại thời điểm đó chúng ta chưa có trường hợp nào xảy ra như vậy nên chưa có đủ thông tin để thông qua để điều chỉnh về độ tuổi đặc thù như vậy. Đấy là một trong những điều mà chúng ta cần phải nghĩ tới, cần có sự điều chỉnh quy định về độ tuổi trong hệ thống Luật sửa đổi, bổ sung.
21/11/2018 09:38
Theo chị, từ thực tế có nhiều gia đình muốn hiến tạng của trẻ dưới 18 tuổi, chúng ta nên thay đổi Luật ra sao cho phù hợp?
Nhà báo Trương Liên Châu - Báo Thanh Niên:
Theo như tôi biết, đây thực sự là vấn đề đang nhận được nhiều mối quan tâm từ bác sĩ điều trị, từ những người làm công tác vận động hiến tặng mô tạng và các gia đình, cũng như từ cộng đồng. Trước thực tế, nhiều gia đình muốn hiến tạng của trẻ dưới 18 tuổi khi không may con em của mình bị bệnh hiểm nghèo hoặc tai nạn không thể tiếp tục duy trì cuộc sống, chúng ta cũng cần xem xét những quy định liên quan để có thể thực hiện.
Tuy nhiên, về vấn đề Luật, tôi cho rằng, trước khi đưa ra một quy định mới, các nhà làm luật cần phải có cơ sở vững chắc, chặt chẽ để đề xuất. Cần có những khảo sát, những số liệu thể hiện mong muốn hiến tặng, nhu cầu tiếp nhận tạng hiến từ người dưới 18 tuổi, từ trẻ em. Và từ những thực tế đó mới có thể là một trong những yếu tố để quyết định có cần thiết đưa ra quy định đó hay không.
21/11/2018 09:44
Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc TT Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người:
Trên thực tế, vừa qua cơ quan công an đã xử lý một số trường hợp liên quan đến đường dây mua bán nội tạng. Đó là một trong những vấn đề nhức nhối mà xã hội và ngành Y tế đang phải đối mặt gây ảnh hưởng và nguy hiểm cho chính những cán bộ Y tế đang nỗ lực cứu chữa tận cùng cho những người bệnh bị suy mô tạng cần phải ghép.
Từ năm 2006, tiên lượng trước nguy cơ có thể xảy ra tình trạng mua bán nội tạng, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động hiến, lấy ghép mô tạng ở Việt Nam nên Quốc hội đã quy định riêng một Điều 11 về hành vi nghiêm cấm trong Luật hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác.
Theo đó, nghiêm cấm mọi hành vi mua bán, trao đổi mô tạng; hiến, lấy ghép mô tạng vì muc đích thương mại; quảng cáo, môi giới mua, bán mô tạng… Và Bộ Luật Hình sự sửa đổi 2015 cũng đã có bổ sung Điều 154 liên quan đến việc mua bán mô tạng. Theo đó, mức xử phạt hình sự được quy định từ 2 năm đến 20 năm tù hoặc chung thân cho những hành vi tổ chức môi giới, mua bán mô tạng…
Điều đó cho thấy chúng ta đã có một hệ thống văn bản, quy phạm pháp luật đủ mạnh để phòng ngừa, răn đe hoặc xử lý hình sự khi có hành vi vi phạm pháp luật xảy ra.
Tuy nhiên, trên thực tế nhiều trường hợp lợi dụng kẽ hở hiến tặng mô tạng để lách luật, tránh bị xử lý từ góc độ mua, bán làm cho hệ thống Y tế không có khả năng phát hiện hành vi trá hình đó.
Vì thế, đòi hỏi cần phải có quy định bổ sung chặt chẽ hơn trên nguyên tắc mọi trường hợp ghép tạng phải có tên trong danh sách chờ ghép Quốc gia và mọi trường hợp hiến tặng mô tạng cần phải dưới hình thức vô danh, vô vụ lợi, không cho phép hiến tặng trực tiếp cho bất kì cá nhân nào (hiến khi còn sống) nếu không cùng huyết thống. Tương tự, người ngước ngoài tới ghép tạng ở Việt Nam cũng phải tuân thủ quy định đó. Ngoài ra, Việt Nam cần tham gia trực tiếp tuyên bố Istanbul phòng chống "Du lịch ghép tạng".
21/11/2018 09:46
Đối với người dưới 18 tuổi, theo chị việc đăng ký hiến mô tạng có phù hợp với nhận thức của các cháu hay không?
