Giao lưu trực tuyến: Cán đích tiêm vắc xin phòng COVID-19, Việt Nam đạt bao phủ miễn dịch

0:00 / 0:00
0:00
Giao lưu trực tuyến: Cán đích tiêm vắc xin phòng COVID-19, Việt Nam đạt bao phủ miễn dịch
TPO - Để người dân hiểu rõ hơn về vắc xin phòng COVID-19 cũng như những thành quả trong việc tiêm chủng phòng chống đại dịch, ngày 28/12, Báo Tiền Phong phối hợp với Bộ Y tế tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Cán đích tiêm vắc xin phòng COVID-19, Việt Nam đạt bao phủ miễn dịch”.
TỌA ĐÀM VẮC XIN COVID-19

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

28/12/2021 12:12

Giao lưu trực tuyến: Cán đích tiêm vắc xin phòng COVID-19, Việt Nam đạt bao phủ miễn dịch ảnh 1
TS.BS Lê Kiến Ngãi – Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Nhi Trung ương).

28/12/2021 12:14

Giao lưu trực tuyến: Cán đích tiêm vắc xin phòng COVID-19, Việt Nam đạt bao phủ miễn dịch ảnh 2
TS Đặng Thị Thanh Huyền - Phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương).

28/12/2021 15:07

Nhiều người lo ngại là có khi phải đến nhiều năm sau khi tiêm vắc xin thì các tác dụng phụ mới xuất hiện. Vì thế đã không đăng kí tiêm cho con, nhất là đối với vắc xin theo công nghệ mNRA hoàn toàn mới mà chúng ta chưa có đủ thời gian để đánh giá hết hệ quả. Nỗi lo này có cơ sở hay không thưa bác sĩ?

TS Đặng Thị Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia (Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư) trả lời:

Chào bạn, vắc xin COVID-19 được nghiên cứu, phát triển và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2020. Đến nay vắc xin được coi là biện pháp quan trọng trong phòng chống dịch COVID-19. Mặc dù mới đưa vào sử dụng nhưng đây là một trong những vắc xin được sử dụng rộng rãi nhất với số lượng lớn hàng tỷ liều trên toàn cầu. Hiệu quả và tính an toàn của vắc xin đã được các quốc gia và Tổ chức Y tế thế giới khẳng định.

Một số công nghệ mới đã được đưa vào giúp sớm đưa vắc xin vào sử dụng. Vắc xin chứa bản sao mô hình đoạn mã hóa thông tin mNRA của virus SARS-COV2. Như vậy, vắc xin không chứa vật liệu di truyền, không chứa virus sống nên không có khả năng gây bệnh cho người tiêm và không tương tác với gen của người. Vắc xin không ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.

Vậy bằng cách nào nào vắc xin giúp cơ thể tự bảo vệ trước nguy cơ lây nhiễm? Khi nhận được “tín hiệu” của đoạn mã hóa, cơ thể chúng ta sẽ bắt đầu sản xuất kháng thể đặc hiệu chống lại virus. Khi virus thực sự tấn công thì kháng thể có sẵn sẽ trung hòa hoặc tiêu diệt virus và bảo vệ cơ thể không mắc bệnh hoặc không để bệnh tiến triển. Công nghệ sản xuất vắc xin này đã được nghiên cứu trước đó nhiều năm. Hiện nay có hàng trăm triệu trẻ em 12-17 tuổi trên thế giới được tiêm chủng an toàn vắc xin phòng COVID-19. Tại Việt Nam đã có 11,5 triệu mũi tiêm được thực hiện cho trẻ em 12-17 tuổi từ tháng 11/2021 đến nay.

28/12/2021 15:08

Tại sao trẻ em từ 5 tuổi trở lên cũng phải tiêm vắc xin phòng COVID-19?

TS.BS Lê Kiến Ngãi - Trưởng Khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương:

Bất cứ ai, nhóm tuổi nào có phơi nhiễm với nguồn nhiễm SARS-CoV-2 đều có thể mắc COVID-19. Càng phơi nhiễm nhiều càng có nguy cơ mắc cao. Nhóm tuổi nào cũng phải được bảo vệ phòng tránh COVID-19 bằng các phương pháp phòng hộ không đặc hiệu (nguyên tắc 5K) cùng với vắc xin chính là phương pháp phòng hộ đặc hiệu.

