Theo bà Hương, gần 70% thủ phạm dâm ô với trẻ là người thân, đây là một con số đáng báo động bởi thủ phạm dâm ô, xâm hại trẻ em chắc chắn không phải chỉ đến từ người lạ.
Chính vì vậy, khi khi dạy con cách phòng tránh xâm hại tình dục thì phụ huynh đừng nghĩ rằng chỉ cần phải dạy con phòng tránh người lạ mà còn phải dạy con phòng tránh từ người quen nữa. Điều quan trọng là dạy các con luôn tạo khoảng cách an toàn đối với tất cả mọi người. Đó là quy tắc 4 vòng tròn: Nêu rõ các mức hành vi và mức quan hệ nào được làm với trẻ và hành vi nào không nên làm. Với bố mẹ, có thể được ôm. Ông bà nội, ngoại, anh chị em ruột được khoác tay. Còn những người họ hàng thân quen chỉ được bắt tay. Người lạ đến gần hãy xua tay.
“Nhiều người phản đối tại sao không được cho ông bà ôm, hôn mà chỉ được dắt tay; tại sao bạn bè chỉ được bắt tay mà không được kề vai bá cổ; bố mẹ chỉ được ôm mà không được chạm vào bộ phận phía dưới của con mà chưa được sự đồng ý của con… Tôi cho rằng, để mà phòng tránh xâm hại tình dục thì cần thiết phải làm như thế, cần tạo khoảng cách an toàn phù hợp, thân thiết vừa độ”- TS. Hương nói.
Sai lầm từ người lớn khiến trẻ không dám "tố cáo"
Ở Việt Nam có một điều rất dở là luôn nghĩ người lớn được quyền ôm ấp, sờ vào trẻ con. Vì ngay từ khi trẻ còn nhỏ, đặc biệt là bé trai thì người lớn rất hay sờ mó, cấu véo. Tất nhiên đứa trẻ sẽ không thể hiểu và nghĩ rằng đó là hành động được phép và thầy cô đang bày tỏ tình yêu với chúng”.
Vì vậy, theo TS. Hương, những thói quen, hành vi của ngay chính những người thân trong gia đình khiến các bé sẽ không nhận thức được khi người khác có hành động tương tự và nghĩ rằng không được bày tỏ sự khó chịu, vì như thế sẽ là hỗn.
Đặc biệt, TS. Hương nhấn mạnh đến quy tắc 4 vòng tròn của Th.s Lan Hải về dạy trẻ bảo vệ bản thân. Một suy nghĩ rất sai lầm của các bậc phụ huynh là luôn cho rằng ông bà thoải mái ôm hôn các cháu, người lớn động chạm hay vuốt ve trẻ là bày tỏ sự yêu thương với con…
Từ đó, cha mẹ vô tình dạy con theo cách sai lầm rằng “cô, bác yêu con mà…”, trẻ sẽ mặc định đó là hành động yêu thương và không biết phản kháng.
Phụ huynh tuyệt đối không được 'khắc" chuyện đã qua với trẻ
“Nếu phụ huynh biết cách xử lý càng sớm càng tốt thì sẽ không để bất cứ di chứng gì, thời gian sẽ dần giúp đứa trẻ quên đi mọi chuyện. Còn nếu các phụ huynh cứ nhắc đi nhắc lại và chất vấn con thì chỉ mang lại tác dụng ngược. Lúc này chính cha mẹ một lần nữa xâm hại tới đứa trẻ, thậm chí trẻ có thể trở nên trầm cảm thực sự vì cứ phải nghe nói tới những đau đớn đó”- TS. Hương phân tích.
Ở cương vị là một chuyên gia tâm lý, kỹ năng sống nhưng đồng thời, TS. Hương cũng là một người mẹ, chị cho rằng, điều các phụ huynh cần làm lúc này là ngay lập tức chuyển con khỏi ngôi trường đó tránh để môi trường xấu tác động đến con, tránh để con bị ám ảnh bởi những ký ức kinh hoàng.
Tiếp theo đó, phụ huynh nên hướng con tham gia các hoạt động thể dục thể thao, vui chơi lành mạnh, tham gia các câu lạc bộ, các hoạt động mới hơn so với các hoạt động trước của trẻ đã từng làm. Điều này sẽ giúp trẻ nhanh quên đi những chuyện xấu đã xảy ra. Đặc biệt, cha mẹ tuyệt đối không đưa con quay trở lại nơi đã xảy ra sự việc và không cho con xem những hình ảnh khiến khơi gợi lại chuyện đó; tuyệt đối không nhắc lại chuyện đó trước mặt con…
Đển giúp con quên đi quá khứ đau buồn thì cần một khoảng thời gian khá dài, do đó, cha mẹ cũng cần kiên trì, bền bỉ ở bên con để đồng hành với con.