Nhà báo Trương Liên Châu - Báo Thanh Niên:
Cảm ơn câu hỏi của bạn đọc. Tôi cho rằng đây là một vấn đề cần được xem xét nghiêm túc, bởi dưới 18 tuổi thực sự khó có thể có những nhận thức đầy đủ về quyết định của mình. Hiến mô tạng dù sao vẫn là một vấn đề chưa được biết nhiều ở những người dưới 18 tuổi. Để các em nhận biết đầy đủ, chúng ta nên có những hình thức cung cấp thông tin về hiến mô tạng cho các em một cách phù hợp. Việc này cũng cần qua một quá trình lâu dài mới có thể hình thành hiểu biết nhất định cho các em. Với ý kiến cá nhân tôi, không nên để người dưới 18 tuổi độc lập tự quyết định hiến mô tạng của mình.
21/11/2018 09:48
Ông Nguyễn Hữu Hoàng - Giám đốc Ngân hàng Mắt Trung ương
Khi thu nhận giác mạc từ những cháu nhỏ, khó khăn đầu tiên đối với chúng tôi là về cảm xúc, bởi những trường hợp nhỏ tuổi như vậy, giống như trẻ con trong nhà còn bản thân chúng tôi giống như những người cha, người mẹ nên không thể tránh khỏi việc xúc động và xót xa.
Thứ hai, việc tác động tâm lý trong gia đình của người hiến tặng giác mạc là rất lớn bởi sự ra đi của các cháu rất đột ngột, gần như không có sự chuẩn bị trước, nên việc đau xót và tiếc nuối rất nhiều. Đôi khi còn là những ý kiến trái chiều của họ hàng người thân đối với quyết định hiến tặng giác mạc, bởi đó là ý nguyện của cháu bé và bố mẹ các cháu.
Về kỹ thuật, cũng đòi hỏi chúng tôi phải khéo léo hơn bởi giác mạc của các cháu mềm và mắt của các cháu còn nhỏ so với người trưởng thành. Mặt khác, chất lượng giác mạc của các cháu cực kỳ tốt, nên chúng tôi lại càng phải cẩn thận hơn để đảm bảo khi thu nhận, chất lượng giác mạc đó phải được lấy tốt nhất có thể để ghép cho người bệnh.
21/11/2018 09:52
Thưa ông, trường hợp cháu nhỏ nhất hiến giác mạc ông từng gặp là bao nhiêu tuổi? Sau này ông có dịp nào gặp lại cha mẹ của các cháu không?
Ông Nguyễn Hữu Hoàng - Giám đốc Ngân hàng Mắt Trung ương
Trường hợp chúng tôi thu nhận giác mạc nhỏ tuổi nhất là một cháu bé 6 tuổi ở Kim Sơn, Ninh Bình bị tai nạn giao thông và gia đình cháu đồng ý hiến tặng giác mạc. Và đây là trường hợp nhỏ tuổi đầu tiên chúng tôi tiếp nhận giác mạc, cảm xúc khi chúng tôi tiếp nhận giác mạc của cháu thực sự vô cùng xót xa bởi cháu còn quá nhỏ mà đã phải rời xa cuộc sống.
Sau này, chúng tôi thỉnh thoảng có gặp lại cha mẹ các cháu bé đã hiến tặng giác mạc thông qua những dịp tôn vinh những người đã hiến tặng giác mạc hoặc những sự kiện truyền thông liên quan đến vấn đề hiến tặng giác mạc.
Khi tôi gặp lại người thân của những cháu bé đã hiến tặng giác mạc, vẫn có thể cảm nhận được nỗi buồn bởi sự ra đi của các cháu. Tuy nhiên, họ rất tự hào bởi quyết định hiến tặng giác mạc của con cháu họ đã giúp cho những người kém may mắn khác có thể tìm lại được ánh sáng và trở lại cuộc sống sinh hoạt đời thường. Và họ biết rằng, một phần nhỏ thân thể của người thân mình vẫn đang tồn tại có ích trên một cơ thể khác.
21/11/2018 09:54
Người sống hiến tạng có gặp rủi ro gì về sức khỏe không, thưa ông?
