Liên quan đến gian lận thi cử ở Hà Giang, sau khi phát hiện hành vi gian lận thi cử của các bị can tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở Hà Giang, Bộ GD-ĐT chấm thẩm định trả lại kết quả chính xác cho các thí sinh trước khi xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc, nên không có thí sinh nào bị buộc thôi học tại các trường Đại học, Cao đẳng.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Thế Bình - Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT Hà Giang cho biết, lùm xùm gian lận điểm thi ở Hà Giang khác so với hai địa phương Hòa Bình và Sơn La. Sự việc ở Hà Giang được phát hiện sớm nên được Bộ GD-ĐT chấm thẩm định ngay.
"Hà Giang không có em nào đang đi học bị trả về cả, hầu hết các em đi học theo kết quả thực do hội đồng thẩm định Bộ GD-ĐT công bố", ông Bình nói.
Gian lận nâng điểm thi ở Hà Giang gây chấn động cả nước
Trước đó, vụ gian lận nâng điểm thi ở Hà Giang đã gây chấn động cả nước. 309 bài thi THPT quốc gia của 107 thí sinh được sửa nâng điểm. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt có em được làm tăng tới 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm được Bộ Giáo dục chấm thẩm định.
Dự kiến, trong tháng 7/2019, TAND tỉnh Hà Giang sẽ đưa vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018 và 5 bị can trong vụ án này ra xét xử sơ thẩm.
Theo đó, 5 bị can bị truy tố là Nguyễn Thanh Hoài (cựu Trưởng Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang), Vũ Trọng Lương (cựu Phó Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục), Phạm Văn Khuông, Triệu Thị Chính (2 cựu Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang) và Lê Thị Dung (cựu cán bộ Công an tỉnh Hà Giang).
Trong bản cáo trạng dài 20 trang số 09/CT-VKS của VKS nhân dân tỉnh Hà Giang ngày 28/5/2019 nêu rõ, đầu tháng 5/2018, bị can Hoài gọi Vũ Trọng Lương sang phòng làm việc tại Sở Giáo dục và Đào tạo nói cần nâng điểm cho "một số trường hợp đặc biệt" trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Lương đồng ý và nói cần phải nghiên cứu thêm phần mềm quản lý thi của Bộ Giáo dục.
Giữa tháng 5/2018, sau khi tổ chức quét và chấm thử trên phần mềm xử lý bài thi trắc nghiệm của Bộ Giáo dục, Lương phát hiện phần mềm có "lỗ hổng". Lương sang phòng làm việc của Hoài nói cho Hoài biết là Bộ Giáo dục chỉ yêu cầu gửi file Excel và nói với Hoài là "có thể xử lý nâng điểm được".
Sau khi nghe Lương nói vây, Hoài đã 3 lần chuyển danh sách 93 thí sinh cần nâng điểm môn thi trắc nghiệm cho Lương.
Tháng 6/2018, sau khi một số người quen, đồng nghiệp nhờ nâng điểm cho thí sinh, Hoài tải danh sách M9 từ phần mềm quản lý thi THPT quốc gia về máy tính cá nhân, đánh dấu bôi màu vàng vào dòng thông tin các thí sinh và điền số điểm cần nâng rồi đưa cho Lương. Trong lần 1 có tổng số 77 thí sinh cần nâng điểm.
Cũng trong khoảng thời gian tháng 6/2018, Hoài trực tiếp nhận tin nhắn của 2 người quen gửi SBD của 3 thí sinh để nhờ Hoài nâng điểm. Hoài tiếp tục chuyển tin nhắn này qua điện thoại cho Lương để Lương thực hiện thao tác nâng điểm cho 3 thí sinh này.
Sau đó Hoài tiếp tục nhận thông tin của các thí sinh cần nâng điểm. Khoảng thời gian từ 28/6-29/6/2018, tại phòng Trưởng ban thư ký Hội đồng thi ở tầng 2 trường THPT Chuyên Hà Giang, Hoài sử dụng máy tính cá nhân để lập danh sách SBD 13 thí sinh rồi gửi qua email cho Lương để Lương nâng điểm. Sau khi nhận được danh sách, Lương tiếp tục nhập bổ sung vào danh sách thí sinh cần nâng điểm mà Lương đã lập, lưu trong máy tính.
Bị can Phạm Văn Khuông nhờ Nguyễn Thanh Hoài nâng điểm cho con, kết quả số báo danh 05000284 được nâng 13,3 điểm.
Đối với bị can Lê Thị Dung do mối quan hệ quen biết nên nhờ bị can Hoài nâng điểm cho 20 thí sinh, kết quả 20 thí sinh đều được nâng điểm.
Bị can Triệu Thị Chính không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ của trưởng ban chấm thi vi phạm quy chế thi, đưa danh sách 13 thí sinh nhờ bị can Hoài nâng điểm môn ngữ văn cho 12 thí sinh (1 thí sinh Triệu Thị Chính nhờ xem điểm) giữa 2 bị can đã thống nhất số điểm cần nâng đạt được.
