Sáng 11/2, UBND TPHCM đã ra mắt Trung tâm Điều hành Giáo dục thông minh TPHCM. Đây là trung tâm điều hành giáo dục thông minh đầu tiên của cả nước.
Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã đến dự.
Trung tâm điều hành Giáo dục thông minh gồm một số hợp phần như: Xây dựng và quản lý hệ thống báo cáo bằng công cụ thông minh, trực tuyến; hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành bằng các công cụ thông minh; quản lý và tổ chức các cuộc họp thông minh; quản lý lịch làm việc; tích hợp và triển khai hệ thống quản lý văn bản thông minh; hệ thống giám sát qua camera trên cơ sở ứng dụng trí tuệ nhân tạo…
Ở giai đoạn triển khai thí điểm sẽ thực hiện tại quận 1, quận 12 và 5 trường Trung học phổ thông là các trường: Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Du, Nguyễn Hiền và Lê Quý Đôn.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Lê Hồng Sơn, hiện đã có 1/3 trường học trên địa bàn TP gắn camera quan sát. Thời gian tới sẽ phấn đấu phủ kín camera tại 100% đơn vị trường học và cơ sở giáo dục.
Phát biểu tại lễ ra mắt, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) là một trong hai sở ban ngành đầu tiên của thành phố sớm có trung tâm điều hành thông minh.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết với tốc độ tăng dân số bình quân 200.000 người/năm, trong đó cứ 5 năm tăng thêm khoảng 300.000 học sinh thì thực tế hiện nay số lượng giáo viên của TPHCM không theo kịp số lượng học sinh, sinh viên. Để đảm bảo chất lượng giáo dục và đào tạo, ngành giáo dục, TPHCM cần thực hiện các giải pháp hiện đại hóa quản lý và đổi mới công nghệ giáo dục.
Theo ông Nhân, một khi có Trung tâm điều hành Giáo dục thông minh, người học sẽ học dễ dàng hơn, có thể học mọi lúc mọi nơi và học hiệu quả hơn đồng thời có sự tham gia của gia đình. Đội ngũ cán bộ giáo viên cũng sẽ có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để nâng cao trình độ; nâng cao năng lực quản lý.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị sau khi triển khai thí điểm Trung tâm điều hành Giáo dục thông minh trong thời gian từ 5-6 tháng, các đơn vị liên quan phải chuẩn bị hồ sơ để tổ chức đấu thầu. Cố gắng trình kết quả đấu thầu cho HĐND TPHCM vào tháng 10.
Đề cập đến dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (nCoV), Bí thư Thành ủy thông tin thêm: TPHCM hiện đang 322 người là cán bộ, giáo viên, học sinh… trở về từ nước ngoài. Tuy nhiên, nếu so với cả nước đang có gần 10.000 người trong ngành giáo dục trở về từ vùng dịch thì nguy cơ thấp hơn.
“Dân số TPHCM chiếm 10% cả nước nhưng người trong ngành giáo dục từ vùng dịch trở về chỉ chiếm 3%”, ông Nhân cho hay.
Bên lề buổi ra mắt, trao đổi với báo chí ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết đang theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh tại thành phố và khuyến cáo của Ban chỉ đạo thành phố, trong đó có Sở Y tế, để đề xuất thời gian đi học lại.
Ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết theo khuyến cáo của Bộ Y tế, những tỉnh không có dịch và dịch không phát triển, có thể cho học sinh đi học trở lại. Với tình hình hiện nay của TPHCM, đầu tuần tới, học sinh đi học lại là phù hợp. Bởi, các trường đã chuẩn bị kỹ, bản thân học sinh cũng đã tiếp cận nhiều thông tin về phòng chống dịch.
Hiện nay, các đơn vị đào tạo tại TP.HCM đã chuẩn bị khá kỹ việc sát trùng, khử khuẩn phòng học, cũng như chuẩn bị tâm thế để tiếp nhận học sinh trở lại trường. Các trường đã chuẩn bị đầy đủ thiết bị cần thiết cho việc phòng chống dịch như máy đo thân nhiệt, nước rửa tay, khẩu trang cho học sinh.
Trước đó, với hình tình diễn biến phức tạp của dịch nCoV, UBND TPHCM đã 2 lần thông báo cho sinh nghỉ thêm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (từ ngày 3 đến hết ngày 16/2).