Đối với vắc xin phòng COVID-19 quá trình sử dụng được ban hành dựa trên các kết quả thử nghiệm với các bằng cớ về an toàn và hiệu quả. Hiệu quả, an toàn đến đâu thì sử dụng đến đó. Hiện nay trẻ em từ 5 tuổi trở lên đã được công bố kết quả thử nghiệm về an toàn, hiệu quả đôí với vắc xin phòng COVID-19 và được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Mỗi quốc gia căn cứ vào các bằng cớ khoa học để đưa ra chính sách sử dụng vắc xin phù hợp với bối cảnh diễn biến dịch và chính sách riêng của quốc gia.

28/12/2021 15:15

Hiệu quả giảm diễn biến nặng của vắc xin đối với bệnh nhân COVID-19 vẫn duy trì ở mức trên 80% đến 95%

Xin cho biết, nếu tiêm đủ 2 mũi vắc xin COVID-19, người đó có thể phòng bệnh trong bao lâu? Việt Nam có đánh giá về hiệu quả với những người sau tiêm vắc xin COVID-19 không?

TS Đặng Thị Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia (Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư) trả lời:

Hiện tại có 6 loại vắc xin đã được đưa vào sử dụng tại Việt Nam. Liều cơ bản của từng loại vắc xin phòng COVID-19 do nhà sản xuất hướng dẫn. Cụ thể với vắc xin do Astra Zeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm sản xuất và vắc xin Sputnik V cần tiêm 2 liều. Riêng với vắc xin Abdala lịch tiêm chủng các mũi cơ bản cần thực hiện 3 liều.

Sự xuất hiện của các biến thể mới với tỷ lệ lây nhiễm gia tăng đáng kể tạo nên làn sóng dịch mới tại một số quốc gia và ảnh hưởng đến hiệu quả của vắc xin trong phòng ngừa lây nhiễm virus, nhưng vẫn còn 70-90% số tiêm chủng được phòng bệnh. Mặc dù vậy, điều quan trọng nhất là hiệu quả giảm diễn biến nặng của bệnh của vắc xin vẫn duy trì ở mức trên 80% đến 95%.

Một số dữ liệu gần đây cho thấy với các biến chủng mới tỷ lệ bảo vệ này duy trì ít nhất trong vòng 3-6 tháng sau tiêm. Cần lưu ý vắc xin vào sử dụng từ cuối năm 2020 cho đến nay nên kết quả đánh giá hiệu quả phòng bệnh liên tục được cập nhật. Biến chủng Omicron với khả năng lây nhiễm tăng cao và cơ thể cần có nồng độ kháng thể cao hơn để tiêu diệt virus. Vì vậy, để đạt tỷ lệ phòng bệnh cao hơn nữa với chủng virus hiện lưu hành cũng như nguy cơ chủng virus mới xuất hiện, việc tiêm mũi nhắc lại sẽ giúp những trường hợp chưa có miễn dịch có thêm cơ hội được phòng bệnh và tăng cường miễn dịch ở những người đã sinh kháng thể.

Hiện nay một số nghiên cứu về hiệu quả miễn dịch và phòng bệnh của vắc xin tại Việt Nam đang được thực hiện và kết quả sẽ được công bố trong thời gian tới đây.

28/12/2021 15:16

Giao lưu trực tuyến: Cán đích tiêm vắc xin phòng COVID-19, Việt Nam đạt bao phủ miễn dịch ảnh 3

Vắc xin COVID-19 được nghiên cứu, phát triển và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2020. Đến nay vắc xin được coi là biện pháp quan trọng trong phòng chống dịch COVID-19.

28/12/2021 15:18

Tỷ lệ trẻ em mắc COVID-19 trong thời gian qua đang tăng lên

Trẻ em có nguy cơ bị COVID-19 không?

TS.BS Lê Kiến Ngãi – Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Nhi Trung ương) trả lời:

Ở giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19 (làn sóng thứ nhất) hầu hết các quốc gia trên thế giới đều thông báo tỷ lệ trẻ em mắc COVID-19 ở mức thấp. Tại Mỹ, ngày 6 tháng 4, CDC Mỹ báo cáo có 2.572 (chiếm 1,7%) trẻ em dưới 18 tuổi mắc COVID-19 trong số 149.082 ca nhiễm từ ngày 12 tháng 2 đến ngày 2 tháng 4 năm 2020. Tại Hàn Quốc, tháng 3 năm 2020 Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hàn Quốc cho biết có 6,3% trong số các trường hợp mắc COVID-19 là trẻ em dưới 19 tuổi. Dữ liệu của Ý được công bố vào ngày 18 tháng 3 cho thấy chỉ có 1,2% là trẻ em trong tổng số 22.512 trường hợp mắc COVID-19; không có trường hợp tử vong nào. Hệ thống giám sát Châu Âu thu thập dữ liệu từ các quốc gia Châu Âu và Vương quốc Anh về các ca nhiễm COVID-19 được xác nhận bởi phòng thí nghiệm. Trong số 576.024 ca nhiễm COVID-19 được xác nhận bởi phòng thí nghiệm, 0.7% ca nhiễm từ 0-4 tuổi, 0,6% từ 5-9 tuổi, 0,9% từ 10-14 tuổi.

Tuy nhiên cho đến nay, ở giai đoạn làn sóng thứ tư của đại dịch COVID-19, câu chuyện đã khác. Cũng tại Mỹ, từ tháng 7 năm 2021, số bệnh nhi mắc COVID-19 ở Mỹ đã tăng khoảng 240%, trong đó gần 30% ca nhiễm mới ghi nhận trong tuần đầu tháng 9/2021 ở nước này là trẻ em. Ở Indonesia, theo thống kê tới ngày 28/7/2021 nước này có hơn 3,2 triệu người mắc COVID-19, trong đó tỷ lệ mắc ở trẻ từ 0-5 tuổi là 2,9%; 6-18 tuổi là 9.9%. Tính từ đầu dịch đến nay, tổng số ca tử vong tại Indonesia là hơn 86000 ca, trong đó trẻ em dưới 18 tuổi là hơn 800 ca, chiếm tỷ lệ khoảng 1%. Ở Việt Nam, thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết trong tháng 7/2021 đã ghi nhận có khoảng 5% số ca mắc COVID-19 tại thành phố là trẻ từ 0-5 tuổi.

Việc xuất hiện các biến chủng virus SARS-CoV-2 mới, như biến chủng Delta, biến chủng Omicron đã được chứng minh là có hệ số lây nhiễm cao. Cùng với số ca mắc COVID-19 xuất hiện nhiều ở cộng đồng thời gian qua, đồng nghĩa với việc nguồn nhiễm gia tăng thì việc trẻ em có nguy cơ cao mắc COVID-19 và thực tế tỷ lệ trẻ em mắc COVID-19 trong thời gian qua đang tăng lên là điều có thể lý giải được.

28/12/2021 15:25

Nguyên nhân một số trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn mắc COVID-19

Một số trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin nhưng vẫn mắc COVID-19. Xin bác sĩ giải thích thêm về điều này?

TS Đặng Thị Thanh Huyền - Phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) trả lời:

Chào bạn, chưa có vắc xin nào có thể đạt hiệu quả phòng bệnh 100%, như vậy còn một tỷ lệ nhất định các trường hợp mặc dù đã tiêm chủng nhưng không được phòng bệnh. Tình trạng này phụ thuộc vào đặc điểm hệ miễn dịch của người tiêm, vào loại vắc xin, chất lượng bảo quản… Vì vậy, những người đã tiêm chủng vẫn cần thực hiện quy định “5K” để bảo vệ mình và những người xung quanh.

28/12/2021 15:26

Một tỷ lệ nhất định trẻ có thể bị biến chứng khi mắc COVID-19

Sau khi tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho người dân từ 12 tuổi, Bộ Y tế có kế hoạch tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ nhỏ dưới 12 tuổi không? Năm 2022, chúng ta có đủ nguồn vắc xin không, khi mà dịch bệnh có biến chủng mới, lây lan mạnh, nguy cơ khan hiếm vắc xin.

TS Đặng Thị Thanh Huyền - Phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) trả lời:

Trong thời gian qua, Chính phủ và Bộ Y tế đã nỗ lực huy động nguồn lực và cung ứng vắc xin COVID-19 để tiêm chủng miễn phí, bảo vệ sức khỏe người dân. Đến nay đã có gần 150 triệu mũi tiêm được thực hiện, hơn 95% số đối tượng từ 18 tuổi trở lên và hơn 80% trẻ em từ 12-17 tuổi được tiếp cận vắc xin. Từ tháng 12/2021 các địa phương bắt đầu triển khai liều tiêm bổ sung và nhắc lại cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên. Số vắc xin đã và sẽ tiếp nhận từ nguồn viện trợ, mua từ ngân sách nhà nước đủ đáp ứng cho nhu cầu này.

