Sai phạm của giáo viên có nguyên nhân từ áp lực thành tích

PGS.TS Vũ Trọng Rỹ.
PGS.TS Vũ Trọng Rỹ.
Liên tiếp xảy ra nhiều vụ giáo viên bạo lực với học sinh, gây bức xúc trong dư luận, dẫn đến những đánh giá tiêu cực với nghề giáo. PGS. TS Vũ Trọng Rỹ- Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, không thể chấp nhận cách hành xử dã man với trẻ em.

- PHÓNG VIÊN: Gần đây, có một số vụ việc liên quan đến hành xử của giáo viên với học sinh, như vụ 231 cái tát ở Quảng Bình, vụ 50 cái tát ở Hà Nội, vụ học sinh bị đánh bầm người ở Long An. Ông đánh giá thế nào về những cách xử phạt học sinh đó?

PGS-TS VŨ TRỌNG RỸ - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam: Không thể chấp nhận cách hành xử như vậy, rất dã man với trẻ em. Tôi không thể hiểu nổi tại sao giáo viên lại có thể hành xử như vậy. Những hành vi đó không chỉ mang tính bạo lực mà còn mang tính nhục mạ trẻ.

- Ông có cho rằng những trường hợp này là do giáo viên thiếu kỹ năng, kiến thức sư phạm?

Tôi không cho là vậy. Ở trong trường sư phạm họ được học hết chứ. Tôi cho là do con tim, do tấm lòng của họ, chứ không phải do kiến thức, kỹ năng. Họ không có lòng nhân ái, yêu thương học trò. Ở đây là vấn đề đạo đức, nhân cách của giáo viên. Việc cô giáo cho cả lớp tát bạn hơn 200 cái không phải do kỹ năng. Xưa nay chưa có hình phạt nào như vậy cả. Ngày xưa chúng tôi đi học vỡ lòng, không có bàn ghế, trò viết sai thì bị phạt nằm xuống chiếu và thầy vụt cho một cái, chỉ vậy thôi, đơn thuần là phạt học trò, không có sự nhục mạ. 

- Qua những vụ việc như vậy, ông có suy nghĩ gì về chất lượng nhà giáo hiện nay?

Trước năm 2010 và 2013, tôi có tham gia đề tài nghiên cứu khoa học do bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước chủ trì, tập hợp các chuyên gia giáo dục, các nhà quản lý. Đề tài lúc ấy là “Nghiên cứu các biện pháp cải cách công tác đào tạo giáo viên phổ thông”. Tôi chịu trách nhiệm đi khảo sát thực trạng lao động của giáo viên. Trong quá trình làm việc tôi thấy giáo viên lao động rất cực nhọc. Khi tôi đặt câu hỏi: Nếu như được chuyển sang nghề khác thì thầy cô thấy thế nào? Kết quả, đến 50% số giáo viên được hỏi trả lời rằng họ không làm nghề giáo nữa với lý do: nghề giáo rất vất vả và chịu áp lực lớn từ học sinh, phụ huynh, từ cán bộ quản lý nhà trường và quản lý cấp trên, đến xã hội...

Giáo viên hiện nay đang phải chịu nhiều áp lực hơn thế, khi còn có thêm áp lực từ các phương tiện thông tin đại chúng, từ mạng xã hội. Đội ngũ nhà giáo hiện nay trên 1 triệu thầy cô. Giả sử có khoảng 1.000 nhà giáo không đủ tư cách thôi và báo chí khai thác vào số đó cũng đã rất kinh khủng. Trong khi hàng vạn tấm gương nhà giáo tận tâm với nghề, tận lực với học sinh, báo chí có nêu thì xã hội cũng thấy bình thường, nhưng chỉ cần vài vụ giáo viên tát học sinh như vừa qua, cả xã hội quan tâm, bức xúc. Nếu chỉ khai thác vào những mặt yếu, những “hạt sạn” như 2 trường hợp giáo viên nêu trên thì sẽ không công bằng cho đội ngũ nhà giáo nói riêng và ngành giáo dục nói chung. Cho nên tôi rất chia sẻ với các thầy cô, với ngành giáo dục vì phải chịu quá nhiều áp lực từ dư luận xã hội.

nghề giáo ở Việt Nam có nhiều áp lực như vậy nên phải tăng đồng lương cho thỏa đáng. Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII của Đảng đã nêu, giáo dục là quốc sách hàng đầu và lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp chưa kể có thêm chế độ phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng do Chính phủ quy định. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn chưa thực hiện được điều này.

- Có một vấn đề nhiều người thắc mắc: Trong khi câu chuyện 231 cái tát ở Quảng Bình chưa lắng xuống thì phát sinh câu chuyện 50 cái tát ở Hà Nội, rồi vụ giáo viên đánh học sinh ở Long An. Phải chăng những giáo viên này đang có vấn đề về tiếp nhận thông tin, nhận thức xã hội?