Ông Nguyễn Hoàng Phúc Phó Giám đốc TT Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người:
Về nguyên tắc mọi trường hợp hiến tặng mô, tạng khi còn sống phải đảm bảo tuyệt đối an toàn về tính mạng, sức khoẻ mới được phép hiến tặng mô, tạng. Vì thế, trước khi hiến tặng mô, tạng người hiến tặng phải được kiểm tra, đánh giá chặt chẽ, chi tiết, tuyệt đối về các chỉ số y- sinh học nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người hiến. Trong mọi trường hợp nếu có bất kì yếu tố nào nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ đều được đánh giá và dừng việc hiến tặng mô, tạng ngay lập tức.
Cách đây không lâu có một nhà sư tình nguyện hiến tặng một quả thận cho người vô danh không quen biết qua TT Điều phối QG về ghép bộ phận cơ thể người, tuy nhiên qua xét nghiệm, đánh giá các chỉ số có liên quan, tại thời điểm đó phát hiện nhà sư có nguy cơ tiền tiểu đường.
Về mặt lý thuyết, tại thời điểm đó hoàn toàn có thể tiếp nhận một quả thận hiến của nhà sư nhưng về lâu dài, nếu nguy cơ tiểu đường đó biến thành tiểu đường thật thì sẽ ảnh hưởng đến quả thận còn lại. Vì thế chúng tôi đã không thể tiếp nhận quả thận hiện tặng của nhà sư đó vì một lẽ đơn giản cần phải bảo vệ tối đa về tính mạng, sức khoẻ cho người hiến.
Ngay cả trường hợp nếu người hiến thận đầy đủ các chỉ số về sức khoẻ thì khi lấy thận hiến, cán bộ y tế luôn giữ lại quả thận tốt hơn (thường trong hai quả thận sẽ có một quả thận có chỉ số kém hơn). Điều đó cho thấy, nguyên tắc đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khoẻ cho người hiến và trong mọi trường hợp cần phải quan tâm đến người hiến hơn so với người nhận. Đó cũng là nguyên tắc về y đức không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.
21/11/2018 09:56
Ông Nguyễn Hoàng Phúc (Phó Giám đốc TT Điều phối ghép tạng Quốc gia):
Một người khi còn sống có thể hiến một quả thận, một lá phổi hoặc 1 phần lá gan. Nếu chết não thì có thể hiến được tất cả các mô, tạng còn lại như: tim, gan, thận, phổi, tuỳ, ruột, tử cung, da, gân, xương, giác mạc, mạch máu….
21/11/2018 09:59
Thưa ông, đối với quy định 18 tuổi mới được hiến tạng, ông thấy có vướng mắc gì trong vấn đề này không ạ?
Ông Nguyễn Hữu Hoàng - Giám đốc Ngân hàng Mắt Trung ương:
Riêng với giác mạc, bất cứ ai cũng có thể hiến tặng được, kể cả những người dưới 18 tuổi, nếu được sự đồng ý của gia đình hoặc người giám hộ. Tuy nhiên, đối với các bộ phận cơ thể khác, thì pháp luật hiện hành ở nước ta quy định phải trên 18 tuổi.
Hiện nay, có rất nhiều cháu đang phải chờ các nguồn tạng từ người hiến tặng để có thể chữa bệnh, thay đổi cuộc sống. Tuy nhiên, nguồn tạng phù hợp với các cháu rất hiếm nên các cháu vẫn phải duy trì cuộc sống bằng các phương pháp tạm thời.
Trong khi đó, khi chúng tôi tiếp nhận giác mạc của những người trẻ dưới 18 tuổi thì có rất nhiều trường hợp có nguyện vọng được hiến tặng những bộ phận cơ thể khác cho những đứa trẻ đang mong chờ được thay thế các bộ phận như tim, gan, thận,…Tuy nhiên, những nguyện vọng này không thể thực hiện được bởi đang vướng phải hàng rào pháp lý hiện nay.
21/11/2018 10:02
Ông Nguyễn Hoàng Phúc (Phó Giám đốc TT Điều phối ghép tạng Quốc gia):
Tôi không ủng hộ việc giảm độ tuổi hiến tặng mô, tạng của người hiến khi còn sống như phân tích ở trên. Bởi lẽ, cần phải bảo đảm tuyệt đối an toàn về tính mạng, sức khoẻ cho người hiến nhất là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần.
Tuy nhiên, tôi ủng hộ việc quy định trong trường hợp liên quan đến chết não nếu gia đình đồng ý thì không giới hạn độ tuổi hiến tặng mô, tạng. Bởi lẽ, như trường hợp của bé Hải An, bé Vân Nhi thời gian qua cho thấy chính những người thân trong gia đình và các bé có tâm nguyện hiến tặng mô, tạng sau khi chết não nhưng tâm nguyện đó đã không được thực hiện trọn vẹn do hệ thống pháp luật chưa cho phép.