Bất kỳ đối tượng nào chưa có miễn dịch (chưa tiêm vắc xin và chưa từng mắc bệnh) đều có nguy cơ mắc bệnh nếu phơi nhiễm với virus SARS-COV2. Mặc dù nguy cơ mắc bệnh nặng ở trẻ em thấp hơn nhóm người lớn nhưng cũng có một tỷ lệ nhất định trẻ có thể bị biến chứng của bệnh như hội chứng viêm đa hệ thống kéo dài… ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Hiện nay trên thế giới đã có một số quốc gia triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Căn cứ tình hình mắc COVID-19 tại Việt Nam, Bộ Y tế đang xem xét về việc tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho lứa tuổi dưới 12. Thời gian gần đây khả năng cung ứng vắc xin trên toàn cầu được cải thiện, ngoài các nhà sản xuất hiện có một số vắc xin mới cũng được đưa vào giúp các quốc gia có cơ hội tiếp cận với vắc xin thuận lợi hơn. Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong khu vực Tây Thái Bình Dương về nghiên cứu phát triển vắc xin COVID-19. Việc các vắc xin sản xuất trong nước có khả năng được cấp phép sử dụng trong thời gian tới đây góp phần quan trọng trong đảm bảo nguồn cung cho nước ta.

28/12/2021 15:29

Giao lưu trực tuyến: Cán đích tiêm vắc xin phòng COVID-19, Việt Nam đạt bao phủ miễn dịch ảnh 4
TS Đặng Thị Thanh Huyền - Phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương)

28/12/2021 15:30

Con trai tôi học lớp 8 nhưng rất nhỏ, chiều cao và cân nặng chỉ bằng trẻ lớp 5, vậy thì tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho cháu thì có an toàn không?

TS.BS Lê Kiến Ngãi – Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Nhi Trung ương) trả lời:

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến việc tiêm chủng vắc xin COVID-19. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, chỉ các trường hợp có tiền sử rõ ràng phản vệ với vắc xin phòng COVID-19 cùng loại (lần trước), dị ứng với các thành phần của vắc xin thuộc diện chống chỉ định. Trường hợp đang mắc bệnh cấp tính cần tạm hoãn tiêm chủng.

Trường hợp của con bạn nếu không thuộc diện chống chỉ định, tạm hoãn nêu trên thì có thể xem xét tiêm chủng vắc xin COVID-19. Tuy nhiên, trước khi chỉ định tiêm chủng vắc xin nhân viên y tế sẽ khám sàng lọc và nếu con bạn đủ sức khỏe, nhân viên y tế sẽ chỉ định tiêm vắc xin cho cháu. Trường hợp mắc bệnh nền trẻ sẽ được chuyển đến khám sàng lọc và tiêm chủng tại bệnh viện.

28/12/2021 15:34

Những đối tượng sẽ được tiêm 4 mũi vắc xin phòng COVID-19

Bộ Y tế có chủ trương tiêm mũi 4 vắc xin COVID-19 cho đối tượng nào? Khi nào chúng ta tiêm mũi 3 rộng rãi, thay vì chỉ cho nhóm ưu tiên?

TS Đặng Thị Thanh Huyền - Phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) trả lời:

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại công văn 10722/BYT-DP ngày 17/12/2021, các đối tượng từ 18 tuổi trở lên và có tình trạng suy giảm miễn dịch mức độ vừa và nặng, những người tiêm 2 liều vắc xin Sinopharm, Spunik V trong vòng 3 tháng thì cần tiêm mũi bổ sung.

Việc tiêm nhắc lại áp dụng đối với tất cả mọi người từ 18 tuổi trở lên. Như vậy, những người thuộc diện tiêm bổ sung sẽ tiếp tục cần tiêm mũi nhắc với khoảng cách giữa hai mũi này là từ 3 tháng.

Từ tháng 12/2021 các địa phương đang triển khai tiêm mũi bổ sung và tiêm nhắc. Đến nay đã có 37 tỉnh thực hiện hoạt động này. Các địa phương khác đang trong thời gian chuẩn bị cho triển khai. Theo chỉ đạo của Bộ Y tế các đia phương sẽ cơ bản hoàn thành triển khai hoạt động này trong quý I năm 2022.

