Ông Nguyễn Xuân Khang và 2 lời đề nghị gửi Bộ trưởng Nhạ, Chủ tịch Chung

Ông Nguyễn Xuân Khang
Ông Nguyễn Xuân Khang
TPO - Ngày 16/3, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), ông Nguyễn Xuân Khang đã gửi kiến nghị lên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ bỏ bớt các môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia và kiến nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội huỷ bỏ môn thi thứ 4 trong tuyển sinh lớp 10 năm nay.

Cụ thể, ông Khang cho rằng, trong bối cảnh này, lắng nghe nguyện vọng của nhiều giáo viên, học sinh và phụ huynh, ông đề nghị:

Về kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020: Kính đề nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ xem xét và quyết định chỉ thi các môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; bỏ các bài thi tổ hợp KHTN và KHXH.

Nội dung đề thi năm nay cũng cần có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Năm nay khi chưa xảy ra dịch bệnh, Bộ GD-ĐT chủ trương không công bố đề minh hoạ kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh phức tạp khiến học sinh tiếp tục phải nghỉ học như hiện nay, Bộ GD-ĐT cần cân nhắc, xây dựng và sớm ban hành đề minh hoạ các môn thi, giúp học sinh và các nhà trường có kênh tham khảo chính thức để ôn tập và yên tâm về định hướng ra đề trong năm học “đặc biệt” này. 

 Về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020-2021 của Hà Nội, ông Khang đề nghị Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung xem xét, sửa quyết định về kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020 – 2021. Theo đó, chỉ thi các môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; bỏ môn thi thứ tư, là một trong các môn Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa, GDCD (được chọn ngẫu nhiên vào cuối tháng 3).

Ông Khang cho rằng, sở dĩ ông  đề xuất giảm bớt một số môn thi trong các kỳ thi nói trên, trước hết là nhằm giảm áp lực cho giáo viên và học sinh cuối cấp, giúp người dân thêm tin tưởng, yên tâm, đồng lòng chống dịch bệnh Covid-19. Đồng thời giảm được đáng kể quy mô tổ chức các kỳ thi đó của Bộ và Thành phố.

Việc đề xuất ý kiến này là trong tình hình đặc biệt chống dịch Covid-19, “thời chiến”! Những năm sau, khi có điều kiện thuận lợi, các kỳ thi nói trên sẽ được tổ chức như những năm trước.

Trước khi đi đến 2 đề xuất nội dung trên, Hiệu trưởng Trường THCS -THPT Marie Curie (Hà Nội) viết,  đại dịch Covid-19 đến thời điểm này đã 100 ngày, Việt Nam rất thành công giai đoạn 1, các nhà trường đã chuẩn bị sẵn sàng đón học sinh trở lại trường.

Tuy nhiên, đến ngày 6/3 ở Hà Nội xuất hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên và là bệnh nhân thứ 17 của Việt Nam. Tiếp đó số bệnh nhân tăng lên từng ngày và xuất hiện thêm các nguồn lây mới. Tính đến ngày 15/3 Việt Nam có 57 bệnh nhân Covid-19, trong đó 16 người khỏi bệnh, còn 41 bệnh nhân đang được cách ly và điều trị…

Việt Nam đã bước sang giai đoạn 2 phòng, chống dịch bệnh Covid-19, phức tạp hơn và quyết liệt hơn. Trước tình hình đó, đến ngày 15/3, tất cả các địa phương đều phải tiếp tục cho học sinh từ mầm non đến THCS nghỉ học, trong đó có những nơi đã cho học sinh đi học được một thời gian cũng phải thay đổi và tiếp tục đóng cửa trường. Gần 30 tỉnh/thành phố vẫn chưa thể cho học sinh THPT đến trường, trong đó có các thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…

Bộ GD-ĐT đã hai lần điều chỉnh thời điểm kết thúc năm học và thời gian tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2020. Các trường đã phải dạy và học online hoặc qua truyền hình... Tuy nhiên, không phải địa phương, nhà trường, giáo viên, học sinh… nào cũng có đủ điều kiện để dạy và học từ xa có hiệu quả.

Cũng theo ông Khang, ngoài ra, một lý do đề ông Khang đưa ra 2 đề nghị giảm tải như trên là bởi, sau cuộc họp ngày 14/3, Văn phòng Chính phủ cũng đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong đó có nội dung liên quan đến lĩnh vực GD-ĐT: “Giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học nhưng phải bảo đảm chất lượng học tập”. Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nói “chống dịch như chống giặc, chấp nhận thiệt hại kinh tế để bảo vệ sức khoẻ nhân dân”!

MỚI - NÓNG