21/11/2018 10:08
Nhà báo Trương Liên Châu - Báo Thanh niên:
Vâng, vấn đề bạn đặt ra rất xác đáng. Tôi nghĩ rằng, đó cũng là mối quan tâm của cơ quan quản lý, những người làm công tác chuyên môn, bởi điều đó hoàn toàn có thể xảy ra nếu không được thực hiện một cách chặt chẽ.
Thực tế vừa qua, ngay cả việc hiến tạng từ người lớn đã xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật đã được cơ quan chức năng tìm ra. Và với trẻ nhỏ, khi mà cuộc sống của các em hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ, người thân trong gia đình, nguy cơ này càng dễ xảy ra.
Hiện tại, người dưới 18 tuổi chưa được luật pháp công nhận việc hiến tạng, nhưng đó cũng là vấn đề có thể được xem xét. Khi đó, chắc chắn cơ quan quản lý, giới chuyên môn, những người làm luật sẽ đưa ra những quy định để đảm bảo việc hiến tạng hoàn toàn mang tính nhân đạo.
21/11/2018 10:09
Trong thời gian qua có những em bé dưới 18 tuổi hiến giác mạc sau khi qua đời, vậy tại sao những bộ phận cơ thể khác lại không hiến được, thưa ông?
Ông Nguyễn Hoàng Phúc (Phó Giám đốc TT Điều phối ghép tạng Quốc gia):
Như chúng ta đã biết, giác mạc có thể tiếp nhận sau khi người hiến qua đời hoặc chết não. Vì thế, khi người hiến tạng trút hơi thở cuối cùng trong vòng 8 tiếng hoàn toàn có thể tiếp nhận được giác mạc và các mô khác như: da, gân, xương… Nhưng đối với các tạng khác như: tim, gan, thận, phổi… chỉ có thể tiếp nhận khi người hiến tặng chết não.
21/11/2018 10:14
Theo ông trẻ em bao nhiêu tuổi thì có thể được hiến tặng giác mạc?
Ông Nguyễn Hữu Hoàng - Giám đốc Ngân hàng Mắt Trung ương:
Theo các tài liệu nghiên cứu, thì trẻ từ 5 tuổi trở lên có thể hiến tặng được giác mạc bởi lúc này các chức năng của mắt mới bắt đầu tương đối hoàn thiện và giác mạc đã hình thành ổn định, chất lượng giác mạc của trẻ lúc này là tốt nhất.
21/11/2018 10:16
Ông Nguyễn Hữu Hoàng - Giám đốc Ngân hàng Mắt Trung ương:
Riêng tại Ngân hàng mắt, bệnh viện Mắt Trung ương, hiện nay có khoảng 1000 người đăng ký chờ ghép giác mạc. Trong khi đó, Ngân hàng Mắt mỗi năm thu nhận được khoảng 150 đến 180 giác mạc từ người hiến tặng giác mạc ở trong nước và khoảng 150 giác mạc từ các Ngân hàng Mắt nước ngoài tặng. Tuy nhiên, số lượng giác mạc này chưa đủ đáp ứng nhu cầu của người bệnh nên số lượng người đăng ký chờ ghép giác mạc vẫn còn nhiều.
21/11/2018 10:17
Nếu một người cần được ghép tạng, mà người hiến là anh chị em ruột dưới 18 tuổi thì có được chấp nhận hay không?
Nhà báo Trương Liên Châu - Báo Thanh niên:
Cảm ơn câu hỏi của bạn. Như tôi được biết, hiện tại luật pháp chưa cho phép hiến tạng ở người dưới 18 tuổi. Do đó, ngay cả khi người hiến và người nhận có mối quan hệ ruột thịt, các bác sĩ cũng không thể thực hiện được.
21/11/2018 10:19
Ông Nguyễn Hoàng Phúc (Phó Giám đốc TT Điều phối ghép tạng Quốc gia):
Từ năm 1992 đến nay, sau khi thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên ở Bệnh viện Quân y 103, chúng ta đã làm chủ các kĩ thuật ghép tạng phức tạp hơn rất nhiều như tim, gan, phổi…
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay chính là thiếu nguồn tạng hiến. Một thực tế đau lòng xảy ra là mỗi năm chúng ta có khoảng gần 10.000 chết do tai nạn giao thông, ở các bệnh viện ngoại khoa hầu như ngày nào cũng có người chết, chết não xin về.