28/12/2021 15:36

Giao lưu trực tuyến: Cán đích tiêm vắc xin phòng COVID-19, Việt Nam đạt bao phủ miễn dịch ảnh 5

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại công văn 10722/BYT-DP ngày 17/12/2021, các đối tượng từ 18 tuổi trở lên và có tình trạng suy giảm miễn dịch mức độ vừa và nặng, những người tiêm 2 liều vắc xin Sinopharm, Spunik V trong vòng 3 tháng thì cần tiêm mũi bổ sung.

28/12/2021 15:40

Trẻ em mắc bệnh nền có nên tiêm vắc xin phòng COVID-19?

Nhiều người băn khoăn, trẻ em mắc bệnh nền như tim mạch có nên tiêm vắc xin COVID-19 không? Nếu tiêm thì những ảnh hưởng của vắc xin là gì?

TS Đặng Thị Thanh Huyền - Phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) trả lời:

Ngày 29/10/2021, Bộ Y tế đã ban hành quyết định số 5002/QĐ- BYT về việc "Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em". Theo đó, trường hợp trẻ mắc bệnh tim mạch cần được chuyển khám sàng lọc, tiêm chủng tại bệnh viện.

Trẻ em mắc bệnh nền trong đó có bệnh tim mạch có nguy cơ diễn biến nặng nếu mắc bệnh COVID-19. Vì vậy, những trường hợp này cần sớm tiêm chủng vắc xin COVID-19 để phòng bệnh và biến chứng của bệnh.

Sau khi tiêm, đa số trẻ có các phản ứng thông thường như sốt, đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi…các dấu hiệu này thường tự khỏi và hết trong vòng 1-2 ngày. Có một tỷ lệ nhỏ gặp các tai biến nghiêm trọng hiếm gặp như sốc phản vệ, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim… Tuy nhiên, hiệu quả phòng bệnh của vắc xin nói chung, phòng biến chứng tim mạch nếu mắc bệnh COVID-19 là vượt trội so với nguy cơ hiếm gặp này sau tiêm.

Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, sau khi tiêm vắc xin tất cả trẻ em cần được theo dõi sức khỏe và tránh vận động mạnh. Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu nghiêm trọng nào như đau ngực, khó thở, tím tái… thì cần đến ngay bệnh viện để được khám, chẩn đoán và xử trí kịp thời.

28/12/2021 15:41

Những phản ứng thường xảy ra đối với trẻ em sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19

Xin Tiến sĩ cho biết có những phản ứng nào thường xảy ra sau khi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em?

TS.BS Lê Kiến Ngãi – Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Nhi Trung ương) trả lời:

Với các số liệu đã công bố, hiện chưa thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về phản ứng sau tiêm giữa các loại vắc xin phòng COVID-19 đang sử dụng hiện nay. Nhìn chung, các phản ứng sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 không phổ biến và ngay cả các biểu hiện gọi là phản ứng rất thường gặp nhưng tỷ lệ gặp cũng chỉ dưới 10%.

Hiện nay Việt Nam đang sửa dụng vắc xin Comirnaty của Pfizer – BioNTech để tiêm chủng phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 – 17 tuổi. Các phản ứng sau tiêm chủng của loại vắc xin này đã được ghi nhận gồm:

- Rất thường gặp (gặp trong khoảng 1/10): sưng, đau tại chỗ tiêm, vùng tiêm rắn hơn một chút so với xung quanh; đau mỏi cơ, đau đầu, ớn lạnh, mệt mỏi và sốt ( có thể sau mũi 2 thì sốt gặp nhiều hơn 1 chút)

- Thường gặp (gặp trong khoảng 1/100): mẩn đỏ chỗ tiêm, buồn nôn, nôn

- Hiếm gặp (gặp trong khoảng 1/1000): nổi hạch, đau cánh tay, ngứa, hay nổi ban

- Cực kỳ hiếm gặp ( gặp trong khoảng <1/10.000): liệt mặt 1 bên thoáng qua; hay một số biểu hiện của dị ứng như sưng nề mặt…

Và điều đặc biệt là, dữ liệu thử nghiệm của Pfizer không ghi nhận trường hợp phản vệ nào sau tiêm vắc xin Comirnaty. Còn viêm cơ tiêm hay huyết khối giảm tiểu cầu chỉ ghi nhận khi đưa vắc xin ra sử dụng ở một số quốc gia với số trường hợp gặp rất ít.

