Quá tải lớp học trầm trọng ở Hà Nội:

Một giờ học ở lớp gần 60 học sinh

Một lớp học khối 1 trường Tiểu học Chu Văn An, Hà Nội
Một lớp học khối 1 trường Tiểu học Chu Văn An, Hà Nội
TP - Trong mấy phút nghỉ hiếm hoi giữa giờ, cô giáo cũng bị đám học trò lớp 1 vây bám, đứa níu tay thắc mắc, đứa đề nghị dẫn đi vệ sinh... Cô trả lời bạn bên này chưa xong, bên kia đã có bạn khác nheo nhéo mách tội. 

Trường tiểu học Chu Văn An được UBND Quận Tây Hồ đầu tư, xây mới cách đây 3 năm nên trang thiết bị khá hiện đại từ điều hòa, máy chiếu, giáo viên giảng bài bằng micro… Phòng học tiêu chuẩn là thế nhưng vì sĩ số đông, buộc trường phải kê tới 4 dãy bàn theo hàng ngang, 7 bàn theo hàng dọc. Lối đi giờ đây chỉ còn một khoảng rất hẹp, giáo viên thậm chí phải nghiêng người mới đi qua. Ở một số bàn đầu,  phải xếp 3 học sinh/ bàn mới đủ chỗ. 

Trong mỗi giờ học, để đảm bảo vở viết được sạch đẹp và dạy học sinh tính cẩn thận, cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy lớp 1 yêu cầu học sinh viết lần lượt từng con số, từng nét chữ. Sau đó, cô đi kiểm tra, cầm tay sửa cho học sinh. Ngồi ghé vào ghế của một học sinh, cô Huyền dùng tẩy, xóa hết hàng chữ của một học sinh, cầm tay em nhỏ này nắn nót đưa từng nét chữ. Nét chữ cô đẹp như in, nét học trò nghệch ngoạc.

Cô cho biết: “Đây là học sinh non nhất lớp, con sinh cuối năm nên vào lớp 1 khi chỉ hơn 5 tuổi vì vậy những ngày đầu con sợ, khóc suốt. Mấy ngày tiếp theo, con quen và hào hứng hơn nhưng nét chữ đang yếu”. Đến một học sinh khác cô nhắc: “Huy ơi, chữ e phải rộng ra, lung phải cong hơn” hay “Chữ b của Đức hơi hẹp”… Cứ thế, cô đánh vật mê tơi với lũ nhỏ lên tới ngót 60 em. 

Theo cô Huyền, những ngày đầu lớp 1 cũng chính là đám nhỏ lít nhít vừa rời trường mầm non. Từ chỗ được chạy nhảy, vui chơi, múa hát tự do nay phải ngồi im trong lớp học chật chội với bảng đen, phấn trắng là một điều không hề đơn giản. Lúc cô Huyền ở góc này cầm tay hướng dẫn một em nhỏ viết chữ, ở góc khác, 3-4 em khác túm tụm vào nhau trêu chọc, ở góc kia một em “Thưa cô, bạn làm gãy bút của con”, góc khác  có em giật vở của bạn… Để dỗ được lũ trẻ ngồi yên,  suốt 40 phút trong giờ học, câu nói thường trực của cô là: “Bây giờ sẽ là giờ nhận quà của cô cho những bạn ngồi ngoan” hay “hết giờ cô sẽ thưởng”, “ai muốn nhận quà hôm nay nào”… Sau mỗi câu “dỗ dành” như vậy, lớp học cũng chỉ tạm yên được chừng 5 phút, rồi lại như “ong vỡ tổ”.

Công việc hàng ngày của giáo viên lớp 1 bao gồm rất nhiều phần việc vất vả. Sáng đón học sinh vào lớp, tổ chức dạy học. Trưa lo ăn, lo ngủ. Khi các con ngủ, mới là giờ của cô ăn trưa. Ăn vội phần cơm, cô giáo lại ngồi bên chồng vở cao ngất để viết mẫu cho từng em. Mỗi mặt giấy, cô nắn nót viết vào 3 chữ: “bé”, “be”, “bẻ” và tỉ mẩn chấm từng dấu chấm ở các hàng ngang để học sinh căn vào đó tập viết những con chữ đầu đời. Ngoài ra, cô còn phải kiểm tra, nhận xét bài của học sinh viết buổi sáng hoặc ngày hôm trước. Những bài học sinh viết đẹp, sạch cô nhận xét bằng chữ: “cô khen”, có học sinh cô chấm chữ: “Con không tẩy xóa nhiều” hay “Con cần giữ vở sạch đẹp”…  

Một giờ học ở lớp gần 60 học sinh ảnh 1

Cô giáo Huyền dạy học sinh tập viết

Tuy các câu nhận xét đã có mẫu, giáo viên chỉ việc đóng dấu vào vở nhưng với 58 học sinh, hàng ngày cô phải tranh thủ từng phút mới có thể trả bài cho học sinh. 5 giờ chiều học sinh nghỉ nhưng giáo viên lớp 1 phải trả đến học sinh cuối cùng mới được trở về, nghỉ ngơi. “Nếu sĩ số thấp hơn, giáo viên sẽ tổ chức được nhiều hoạt động hơn nữa. Sĩ số cao, việc quan tâm đến từng học sinh sẽ hạn chế hơn, vất vả hơn rất nhiều”, cô Huyền nói. 