Tuy nhiên, cho đến giờ phút này ở Việt Nam mới có chưa đầy 30 người hiến tạng chết não. Qua đó cho thấy, rất nhiều người không may qua đời nhưng chưa sẵn sàng trao lại một phần cơ thể để cứu sống đồng loại và cũng là cách để tiếp tục hiện hữu trong cuộc đời, làm cho sự sống được nối dài.
Từ thực tiễn đó cho thấy chúng ta phải tăng cường tuyên truyền, vận động hiến tặng mô, tạng sâu rộng trong toàn quốc để mỗi người dân đều hiểu biết về nghĩa cử cao đẹp của việc hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc sau khi chết, chết não.
Từ đó, thay đổi hành vi tiến tới chủ động đăng kí hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não. Ngoài ra, cũng cần phải trình với Quốc hội sửa đổi hệ thống pháp luật về Hiến ghép mô, tạng để mở rộng hình thức đăng kí khả thi hơn như: đăng kí qua việc cấp bằng lái xe, đăng kí cấp thẻ bảo hiểm y tế…
Bên cạnh đó, cũng cần phải điều chỉnh quy định mở rộng biên độ về độ tuổi hiến tặng mô,tạng cho những người không may chết não, quy định về chế độ, chính sách cho hoạt động tổ chức, điều phối hiến tặng mô, tạng; chế độ cho người hiến tạng để bảo đảm nguyên tắc tự nguyện và cơ chế chăm sóc, phục hồi sức khoẻ khả thi sau khi hiến tạng…
21/11/2018 10:52
Tôi được biết rất nhiều những người đăng kí hiến tạng sau khi chết, chết não đều có cảm giác họ rất hạnh phúc. Ông có thể cho biết vì sao, họ lại có cảm xúc đó?
Ông Nguyễn Hoàng Phúc (Phó Giám đốc TT Điều phối ghép tạng Quốc gia):
Tính đến ngày hôm nay, cả nước có 19.122 người đăng kí hiến tạng và trong số những người trực tiếp đến TT Điều phối ghép tạng QG đăng kí hiến tạng mà chúng tôi có cơ hội được trao tấm thẻ đăng kí hiến tặng mô, tạng ấy chưa trường hợp nào chúng tôi thấy họ không ngập tràn hạnh phúc.
Ở họ có một sự mãn nguyện, bình an đến lạ bởi lẽ họ đã thực hiện được tâm nguyện của mình đó là khi sống có ý nghĩa và ngay cả khi ra đi cũng không vô nghĩa. Họ hiểu rằng, từ khoảnh khắc này họ đã được sống trong dòng chảy cảm xúc nhân văn ấy. Thế nên, không có lý do gì mà họ không hạnh phúc. Không chỉ dừng lại ở đó mà chính họ hiểu rõ từ giờ phút này trở đi họ không chỉ sống cho riêng mình mà còn góp phần thắp lên, lan toả những giá trị tốt đẹp.
Nhiều người đã chia sẻ hình ảnh đăng kí hiến tặng mô, tạng của mình trên trang facebook cá nhân, trong đó không ít những người nổi tiếng như: MC Minh Hà, MC Hồng Nhung, nhà báo Tạ Bích Loan… Điều rất đặc biệt là trong số các phóng viên theo dõi lĩnh vực y tế khi tới TT Điều phối ghép tạng QG đưa tin, viết bài họ cũng đã đăng kí hiến tặng mô, tạng. Nhiều người lựa chọn ngày Nhà báo Việt Nam 21/6 để sở hữu cho mình tấm thẻ đăng kí hiến tặng mô, tạng "quyền năng đặc biệt"- họ vẫn thường nói là tấm thẻ yêu thương mà họ có cơ hội có được trong đời.
Điều đó cho thấy không phải người bệnh sẽ được nhận mô tạng trong tương lai là người hạnh phúc nhất mà chính người đăng kí hiến tặng mô, tạng hôm nay mới là người may mắn và hạnh phúc nhất. Bởi niềm hạnh phúc đã hiện hữu ngay từ chính giây phút này làm cho họ luôn được sống trong sự bình yên, hạnh phúc, thấm đẫm giá trị nhân văn ấy. Và sự cho đi là còn mãi.