Mở rộng điều tra vụ án liên quan đến sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại Hòa Bình, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 giáo viên trong tổ chấm thi môn tự luận.
Cả ba bị can này đều bị khởi tố, bắt giam về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” gồm: Nguyễn Thị Thu Loan (SN 1979) - giáo viên Trường THPT Lạc Long Quân; Nguyễn Thị Hồng Chung (SN 1980) - giáo viên Trường THPT Ngô Quyền và Bùi Thanh Trà (SN 1980) - giáo viên Trường THPT Lương Sơn.
Theo cơ quan điều tra, các bị can trên đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhiệm vụ được giao trực tiếp can thiệp và chỉ đạo các giám khảo khác thực hiện chấm thi tự luận môn Ngữ văn trái Quy chế thi Trung học phổ thông Quốc gia, làm sai lệch kết quả thi của các thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại tỉnh Hòa Bình. Như vậy đến nay đã có tổng cộng 6 cán bộ, giáo viên bị khởi tố vì có hành vi nâng điểm cho các thí sinh ở Hoà Bình.
Trước đó, Cơ quan ANÐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ gian lận điểm thi kỳ thi THPT quốc gia tại Hòa Bình, chuyển hồ sơ sang Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 3 bị can: Nguyễn Quang Vinh - nguyên Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục thuộc Sở GD&ÐT tỉnh Hòa Bình; Ðỗ Mạnh Tuấn - Phó hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS-THPT huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình; Nguyễn Khắc Tuấn - chuyên viên Phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Sở GD&ÐT tỉnh Hòa Bình, cùng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo điều 356 Bộ luật Hình sự.
Thí sinh được nâng điểm đã nhập học 26 trường ÐH
Báo cáo của Bộ GD&ÐT cho biết, trong số 108 thí sinh được nâng điểm tại Sơn La, Hòa Bình có 81 thí sinh đã nhập học 26 cơ sở giáo dục ÐH trong cả nước. Trong số 108 thí sinh này có 1 thí sinh thi THPT quốc gia năm 2017 đã nhập học Học viện An ninh; 1 thí sinh không đủ điều kiện tốt nghiệp; 12 thí sinh điểm chấm thẩm định không thấp hơn điểm trúng tuyển thì trước mắt, trong quá trình điều tra, các trường đang cho tiếp tục theo học. Tuy nhiên, khi có kết luận của cơ quan điều tra, nếu em nào bị kết luận có tham gia vào quá trình gian lận thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
“Quan điểm của Bộ GD&ÐT là xử lý nghiêm khắc, xem xét cho thôi học những thí sinh có kết luận liên quan đến gian lận thi cử” - báo cáo cho hay.
Không những thế, tại báo cáo này, Bộ GD&ÐT cho biết Bộ Công an vẫn đang tiếp tục điều tra, xác minh để xử lý các tiêu cực gian lận xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Quan điểm của Bộ Công an và Bộ GD&ÐT là tuyệt đối không dung túng cho sai phạm, đảm bảo đúng các quy định của quy chế và pháp luật; Các sai phạm trong thi cử phải xử lý nghiêm, xử lý đến cùng để đảm bảo công bằng cho kỳ thi.
Tuy nhiên, việc công bố các thông tin liên quan đến quá trình điều tra như danh tính của thí sinh và các đối tượng có liên quan thuộc thẩm quyền của Bộ Công an và chỉ được công khai đầy đủ sau khi kết thúc quá trình điều tra của cơ quan An ninh điều tra.
Bộ Công an và Bộ GD&ÐT đã thống nhất sau khi có kết luận chính thức cuối cùng của cơ quan An ninh điều tra, căn cứ tình hình cụ thể, sẽ phối hợp để xử lý trên tinh thần đúng pháp luật, nghiêm minh, khách quan và không gây tác động tiêu cực làm ảnh hưởng không tốt tới đời sống xã hội.
Quan điểm của Bộ GD&ÐT phải xử lý nghiêm minh, công bằng, chính xác, không bao che và công khai, minh bạch; không chấp nhận những cán bộ, viên chức có gian lận trong thi cử được tiếp tục đứng trong hàng ngũ của ngành.
Vì vậy, Bộ GD&ÐT đề nghị các địa phương xem xét xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức trong ngành giáo dục có hành vi gian lận điểm thi cho con em mình và cương quyết đưa ra khỏi ngành giáo dục những cán bộ vi phạm.