Tôi cho rằng không phải họ không nhận thức được, không phải họ thiếu kỹ năng mà là do bản chất con người. Khi bản chất đã không tốt thì sẽ có những hành xử không tốt. Nhiều ý kiến cũng đặt vấn đề trường sư phạm hiện nay chưa chú trọng giáo dục đạo đức cho sinh viên, tôi cho rằng không chỉ như vậy mà căn nguyên còn từ xã hội. Khi gian dối trong xã hội trở nên phổ biến thì sẽ ảnh hưởng đến nhà trường, ảnh hưởng đến từng con người cụ thể trong nhà trường.

- Ông có kiến nghị, đề xuất giải pháp gì để việc giáo viên bạo hành học sinh không còn tái diễn?

Hiện nay, chúng ta đã có những hình phạt như: kỷ luật, sa thải giáo viên nếu vi phạm đạo đức nhà giáo và vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, đó cũng không phải là giải pháp căn cơ để chấm dứt tình trạng này. Theo tôi, về lâu dài, trường sư phạm - nơi đào tạo giáo viên, phải chú ý hơn đến việc giáo dục đạo đức cho sinh viên, những người sau khi ra trường sẽ trở thành nhà giáo. Rồi việc tuyển chọn giáo viên vào giảng dạy trong các nhà trường phải chú ý nhiều hơn đến phẩm chất đạo đức và năng lực sư phạm dù cũng khó để đánh giá chính xác với cách tuyển dụng hiện nay.

Riêng việc phạt tiền giáo viên, tôi rất không đồng tình. Bộ GD-ĐT đưa ra chủ trương xử phạt hành chính bằng tiền trong giáo dục là phản cảm, nhục mạ nhà giáo, không có tác dụng răn đe.

- Ông có cho rằng, do từ bao đời nay, xã hội ca tụng nghề giáo là nghề cao quý, vì thế đã khiến cho nhiều giáo viên ngộ nhận về quyền uy của mình?

Theo tôi, không phải họ nghĩ như thế và phần lớn giáo viên không bao giờ nghĩ như vậy. Bởi vì họ được giáo dục trong nhà trường tương đối cẩn thận và họ cũng đều hiểu biết về vị trí, vai trò của người giáo viên ngày nay, chứ không phải họ cho rằng người giáo viên thực hiện quyền uy giống như giáo dục trước đây. Họ hiểu như thế nhưng họ có hành động theo đúng những nhận thức hay không lại là chuyện khác. Điều này phụ thuộc vào quá trình rèn luyện của mỗi giáo viên, mà trên hết là đạo đức, tình cảm, lòng yêu thương của nhà giáo đối với học trò. Tôi tin giáo viên không ngộ nhận về quyền uy của mình như một số người đã nghĩ.

- Nếu không phải như vậy thì phải chăng những sai phạm đó có nguyên do từ áp lực công việc và bệnh thành tích?

Tôi nghĩ ít nhiều là có, trong đó có biểu hiện của bệnh thành tích. Tôi cũng tham gia nghiên cứu đề tài về biểu hiện bệnh thành tích trong nhà trường. Qua nghiên cứu cho thấy, hiện nay bệnh thành tích của các trường, các địa phương rất nặng. Trường hợp của cô giáo ở Quảng Bình và cách xử lý của ban giám hiệu nhà trường là một trong những biểu hiện rất rõ về bệnh thành tích. Vì sợ mất danh hiệu trường chuẩn quốc gia cho nên họ tìm mọi cách để bưng bít thông tin, bằng cách phát phiếu khảo sát học sinh chẳng hạn. Không ai có thể hiểu nổi vì sao họ làm như vậy. Đó chính là biểu hiện rõ nhất của bệnh thành tích.

- Ông có cho rằng hệ quả của những việc trên cũng có căn nguyên từ việc tuyển dụng nhà giáo đang có vấn đề?

Tôi vừa đi khảo sát theo một đề tài của Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam về thực hiện quyền tự chủ trong trường trung học phổ thông. Chúng tôi đi 15 trường ở Hà Nội, Hải Dương, Nghệ An, TPHCM và Đồng Tháp. Khảo sát cho thấy, tất cả các trường đều không có quyền tự chủ trong nhân sự. Mặc dù Điều 58 của Luật Giáo dục 2005 có nêu, nhà trường có quyền tuyển dụng, sử dụng, sa thải nhà giáo, cán bộ, nhân viên; tham gia vào quá trình điều động của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với nhà giáo, cán bộ, nhân viên, nhưng thực tế, các trường không được thực hiện quyền ấy mà do các cơ quan khác đảm nhiệm. Cho nên, đối với việc tuyển dụng giáo viên đừng đổ lỗi cho nhà trường và ngành giáo dục, vì họ không được tuyển người. Tôi nghĩ, Bộ Nội vụ phải chịu trách nhiệm về việc này.

Tuyển dụng giáo viên hiện nay, dù tôi chưa có số liệu, bằng chứng cụ thể, nhưng tôi biết rằng để có được công việc đi dạy, giáo viên phải mất nhiều tiền. Người ta không đánh giá năng lực, đạo đức mà lại chạy theo lý do khác, vì thế trong số các giáo viên được tuyển dụng đó, có người tốt người không, cả về mặt năng lực chuyên môn và đạo đức.

Theo Theo Sài Gòn Giải Phóng
MỚI - NÓNG