28/12/2021 15:43

Giao lưu trực tuyến: Cán đích tiêm vắc xin phòng COVID-19, Việt Nam đạt bao phủ miễn dịch ảnh 6

Với các số liệu đã công bố, hiện chưa thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về phản ứng sau tiêm giữa các loại vắc xin phòng COVID-19 đang sử dụng hiện nay. Nhìn chung, các phản ứng sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 không phổ biến và ngay cả các biểu hiện gọi là phản ứng rất thường gặp nhưng tỷ lệ gặp cũng chỉ dưới 10%.

28/12/2021 15:45

Làm thế nào để giám sát an toàn tiêm chủng ở lứa tuổi 12-17?

TS.BS Lê Kiến Ngãi – Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Nhi Trung ương) trả lời:

Quy trình và nội dung cần thiết về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em đã được Bộ Y tế xây dựng khoa học, công phu. Việc phổ biến quy trình đã được triển khai bài bản đến tận từng cán bộ y tế làm nhiệm vụ tiêm chủng.

Để việc tiêm chủng cho trẻ an toàn cần có sự chuẩn bị tốt về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và đặc biệt là sự tuân thủ nghiêm quy trình của người được làm nhiệm vụ tiêm chủng ở từng trường hợp, từng công đoạn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 phải được bố trí và trang bị đầy đủ. Bên cạnh các quy trình chuyên môn, công tác tổ chức tiêm chủng, sự phối hợp giữa các bộ phận phải được triển khai đồng bộ. Sự phối hợp và hỗ trợ của tuyến trên với tuyến dưới, của hệ thống dự phòng và hệ thống bệnh viện là yếu tố quan trọng đối với an toàn tiêm chủng. Và cuối cùng là trách nhiệm, là sự tuân thủ, là sự phối hợp của cộng đồng. Có được như vậy công tác tiêm chủng phòng COVID-19 cho trẻ em sẽ được đảm bảo an toàn

28/12/2021 15:46

Giao lưu trực tuyến: Cán đích tiêm vắc xin phòng COVID-19, Việt Nam đạt bao phủ miễn dịch ảnh 7

TS - BS Lê Kiến Ngãi

28/12/2021 15:47

Nhiều gia đình băn khoăn về việc cho trẻ đi tiêm vắc xin phòng COVID-19. Tiến sĩ có lời khuyên nào cho các bậc phụ huynh?

TS.BS Lê Kiến Ngãi – Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Nhi Trung ương) trả lời:

Bằng những nỗ lực không mệt mỏi của toàn xã hội, dịch bệnh COVID-19 đang từng bước được kiểm soát. Mặc dù vậy các thành quả đạt được vẫn rất mong manh. Các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 tiếp tục xuất hiện. Ca bệnh COVID-19 vẫn đang tăng lên, đồng nghĩa với nguồn nhiễm nhiều hơn, cơ hội trẻ em bị mắc COVID-19 vì thế cũng tăng lên.

Khi đã mắc bệnh COVID-19 các trẻ bệnh mạn tính, bệnh bẩm sinh … cũng rất dễ trở nặng. Vắc xin phòng COVID-19 được lựa chọn để tiêm cho trẻ em là kết quả của quá trình nghiên cứu bài bản, nghiêm túc, với nhiều giai đoạn để đảm bảo có tính hiệu quả và tính an toàn. Hệ thống tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 được tổ chức tốt, có sự phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống tiêm chủng và hệ thống bệnh viện. Thêm vào đó, thêm một người được bảo vệ bằng vắc xin là tăng một mức độ miễn dịch cộng đồng. Vì vậy vắc xin tốt nhất, là vắc xin sớm nhất.

28/12/2021 15:49

Đảm bảo an toàn tiêm chủng luôn là ưu tiên hàng đầu của ngành y tế trong quá trình triển khai vắc xin COVID-19

Các tai biến nặng sau tiêm vắc xin COVID-19 đều được giải thích là phản ứng dị ứng, sốc phản vệ. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn lo ngại về chất lượng do sản xuất hoặc bảo quản hoặc an toàn vệ sinh khi tiêm chủng. Bà có thể cho biết, các vấn đề này được ngành y tế các địa phương đã thực hiện thực sự tốt chưa? Bộ Y tế có giám sát, hỗ trợ không?

TS Đặng Thị Thanh Huyền - Phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) trả lời:

Đảm bảo an toàn tiêm chủng luôn là ưu tiên hàng đầu của ngành y tế trong quá trình triển khai vắc xin COVID-19. “Tiêm đến đâu an toàn đến đó” được thực hiện nghiêm túc tại các tuyến. Trước khi triển khai tiêm chủng vắc xin mới, cho đối tượng mới cán bộ y tế các tuyến được tập huấn và hướng dẫn triển khai, sử dụng. Các tài liệu hướng dẫn chuyên môn về triển khi vắc xin, khám sàng lọc tiêm chủng được Bộ Y tế, Chương trình TCMR thường xuyên cập nhật đến các địa phương.

