Theo đơn tố cáo gửi đến báo Tiền Phong, ông Nguyễn Hồng K. (người đã làm đơn tố cáo- PV) cho rằng bằng thạc sĩ và tiến sĩ của ông Trần Quang Nam chưa rõ có được Bộ GD&ĐT công nhận hay không nhưng vẫn được bổ nhiệm hiệu trưởng, từ đó điều hành nhà trường và ký tên lên bằng tốt nghiệp của sinh viên.
Cụ thể, trong lý lịch khoa học của ông Trần Quang Nam tại trường đại học Huflit, từ năm 2000 - 2002, ông Nam học thạc sĩ Quản trị kinh doanh hệ chính quy tại trường Southern California University (năm 2007 đổi tên thành California Southern University), ngôi trường mà cựu Bí thư Thành ủy thành phố Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh từng theo học.
Tiếp đó, từ năm 2004 đến 2007, ông Nam theo học tiến sĩ hệ chính quy tập trung do Business School Lausanne (Thụy Sỹ) và được cấp bằng, song văn bằng này đã được Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) công nhận hay chưa thì vẫn là câu hỏi đối với cán bộ, giảng viên và sinh viên trường này.
Bằng tiến sĩ của ông Nam do Business School Lausanne (Thụy Sỹ) cấp
Sau hơn 2 năm kể từ ngày được bổ nhiệm Hiệu trưởng nhiều lãnh đạo, cán bộ giảng viên Trường Đại học Huflit vẫn chưa nhận được thông tin về tính hợp pháp của các bằng cấp nói trên từ vị hiệu trưởng.
Ông K. cho biết, theo quy định của Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), chỉ trong thời gian 30 ngày từ ngày nhận hồ sơ, các cá nhân, tổ chức muốn xác định tính hợp lệ của bằng cấp sẽ được Trung tâm công nhận văn bằng (thuộc Cục Quản lý chất lượng) trả lời đầy đủ.
“Thế nhưng, không hiểu sao hơn 2 năm trôi qua, chúng tôi nhiều lần yêu cầu nhưng ông Nam không làm. Nếu chẳng may văn bằng đó không hợp lệ, thì hàng ngàn sinh viên được ông ký tên cấp bằng trong 2 năm qua sẽ ra sao?”, ông K. đặt câu hỏi.
Ngày 14/8, Tiền Phong đã có cuộc trao đổi ông Nguyễn Hồng Tuyên, Phó Chủ tịch HĐQT trường Huflit về vụ việc này.
Theo ông Tuyên, ông Nam là sinh viên của trường giai đoạn 1995- 1999. Sau khi ra trường, ông Nam về công tác tại trường Đại học Sài Gòn một thời gian thì về lại trường Huflit làm việc từ trợ lý khoa, trợ lý hiệu trưởng và giờ là hiệu trưởng nhà trường...
Cũng theo ông Tuyên, ông Nam là người giỏi, có kiến thức và là một trong những người nhận được học bổng của thành ủy TPHCM theo chương trình đào tạo 300 tiến sĩ, thạc sĩ giai đoạn 2001- 2005. “Việc đưa ông Nam về trường là bước cơ cấu vào vị trí hiệu phó, hiệu trưởng nhà trường của HĐQT trong tương lai ở thời điểm đó”, ông Tuyên tiết lộ.
Vào năm 2004- 2007, ông Nam theo học tiến sĩ hệ chính quy tập trung do Business School Lausanne (Thụy Sỹ), việc này ông Tuyên cho rằng ông biết khá rõ. Tuy nhiên, phóng viên đề cập đến việc ngày 20/10/2002, Hiệu trưởng trường Huflit (lúc đó là ông Huỳnh Thế Cuộc- pv) có văn bản chấp thuận cho ông Trần Quang Nam đi học tiến sĩ Quản trị doanh nghiệp và Kinh doanh nhỏ tại trường đại học Barcelona, Tây Ban Nha trong thời hạn 3 năm nhưng không học mà đi học tiến sĩ online ở trường Business School Lausanne (Thụy Sỹ) thì ông Tuyên tỏ ra bối rối và cho rằng không biết việc này.!
Văn bản trường Huflit chấp thuận cho ông Trần Quang Nam đi học tiến sĩ Quản trị doanh nghiệp và Kinh doanh nhỏ tại trường đại học Barcelona, Tây Ban Nha trong thời hạn 3 năm nhưng không học mà đi học tiến sĩ online ở trường Business School Lausanne (Thụy Sỹ)
Tiếp đó, khi phóng viên đề cập đến việc vì sao hồ sơ chưa hoàn thiện, cụ thể là theo Quy định của Luật Giáo dục Đại học năm 2012, Điều lệ trường Đại học năm 2014, hiệu trưởng trường đại học có bằng tốt nghiệp ở nước ngoài thì phải được cơ quan chức năng thuộc Bộ GD&ĐT công nhận, tuy nhiên, bằng cấp của ông Nam chưa trải qua bước này nhưng HĐQT trường Huflit vẫn trình Sở GD&ĐT, UBND TPHCM để công nhận hiệu trưởng thì ông Tuyên thừa nhận sai sót.
Theo ông Tuyên, thời điểm đó nhà trường có yêu cầu ông Nam bổ sung nhưng sau đó không nghe nói gì nên tưởng mọi chuyện đã hoàn tất. “Trường nhận sai sót trong khâu quản lý cán bộ”, ông Tuyên nói và cho biết nhà trường đã yêu cầu ông Nam phải làm thủ tục gửi ra Bộ GD&ĐT để xác minh văn bằng của mình.
Trường Huflit đã yêu cầu ông Nam phải làm thủ tục gửi ra Bộ GD&ĐT để xác minh văn bằng của mình.
Khi PV đề cặp đến tình huống xấu nhất là chẳng may bằng cấp của ông Nam không được Bộ GD&ĐT công nhận thì hàng ngàn sinh viên đã được ông Nam ký tên sẽ ra sao. Ông Tuyên thừa nhận: “Đây là vấn đề lớn, lúc đó, nhà trường buộc phải thu hồi và cấp lại bằng cho sinh viên, nhưng sự việc không hề đơn giản”.