Không những thế, giả sử trong số những người mua điểm có công chức, đảng viên thì càng cần phải được công khai. Bác Hồ đã nói không sợ sai lầm chỉ sợ không sửa. Có thể họ chưa đến mức phải xử lý hình sự, nhưng nếu phát hiện công chức, viên chức, lãnh đạo, đảng viên tham gia vào việc mua điểm này thì cần phải được xử lý nghiêm túc. Mua điểm ngày xưa là bị vua chém đầu. Thời phong kiến việc như thế bị xử lý nghiêm lắm. Đây cũng có thể coi là một dạng tham nhũng quyền lực vì quyền lợi riêng. Nó còn khủng khiếp hơn nhiều so với trộm cắp hay tham nhũng vặt. Nên việc không công khai danh tính, tôi cho rằng không ổn.
Chống tiêu cực là một việc làm rất khó. Chạy điểm là một hình thức đút lót, hay là một chuyện ăn tiền. Với giáo dục thì đây là vấn đề phải “kiêng”. Làm giáo dục mà ăn tiền thì không đáng làm giáo dục. Còn với những người chạy điểm, nếu không công khai thì thật đáng sợ. Những bà hàng rau, hàng cá làm đồ ăn bẩn đã bị lên án. Ăn bớt ăn xén cũng bị lên án. Kiểu chạy điểm này còn kinh khủng hơn. Dân cũng không đòi hỏi phải kỷ luật gì ghê gớm nhưng phải cho dân biết ai đang sai và đã sai thì phải sửa. Làm thế, để những thế hệ sau không nên dính vào việc tương tự. Đây cũng là một cách để những ngành có cán bộ dính vào rút kinh nghiệm.
Với thí sinh, có thể không cần phải công bố công khai danh sách. Nhưng cũng phải xử lý thật nghiêm. Thí sinh không phải là thủ phạm, nhưng cũng không phải là nạn nhân. Họ được bố mẹ của mình dùng tiền, dùng quyền lực để “ăn cắp” tương lai của người khác. Nên dù muốn dù không, những thí sinh này cũng cần phải có một bài học.
Vụ việc đã lùm xùm từ tháng 7, tháng 8 năm trước. Các thí sinh này cũng đã được dư luận cảnh báo. Tuy nhiên, họ vẫn cố tình “đương đầu” với dư luận để nhập học vào các trường. Có lẽ, họ nghĩ khi Bộ GD&ĐT cho rằng không xác định được bài thi vi phạm thì họ vẫn có cơ hội “thoát tội”? Thế nên, dù không công khai danh tính, những thí sinh này vẫn phải bị xử lý thật nghiêm.