Tuy nhiên, trong bối cảnh của dịch Covid-19; Bộ GD&ĐT sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.
Theo Bộ GD&ĐT, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, một số chuyên gia giáo dục có đề xuất cắt giảm số môn thi trong Kỳ thi THPT quốc gia 2020. Trong điều kiện cụ thể của giai đoạn này, Bộ GDĐT có một số ý kiến như sau.
Thực hiện Kết luận số 51 của ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; theo đó, Kỳ thi THPT quốc gia được giữ ổn định trong giai đoạn 2017-2020; kết quả của Kỳ thi được sử dụng để: xét công nhận tốt nghiệp THPT; Đánh giá chất lượng giáo dục của các địa phương; Làm cơ sở để tuyển sinh giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.
Trên thực tế, tuyệt đại đa số các trường ĐH đều sử dụng kết quả Kỳ thi THPT QG để tuyển sinh ở các mức độ khác nhau.
Do đó, Kỳ thi THPTQG 2020 sẽ được tổ chức với phương thức ổn định như năm 2019. Tuy nhiên, trong bối cảnh của dịch Covid-19; Bộ GD&ĐT sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.
Cụ thể, Bộ sẽ nghiên cứu giảm tải chương trình để vừa đảm bảo mục tiêu giáo dục vừa phù hợp với điều kiện dạy học của các nhà trường trong điều kiện ảnh hưởng của dịch Covid-19; Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng và công bố đề thi tham khảo cho Kỳ thi THPT QG 2020 phù hợp giảm tải chương trình, làm định hướng cho các nhà trường tổ chức dạy học, ôn tập; do vậy GV và học sinh không quá lo lắng.
Bộ GD&ĐT cũng sẽ tiếp tục chủ động bám sát diễn biến của dịch Covid-19 để có các giải pháp phù hợp trong dạy học và thi theo tình hình thực tế diễn biến của dịch bệnh và theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19.
Trước đó, khi học sinh nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh chương trình khung năm học lần thứ nhất, trong đó kỳ thi THPT quốc gia được dự tính tổ chức từ ngày 23-26/7. So với năm ngoái, lịch thi này lùi 1 tháng.
Tuy nhiên, khi đa số các tỉnh, TP trên toàn quốc cho học sinh nghỉ học 2 tháng, ngày 13/3, Bộ GD&ĐT tiếp tục điều chỉnh khung chương trình năm học, lùi Kỳ thi THPT năm nay đến ngày ngày 8 đến 11/8.
Cùng với điều chỉnh lịch thi, thời gian kết thúc năm học, Bộ cũng đã yêu cầu các Sở GD&ĐT tăng cường dạy học qua internet, truyền hình. Tuy nhiên, sau đó, có nhiều ý kiến của giáo viên, nhà quản lý giáo dục cho rằng, đây chỉ là giải pháp tình thế, không đạt hiệu quả vì thế Bộ GD&ĐT nên có hướng dẫn giảm tải và ra đề minh hoạ để họ có cơ sở ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia 2020. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng, năm nay nên bỏ kỳ thi “2 trong 1” để xét tuyển làm cho học sinh lớp 12 hoang mang.