Bộ Giáo dục nói gì khi bộ SGK “Chân trời sáng tạo” áp đảo ở TPHCM

Bộ Giáo dục nói gì khi bộ SGK “Chân trời sáng tạo” áp đảo ở TPHCM
TPO - Ngay sau khi có kết quả lựa chọn SGK tại các địa phương, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT đã có cuộc trao đổi trực tiếp với Tiền Phong liên quan đến vấn đề chọn sách tại TPHCM đang được dư luận quan tâm.

Việc bộ sách “Chân trời sáng tạo” được TP HCM lựa chọn với tỷ lệ “áp đảo” so với các bộ SGK khác gây ra xôn xao dư luận, đặc biệt là trước đó có thông tin NXB đã chi trả thù lao cho một số lãnh đạo và cán bộ của Sở GD&ĐT TP HCM để biên soạn bộ sách này. Quan điểm của Bộ GD&ĐT về vấn đề này như thế nào?

Nhìn tổng thể kết quả lựa chọn SGK của các trường Tiểu học tại TP HCM, thì SGK của cả 5 bộ đều được lựa chọn. Riêng Bộ “Chân trời sáng tạo” có tỷ lệ cao hơn.

Trong 5 bộ SGK được phê duyệt sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, bộ “Chân trời sáng tạo” là đầu tiên và duy nhất được biên soạn bởi tập thể tác giả phía Nam. Với lý do này nên các kênh hình, kênh chữ sử dụng trong SGK mang đậm đặc trưng vùng Nam bộ.

Với học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1, yếu tố ngôn ngữ và hình ảnh có tác động lớn đến hiệu quả sử dụng SGK của các em. Bộ SGK “Chân trời sáng tạo” với nét đặc trưng như thế sẽ tạo thuận lợi trong học tập cho học sinh khu vực phía Nam.

Do tất cả SGK được phê duyệt đều đảm bảo chất lượng và đồng đều chất lượng, nên khi chọn SGK, các trường sẽ ưu tiên sách gần gũi, phù hợp và tạo thuận lợi cho giáo viên, học sinh trong dạy và học. Điều này hoàn toàn dễ hiểu về chuyên môn và đây thực chất là một tiêu chí được quy định trong Thông tư lựa chọn SGK.

Việc TPHCM hay bất cứ tỉnh/thành phố nào có kết quả lựa chọn SGK ở một bộ sách nào đó cao hơn thì chúng ta cần xem xét việc chỉ đạo và thực hiện lựa chọn SGK ở địa phương đó có đúng quy định hay không, các nhà trường có dân chủ, minh bạch trong lựa chọn hay không. Nếu quy trình là đúng thì kết quả lựa chọn phải được tôn trọng.

Với vai trò giám sát của mình, Bộ nhận thấy TPHCM đã làm đúng quy trình hay chưa?

Bộ chỉ yêu cầu các địa phương gửi kết quả lựa chọn cuối cùng. Còn tất cả hồ sơ hội đồng chọn sách liên quan đều lưu tại trường. Bộ đã thực hiện theo đúng chức năng quản lý nhà nước. Về phía Bộ GD&ĐT hiện nay, có thể nói Bộ rất trân trọng kết quả lựa chọn của địa phương.

Bộ có một chút băn khoăn gì về kết quả của TPHCM?

Kết quả lựa cho sách của cả nước có thể thấy có nhiều địa phương thể hiện quan điểm rất rõ là lựa chọn một bộ sách nào đó cao hơn những bộ còn lại. Chúng ta nên nhìn nhận theo hướng đó là lựa chọn của giáo viên, không đặt câu chuyện trước đây với câu chuyện này đối với TPHCM. Kết quả hiện tại là việc làm hiện tại. Không đặt vấn đề câu chuyện xảy ra trước để suy diễn kết quả hiện tại vì có nhiều tỉnh cũng có kết quả tương tự như TPHCM.

Nhưng cũng có cần phải có một cái nhìn “khắt khe” hơn một chút với kết quả lựa chọn sách của TPHCM không, thưa ông?

Tôi nghĩ khoan hãy làm tổn thương giáo viên của TPHCM. Trước đây và hiện tại, họ đã phải chịu áp lực là tất cả các cấp chính quyền đều vào cuộc để xem xét vụ việc. Vì mọi dấu chấm hỏi đều đặt ra trước khi giáo viên được chọn sách. Hơn nữa, theo quy định của thông tư, những người có liên quan đến các quy trình của việc xuất bản SGK đều không được tham gia trực tiếp vào quá trình chọn sách.

Mặt khác, giáo viên lại thực hiện chọn sách trong bối cảnh “bị” giám sát cao hơn các địa phương khác.

Có thể nói, kết quả này là của tập thể hàng ngàn giáo viên TPHCM. Chúng ta có cơ sở để tin điều này là qua thực tế chọn sách, 46 đầu sách được bộ phê duyệt đều được lựa chọn. Thứ hai, trong 5 bộ, không có bộ nào đạt tỷ lệ lựa chọn vượt trội đặc biệt. Vậy thì nên trân trọng kết quả tâm huyết của giáo viên. Đây là kết quả của số đông giáo viên từ các trường gửi lên, không phải kết quả của sở GD&ĐT TPHCM chọn.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lập An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.