Vắc xin được bảo quản trong hệ thống dây chuyền lạnh đủ tiêu chuẩn và điều kiện bảo quản vắc xin được theo dõi chặt chẽ từ khâu tiếp nhận, vận chuyển đến khi sử dụng. Nếu vắc xin bảo quản không đúng điều kiện nhiệt độ sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả phòng bệnh của vắc xin nhưng không làm tăng nguy cơ tai biến nặng.

Các địa phương đã tổ chức kiểm tra, giám sát các khâu thực hiện. Bộ Y tế, Chương trình TCMR đã tổ chức các đoàn công tác giám sát và hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương. Hầu hết các địa phương đã thực hiện tốt công tác an toàn tiêm chủng và đảm bảo phòng chống lây nhiễm SARS-COV 2 tại các điểm tiêm chủng. Tuy nhiên, còn một vài cơ sở chưa thực hiện đầy đủ quy định như điểm tiêm chủng chưa đảm bảo giãn cách, chưa thực hiện đúng quy trình 5 bước kiểm tra… Các địa phương này đã nghiêm túc rút kinh nghiệm và điều chỉnh quy trình thực hiện. Chương trình TCMR đã cập nhật và chia sẻ kinh nghiệm với các tỉnh/TP trên cả nước để thực hiện tốt hơn nữa công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng.

28/12/2021 15:53

Cha mẹ hãy theo dõi sức khỏe của con ít nhất 3 ngày đầu sau tiêm

Ngoài tiêm vắc xin COVID-19, chuyên gia có khuyến cáo thêm các gia đình lưu ý khi tiêm chủng phòng các bệnh khác cho trẻ nhỏ?

TS Đặng Thị Thanh Huyền - Phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) trả lời:

Trẻ em trong lứa tuổi này thường có phản ứng dây chuyền, khi một trẻ có biểu hiện lo sợ hay e ngại tiêm thì sẽ dễ gây ra phản ứng lan chuyền cho nhiều trẻ khác do ảnh hưởng tâm lý.

Những trường hợp này có thể phòng tránh được nếu trẻ được chuẩn bị tốt tâm lý trước khi đi tiêm chủng. Cha mẹ hãy cùng con tìm hiểu về bệnh và vắc xin COVID-19, các phản ứng có thể gặp phải, đặc biệt ở lứa tuổi này. Hãy chia sẻ và hỏi con về tình hình sức khỏe, hướng dẫn con cách trao đổi với nhân viên y tế để trẻ tự tin và khai báo đầy đủ thông tin cần thiết.

Lưu ý trẻ em độ tuổi này, nhất là trẻ trai có nguy cơ mắc viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim cao hơn nhóm trẻ gái và người trên 30 tuổi. Vì vậy, cha mẹ hãy theo dõi sức khỏe của con ít nhất 3 ngày đầu sau tiêm. Cũng xin lưu ý, đây là những phản ứng rất hiếm gặp, hiệu quả của vắc xin là vượt trội so với rủi ro. Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn nhận biết triệu chứng ban đầu, phác đồ điều trị viêm cơ tim. Đến nay, hầu hết các trường hợp này được phát hiện và điều trị kịp thời đã hồi phục hoàn toàn.

28/12/2021 15:57

Dấu hiệu nhận biết trẻ cần phải tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong bệnh viện

Xin Tiến sĩ cho biết việc khám sàng lọc tại các điểm tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em được thực hiện ra sao và làm thế nào để nhận ra trẻ đi tiêm có các vấn đề cần phải tiêm chủng trong bệnh viện?

TS.BS Lê Kiến Ngãi – Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Nhi Trung ương) trả lời:

Quy trình khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em được quy định chi tiết tại Quyết định 5002/QĐ-BYT ngày 29/10/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng sửa đổi bổ sung Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đối với trẻ em.