Lạc giọng, khản cổ vì nói nhiều

 Mới khai giảng ngày thứ 4 nhưng cô giáo đã lạc giọng vì nói quá nhiều. “Chị thấy đấy, dù mới vào học nhưng các con đã phải học rất vất vả. Ít hôm nữa Toán còn khó hơn. Nhiều con còn non nớt, tay yếu nên yêu cầu giáo viên phải quan tâm đến từng em. Nếu không hướng dẫn được thì phải kiểm tra hết bài để đánh giá.   Tuy vậy, mỗi giờ học mình đi liên tục cũng chỉ quan tâm được khoảng 20 em là cùng”, cô Huyền nói.

Cô Huyền là giáo viên dạy lớp 1 đến nay đã 17 năm. Trường tiểu học Chu Văn An có tiếng, năm nào cũng có lượng học sinh lớn đổ về nhưng chưa năm nào sĩ số học sinh lên tới 59 học sinh/ lớp như năm nay. Lớp đông nên trong giờ học, chỗ này có con quay ngang, có con trêu chọc bạn khiến cô phải nhắc nhở liên tục đã đành. Giờ giải lao ngắn ngủi cô phải đưa đi vệ sinh, trông chừng vì sợ học sinh chưa quen trường lớp, chạy lung tung. Trong giờ học, cô là giáo viên, cần mẫn nắn từng nét chữ, nhưng đến giờ ăn cô là bảo mẫu đúng nghĩa. 

Phải nhắc đến chục lần, gần 60 học sinh chưa theo quy tắc nào mới có thể ngồi đúng vị trí của mình. Cô cùng một nhân viên bếp lấy cơm, thức ăn cho từng em. Vừa đưa cơm, vừa căn dặn học sinh xúc ăn cẩn thận, không đổ ra bàn để có chỗ sạch sẽ ngủ trưa.

“Học sinh thành phố ở nhà bố mẹ chiều. Nếu món không đúng ý sẽ ăn ít thậm chí không ăn. Nhưng không ăn, không đảm bảo sức mà học nên cô sẽ phải đút. “Mỗi buổi có khoảng 4-5 bạn lười ăn, cô phải cho đứng xung quanh mình để đút lần lượt cho hết suất cơm”, cô Huyền tâm sự.

Cũng theo cô Huyền, có một việc tưởng như đơn giản nhưng buộc giáo viên dạy lớp 1 phải luyện cho mình thành kỹ năng đó là ghi nhớ tên học sinh. Đứng trên bục giảng nhìn xuống, 58 học sinh lít nhít như nhau. Nhưng để nhắc nhở bài, nhắc nhở khi em nghịch ngợm giáo viên đều phải gọi đích danh, không thể nói: “em này, em kia” sẽ rất phản giáo dục. 

Đó là chuyện ở lớp có sĩ số 58 học sinh. Năm học này, Hà Nội có 180.000 học sinh vào lớp 1, tăng 30.000 em so với năm trước. Sĩ số này tăng trải đều ở tất cả các quận, huyện. Vì thế, sĩ số học sinh/ lớp ở hầu hết các trường đều tăng lên. Các trường đã xoay xở đủ mọi cách như cơi nới phòng học, dùng phòng hội đồng, phòng chức năng để làm lớp học…cũng không đủ.

Vì thế, Trường tiểu học Dịch Vọng B, quận Cầu Giấy năm nay sĩ số lên tới 66 học sinh/ lớp. Tăng gần gấp đôi so với sĩ số chuẩn theo quy định của Bộ GD&ĐT.  Sĩ số quá đông, trường phải nghĩ cách kê hai bàn sát nhau để ghép thêm một học sinh. 

Cô Nguyễn Thị Phương Loan, Chủ nhiệm lớp 1A9, Trường tiểu học Dịch Vọng B thừa nhận, trong mỗi tiết học giáo viên không thể tương tác trực tiếp hết được tất cả học sinh. Áp lực của mỗi giáo viên dạy lớp là rất lớn. Vì yêu cầu của mỗi giáo viên ngoài dạy chữ, còn phải rèn kỹ năng, cho học sinh ăn, ngủ và đảm bảo sự an toàn trong suốt  8 giờ đồng hồ trên lớp cho cùng lúc 66 đứa trẻ là việc không hề đơn giản.

“Sĩ số cao, giáo viên rất vất vả. Nguyên nhân do tăng dân số cơ học quá nhanh. Đáng ra, tất cả các khu chung cư phải dành quỹ đất để xây dựng trường công lại không làm, lâu nay đa số chỉ xây trường tư, trường chất lượng cao. Dân không có tiền cho con học. Ngành giáo dục rất muốn có đủ trường, đúng sĩ số theo quy định  trong khi quy hoạch lại là việc của đơn vị khác ”.
Trưởng phòng GD&ĐT Quận Tây Hồ (Hà Nội) Lê Hồng Vũ

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lập An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.