74% học sinh, sinh viên không biết phải làm gì với tiền

Học sinh sẽ được học giáo dục tài chính cá nhân từ phổ thông. Ảnh mang tính minh họa.
Học sinh sẽ được học giáo dục tài chính cá nhân từ phổ thông. Ảnh mang tính minh họa.
TPO - Tại hội thảo quốc tế giáo dục tài chính trong bối cảnh đẩy mạnh phổ cập tài chính ở Việt Nam do trường ĐH Kinh tế, ĐH quốc gia Hà Nội tổ chức, TS. Cấn Văn Lực Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ BIDV cho biết kết quả khảo sát học sinh, sinh viên trong độ tuổi từ 13-18 (thực hiện vào 2012-2013) cho thấy 74% không biết phải làm gì với tiền.

TS. Cấn Văn Lực cũng cho hay hệ thống tài chính Việt Nam phát triển mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu, tuy nhiên mức độ hiểu biết tài chính vẫn chưa được cải thiện tương xứng.

Theo kết quả khảo sát về mức độ hiểu biết tài chính toàn cầu (Global Finlit Survey) do S&P thực hiện năm 2015 thì chỉ 24% người trưởng thành tại Việt Nam có hiểu biết về tài chính.

Còn theo kết quả khảo sát của Ngân hàng nhà nước thực hiện năm 2015 thì có 51% người được khảo sát đã từng nghe và hiểu về các khoản vay cá nhân. Khảo sát học sinh/sinh viên trong độ tuổi từ 13-18 (thực hiện vào 2012-2013) cho thấy chỉ 17,2% biết tiết kiệm một phần tiền sinh hoạt phí của mình, 8,8% tiêu hết tiền và số còn lại không biết phải làm gì với tiền.

TS Đinh Thị Thanh Vân - Phó Chủ nhiệm Khoa, Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, Học giả chương trình Fullbright, nghiên cứu sau Tiến sỹ tại Đại học California, Berkeley, Mỹ cũng cho hay nhóm nghiên cứu đã khảo sát một số đối tượng là sinh viên và các hộ gia đình nghèo ở một số vùng nông thôn.

“Khi chúng tôi sử dụng công cụ đo lường của quốc tế để đo mức độ hiểu biết tài chính của Việt Nam so với thế giới thì người Việt Nam đang ở mức rất thấp” – TS. Đinh Thị Thanh Vân khẳng định.

Nhóm cũng đã làm nghiên cứu rất nhiều về sinh viên các trường ĐH ở Việt Nam. Trong đó có nhiều mẫu sinh viên các trường kinh tế, sau đó so sánh với sinh viên các trường khoa học kỹ thuật. Rõ ràng, sinh viên khối khoa học kỹ thuật có mức độ hiểu biết về tài chính rất thấp.

Nhóm cũng tiến hành nghiên cứu khác về mức độ hiểu biết tài chính của người Việt Nam. Có nhiều ví dụ được đưa ra. Nếu người dân hiểu biết đơn giản về tài chính thì chắc chắn sẽ không đi vay tín dụng đen... Từ thực tế này, TS. Vân cho hay, về giáo dục tài chính cá nhân, ở Việt Nam đang bắt đầu triển khai.

“Theo như tôi được biết, ở Việt Nam đang bắt đầu đưa chương trình môn học giáo dục tài chính vào môn giáo dục công dân. Dự kiến chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ đưa vào cấp tiểu học và THCS. Thời gian tới, các trường ĐH cũng bắt đầu đưa môn tài chính cá nhân là một môn học” – TS. Vân cho hay.

Tuy nhiên, bà cũng nêu thực tế, khó khăn lớn nhất hiện nay là nhận thức. Tuy các đơn vị đã có triển khai nhất định nhưng chưa có sự kết nối, đồng nhất.

Về đội ngũ giáo viên, bà Vân khẳng định nếu đào tạo được giáo viên tài chính riêng là tốt nhất. Tuy nhiên, vấn đề đó liên quan đến nguồn tài chính. Trong khi đó, giáo viên cũng phải quản lý tài chính nên chỉ cần có thêm những đào tạo nhất định là có thể giảng dạy được.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.