Nhân vật bí ẩn "lão phật gia"
Đại diện Cục An ninh Chính trị nội bộ (A83 - Bộ Công an) cho biết, sau khi Bộ GD-ĐT công bố đáp án thi, ông Lương đã lên mạng tải toàn bộ những kết quả này vào phần mềm Excel. Sau đó, ông Lương chuyển toàn bộ bài thi, mở khóa niêm phong, rút bài từ các túi bài thi từ điểm chấm thi tại trường Chuyên Hà Giang mang về Sở GD-ĐT Hà Giang, thao tác trong 2 tiếng để tẩy xóa bài thi.
Kiểm tra điện thoại của ông Lương, lực lượng chức năng phát hiện có nhiều tin nhắn, cuộc điện thoại liên quan đến việc nhờ vả, làm sai kết quả thi.
Camera của Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang đã ghi lại toàn bộ những hình ảnh thể hiện hành vi vi phạm của ông Lương. Ông Lương đã lấy file xử lý đáp án dán vào file text, chỉ mất 6 giây/trường hợp cho việc thực hiện.
Theo tài liệu của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang, cơ quan An ninh điều tra đã thu giữ 28 đơn vị vật chứng có liên quan đến vụ án.
Đáng chú ý tại mục số 22 phần Vật chứng, vật chứng là 1 con lợn nhựa màu xanh lá cây có kích thước dài nhất từ đầu đến đuôi dài 24 cm, rộng 19cm, cao 15 cm. Tại vị trí chính giữa lưng bị vỡ, tạo thành một lỗ thủng.
Việc vật chứng này có liên quan thế nào đến vụ án chưa được các cơ quan chức năng nêu.
Các vật chứng khác là những thiết bị lưu giữ tài liệu, ổ máy tính túi đựng bài thi và những tờ giấy ghi dữ liệu có liên quan đến từng thí sinh được nhờ nâng điểm.
Đáng chú ý, Công an tỉnh Hà Giang có thu giữ được tại nhà ông Nguyễn Thanh Hoài (cựu trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) một mẩu giấy khổ 10x9cm, trên giấy có ghi "P.T.H.Tr. (tên thí sinh), SBD: 070389; P: 17; HĐT Hùng An (Lão phật gia nhờ)".
Nội dung này được hiểu là thí sinh H.Tr. có số báo danh, phòng thi như trên tại hội đồng thi Trường THPT Hùng An (tại huyện Bắc Quang, Hà Giang), người nhắn "nhờ vả" ông Hoài có biệt danh là "lão phật gia".
Tuy nhiên, trong kết luận điều tra của cơ quan công an, nhân vật bí ẩn "lão phật gia" này không được nhắc đến gây khó hiểu cho dư luận.
Tuy nhiên, theo tài liệu của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang, Cơ quan an ninh điều tra đã áp dụng tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật nhưng không thu thập được chứng cứ để chứng minh được có yếu tố vụ lợi trong vụ án.
Ông Vinh lên trung ương, kết quả xét xử sẽ thuận lợi?
Trong một động thái khác, ngày 2/7, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị triển khai quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ. Tại Hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình đã công bố Quyết định số 1297-QĐNS/TW ngày 21/6/2019 của Bộ Chính trị về việc điều động, bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Theo Quyết định, ông Triệu Tài Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa 14 tỉnh Hà Giang thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang nhiệm kỳ 2015-2020; điều động, bổ nhiệm đồng chí giữ chức Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Sự kiện ông Triệu Tài Vinh được bổ nhiệm chức vụ mới khiến dư luận càng chú ý trong bối cảnh sắp tới Hà Giang tổ chức xét xử vụ án liên quan đến gian lận điểm thi gây rúng động dư luận một năm qua.
Trả lời phỏng vấn báo chí, nguyên đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông cho rằng: "Nếu như ông Vinh còn làm Bí thư Hà Giang thì vấn đề xét xử có chính xác, đứng đắn đi nữa thì dư luận người ta có những nghi ngờ. Ông Vinh chuyển lên trung ương thì mọi việc sẽ thuận lợi cho việc xét xử sắp tới, lòng tin của người dân cũng như dư luận sẽ cao hơn, tốt hơn".
Được biết con gái ông Triệu Tài Vĩnh cũng nằm trong số các thí sinh được nâng điểm thi.
Điểm đáng nói trong vụ gian lận thi ở Hà Giang chỉ duy nhất 1 phụ huynh của 107 thí sinh thuộc diện nâng điểm được cơ quan tố tụng công khai danh tính. Đó là ông Phạm Văn Khuông, khi xảy ra vụ án đang là Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang và sau đó cũng bị khởi tố trong vụ án này. Con trai của cựu Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang được nâng 13,3 điểm. Các phụ huynh còn lại chỉ được nhắc đến "đang làm việc trong các cơ quan, ban ngành sự nghiệp, đơn vị kinh doanh và làm nghề nông nghiệp, kinh doanh, lao động tự do... tại tỉnh Hà Giang và tỉnh khác".