Theo đó, khi đến điểm tiêm chủng để tiêm vắc xin phòng COVID -19 trước tiên trẻ được đo hai chỉ số là nhiệt độ cơ thể và mạch. Hai chỉ số này giúp cho cả quá trình khám sàng lọc cho trẻ cũng như theo dõi trẻ sau tiêm. Sau đó trẻ được cán bộ y tế khám toàn diện thông qua khai thác về tiền sử, bao gồm tiền sử dị ứng (dị ứng với vắc xin COVID trước đó cũng như dự ứng với bất kỳ dị nguyên nào); tiền sử bệnh tật khác. Tiếp theo, trẻ được đánh giá tình trạng sức khoẻ hiện tại để xác định trẻ đang có bệnh cấp tính không, hay bệnh mạn tính tiến triển hoặc có bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính đã phát hiện từ trước, đồng thời phát hiện các vấn đề sức khỏe khác nếu có. Để việc khám sàng lọc cho trẻ được chính xác cần có sự phối hợp cung cấp thông tin đầy đủ và trung thực của bản thân trẻ cũng như gia đình.

Kết thúc quá trình khám sàng lọc, trẻ được kết luận: có thể tiêm chủng bình thường; có thể tiêm được ngay nhưng phải thận trọng; trẻ cần được tiêm chủng tại bệnh viện nếu có các vấn đề sức khỏe như đã nêu ở trên hoặc trẻ có chống chỉ định không thể tiêm được vắc xin COVID-19. Những trẻ được chỉ định tiêm tại bệnh viện sẽ tiếp tục được đánh giá toàn diện, bao gồm cả các xét nghiệm hoặc thăm dò nếu cần và thực hiện tiêm chủng dưới sự hỗ trợ, theo dõi của hệ thống cấp cứu… sao cho dù trẻ có các vấn đề về sức khỏe vẫn được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 an toàn và hiệu quả.

28/12/2021 15:58

Giao lưu trực tuyến: Cán đích tiêm vắc xin phòng COVID-19, Việt Nam đạt bao phủ miễn dịch ảnh 8

Để việc tiêm chủng cho trẻ an toàn cần có sự chuẩn bị tốt về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và đặc biệt là sự tuân thủ nghiêm quy trình của người được làm nhiệm vụ tiêm chủng ở từng trường hợp, từng công đoạn.

28/12/2021 15:59

80% dân số được bao phủ vắc xin, bao gồm trẻ em từ 12-17 tuổi và người lớn

Bà có thể thông tin về tình hình tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam đến thời điểm này không?

TS Đặng Thị Thanh Huyền - Phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) trả lời:

Đến nay đã có 80% dân số được bao phủ vắc xin, bao gồm trẻ em từ 12-17 tuổi và người lớn, Việt Nam đã đạt mục tiêu 70% dân số được tiếp cận vắc xin do Tổ chức Y tế thế giới đề ra. Nước ta là một trong số không nhiều các quốc gia cán đích ở thời điểm nay. Nỗ lực này của Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao và được coi là điểm sáng về công tác tiêm chủng vắc xin COVID-19.

Tới đây cùng với việc triển khai tiêm bổ sung, tiêm nhắc vắc xin COVID-19, tỷ lệ miễn dịch cộng đồng sẽ được tăng lên đáng kể là yếu tố quan trọng giúp chúng ta chủ động hơn trong đối phó với tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trên thế giới.

Đến nay, Việt Nam đã tiêm trên 146 triệu liều vắc xin phòng COVID-19. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin là 98,8% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều vắc xin là 87,9% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Với tiến độ tiêm chủng hiện nay, đến hết tháng 12/2021, toàn quốc sẽ đảm bảo bao phủ mũi 1 cho dân số từ 18 tuổi trở lên và cơ bản bao phủ mũi 2 (khoảng 90%), đồng thời cũng sẽ bao phủ đủ liều cơ bản cho trẻ em từ 12 tuổi. Bộ Y tế đặt mục tiêu phải hoàn thành việc tiêm mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I năm 2022. "Toàn bộ người dân đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam hãy đi tiêm vắc xin phòng COVID-19. Tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kêu gọi tại Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh 27/12.

Để người dân hiểu rõ hơn về vắc xin phòng COVID-19 cũng như những thành quả trong việc tiêm chủng phòng chống đại dịch, Báo Tiền Phong phối hợp với Bộ Y tế tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Cán đích tiêm vắc xin phòng COVID-19, Việt Nam đạt bao phủ miễn dịch”.

Thời gian: 15 giờ ngày 28/12/2021.

Khách mời:

- TS Đặng Thị Thanh Huyền - Phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương).

- TS.BS Lê Kiến Ngãi – Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Nhi Trung ương).

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.