Giáo viên thi dạy giỏi: Thầy cô còn 'diễn', dạy học sinh thế nào?

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa
TPO - “Thực tế cho thấy, nội dung và hình thức thi giáo viên dạy giỏi không còn phù hợp: sáng kiến kinh nghiệm không thiết thực, có tình trạng sao chép; bài kiểm tra năng lực nặng về sách vở, có bộ đề cho trước, dẫn tới tình trạng “diễn” trong các hội thi”-  TS Thái Văn Tài, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) khẳng định.

Thi giáo viên giỏi, có chuyện chọn học sinh?

Sau chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, một Tổ công tác của Bộ GD&ĐT đã tiến hành rà soát, kiểm tra tại Hải Phòng liên quan đến thông tin được phản ánh trong những ngày qua về việc một số trường học của Hải Phòng cho học sinh có học lực yếu nghỉ học để thi giáo viên giỏi.

Ngay sau khi có kết quả rà sát, TS Thái Văn Tài, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học thông tin, ngay sau khi khảo sát thực tế, kiểm tra hồ sơ liên quan và làm việc với nhà trường, Tổ công tác cho rằng, thông tin nhà trường cho học sinh yếu kém ở nhà là không có căn cứ.

Cụ thể, thứ nhất, việc đánh giá đối với học sinh tiểu học được thực hiện theo Thông tư 30 và Thông tư 22 hiện nay là không xếp loại học sinh. Thứ hai, qua kiểm tra hồ sơ của các em học sinh ở nhà không tham gia lớp học tại các tiết diễn ra Hội thi, rất nhiều em có điểm kiểm tra học kỳ I môn Toán và Tiếng Việt rất tốt.

Như vậy không có căn cứ để cho rằng, học sinh giỏi được tham gia lớp học, học sinh yếu được cho ở nhà.

“Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng cho thấy việc phụ huynh phân vân khi có học sinh ở nhà, học sinh được đến lớp là hoàn toàn có thật và cần phải rút kinh nghiệm và chấn chỉnh đối với Ban tổ chức Hội thi”- ông Tài khẳng định.

Trong khi đó, TS Vũ Thu Hương, ĐH Sư phạm Hà Nội lại cho rằng, việc “trò gọi nhầm tên cô, cô không nhớ tên trò” là bình thường ở các cuộc thi giáo viên dạy giỏi.

Bà Hương cho hay, nhiều lần là giám khảo cuộc thi giáo viên dạy giỏi,  bà từng chứng kiến cảnh sau tiết học, học sinh từ nơi khác kéo vào lớp và học sinh từ trong lớp chạy sang lớp khác. Điều này cho thấy có sự lựa chọn học sinh tham gia.

Có trường hợp các cháu gọi nhầm tên cô giáo hoặc mỗi bạn có một biển tên trước ngực. "Biển tên trước ngực trẻ chỉ nói lên rằng, cô giáo đã chọn những trẻ học giỏi ở các lớp khác nhau về dạy trong tiết dự thi nên không thể nhớ tên chúng", tiến sĩ Hương cho hay.

Thi giáo viên dạy giỏi không còn phù hợp?

TS Thái Văn Tài, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho rằng, khảo sát thực tế tại cụm thi Trường Tiểu học Thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng và trao đổi trực tiếp với giáo viên cho thấy, giáo viên rất mong muốn có sự điều chỉnh, bổ sung các nội dung tại Thông tư số 21/2010/TT-BGDĐT để Hội thi diễn ra một cách nhẹ nhàng, thực chất, giảm áp lực cho giáo viên tham gia dự thi và công tác tổ chức.

“Thực tế cho thấy, nội dung và hình thức thi giáo viên dạy giỏi không còn phù hợp: sáng kiến kinh nghiệm không thiết thực, có tình trạng sao chép; bài kiểm tra năng lực nặng về sách vở, có bộ đề cho trước dẫn tới luyện thi, ôn thi; thi thực hành 2 tiết, trong đó có 1 tiết thực hành, 1 tiết tự chọn đều được chuẩn bị trước, dẫn tới tình trạng “diễn” trong các hội thi”- TS Tài nhấn mạnh.

Nhận định về cuộc thi giáo viên giỏi, TS Hương cho rằng, thực chất cuộc thi nhằm tạo ra bảng vàng thành tích cho giáo viên để dựa vào đó, các cấp đánh giá giáo viên cũng như ngôi trường.

“Cả trường sẽ dốc sức soạn bài, chuẩn bị cơ sở vật chất và mọi điều kiện để giáo viên dự thi hoàn thành tốt nhất. Trong cuộc thi, giáo viên tạo ra tiết dạy hay nhất sẽ được giải. Tiêu chí này phụ thuộc rất nhiều vào cảm quan của người chấm. Vì thế, đôi khi giải thưởng không thật sự thuyết phục", chuyên gia này cho hay.

Cô giáo Nguyễn Đình Thủy, giáo viên trường THPT của một trường của Huyện Hoài Đức cho rằng, cuộc thi giáo viên dạy giỏi cần điều chỉnh hoặc thay đổi.

Vì theo cô giáo Thủy, việc thi giáo viên giỏi mất quá nhiều công sức, đôi khi cả tiền bạc: “Không chỉ giáo viên đi thi mà có khi cả tổ môn đó phải dốc sức vào. Thậm chí, có trường còn thuê cả chuyên gia để hướng dẫn soạn bài giảng. Chưa kể, rất nhiều tiêu cực trong chọn giải nữa”’- Cô Thủy nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG