Giáo dục tăng tốc chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
Học sinh lớp 10 học trực tuyến thông qua giải pháp VNPT E-learning trong đại dịch COVID-19.
Học sinh lớp 10 học trực tuyến thông qua giải pháp VNPT E-learning trong đại dịch COVID-19.
TP - Thay vì phải ôm giáo án và nhiều loại sổ sách như trước kia, ba năm trở lại đây, mọi hoạt động giảng dạy, quản lý học sinh của cô Lê Thu Hà, giáo viên một trường tiểu học ở Khánh Hòa chỉ gói gọn trong ứng dụng VnEdu trên máy tính hoặc điện thoại di động.

Từ khóa giáo dục được tìm kiếm nhiều nhất năm

Cô Lê Thu Hà tâm sự, lúc mới làm quen với VnEdu, cô mất vài ngày tìm hiểu, mày mò, bây giờ thành thục, thấy tiện lợi vô cùng. “Toàn bộ công việc như quản lý sĩ số, hồ sơ học tập của học sinh đến việc chuyển lớp, chuyển trường, thôi học, bảo lưu, tiếp nhận học sinh mới rồi đến giáo án, thi cử…đều được thực hiện trên VnEdu, nhanh gọn và tiện ích”.

Cô Hà kể, nhiều đồng nghiệp của cô khi bắt đầu chuyển từ sổ sách bằng giấy sang quản lý điện tử có chút bỡ ngỡ. Sau những đợt tập huấn của nhà trường, bây giờ mọi người đều thành thạo. “Thực sự công nghệ đã làm thay đổi rất nhiều cách thức quản lý trong giáo dục theo hướng thuận lợi, minh bạch cho nhà trường, giáo viên cũng như phụ huynh, học sinh”, cô Hà nói.

Với VnEdu, phụ huynh cũng dễ dàng nắm bắt được hoạt động học tập của con mình thông qua hồ sơ điện tử và sổ liên lạc điện tử. Việc học sinh nghỉ học (có phép hoặc không phép), đi muộn, trang phục chưa chỉnh tề đều được cập nhật ngay sau tiết một của buổi học. Ngoài ra, thông tin về kế hoạch học tập, lịch thi, thông báo ngày nghỉ lễ, Tết, sinh hoạt ngoại khóa, các thông báo đột xuất cũng được cập nhật ngay tới phụ huynh.

Từ sản phẩm ban đầu, đến nay VnEdu đã phát triển thành một hệ sinh thái giáo dục với hơn 20 sản phẩm, dịch vụ. Năm 2020, VnEdu lọt vào top 2 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google Việt Nam. Trong đại dịch COVID-19, VnEdu với nền tảng ứng dụng dạy và học trực tuyến VNPT E-learning đã được triển khai miễn phí cho hơn 21.000 trường học, 600.000 giáo viên, 8 triệu học sinh. Hơn 1 triệu bài giảng được tạo ra. Nhờ đó, việc dạy học không bị gián đoạn, tiết kiệm nhiều chi phí ngân sách nhà nước, đảm bảo chương trình giáo dục diễn ra như bình thường.

Một ứng dụng khác là vnEdu Enrollment - công cụ tuyển sinh đầu cấp cũng giúp phụ huynh, học sinh dễ dàng tra cứu thời gian tuyển sinh, tuyến tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, tài liệu hồ sơ cần có cũng như tạo, chỉnh sửa và nộp hồ sơ trực tuyến, nhận thông báo kết quả. Chỉ chưa đầy 2 năm, hệ thống này đã thu hút hàng nghìn trường học, cơ sở giáo dục ứng dụng triển khai.

Cùng với VnEdu, những năm qua, hàng loạt ứng dụng CNTT khác trong ngành giáo dục cũng được triển khai sâu rộng, góp phần thay đổi phương thức giảng dạy và đào tạo theo hướng tiên tiến, hiện đại hơn.

Cú huých trăm năm

Tại Hội thảo Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo diễn ra cuối năm 2020, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, năm 2018, ngành Giáo dục đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu toàn quốc về giáo dục với 53.000 trường học, 710 phòng GDĐT, gần 24 triệu học sinh và hơn 1,4 triệu giáo viên được gắn mã định danh. Thông tin của 393 trường đại học, cao đẳng với 2,5 triệu sinh viên, 120.000 giảng viên cũng được cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành.

Việc phát triển học liệu số cũng được Bộ GDĐT chú trọng triển khai. Đến nay đã có 5.000 bài giảng e-learning, 2.000 bài giảng dạy trên truyền hình, 200 đầu sách giáo khoa phổ thông, 200 thí nghiệm ảo và hơn 35.000 câu hỏi trắc nghiệm. Qua đó, thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, để đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, Bộ GDĐT sẽ chú trọng triển khai 4 vấn đề cơ bản gồm phát triển hệ thống dữ liệu toàn quốc về giáo dục điện tử; phát triển, khai thác hệ thống học liệu và môi trường học tập số; xây dựng và triển khai khung năng lực số cho học sinh phổ thông; phát triển nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Theo nhận định của các chuyên gia, ngành giáo dục đã và đang có “cú huých trăm năm” để thực hiện các mục tiêu trên. Năng lực của nhiều tập đoàn, công ty về CNTT của Việt Nam đáp ứng tốt nhu cầu chuyển đổi số của ngành giáo dục. Đại dịch COVID-19 mang đến áp lực cho hoạt động giáo dục, nhưng đồng thời cũng tạo ra động lực để chuyển đổi số trở nên mạnh mẽ hơn, giúp giáo viên, học sinh thích ứng, áp dụng phương thức dạy, học trực tuyến.

Dù vậy, các chuyên gia cho rằng, vẫn còn nhiều việc phải làm để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục. Ông Phạm Đức Long, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT, đơn vị phát triển VnEdu và nhiều ứng dụng giáo dục khác chia sẻ, chuyển đổi số trong giáo dục đóng vai trò hết sức quan trọng không chỉ với ngành giáo dục mà còn tác động lớn với đất nước cả trước mắt và lâu dài. Ông Long cho biết, dù gánh trên vai nhiều trọng trách thực hiện chuyển đổi số quốc gia song VNPT vẫn ưu tiên tập trung nguồn lực thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục. Mục tiêu cuối cùng là hướng đến kiến tạo một nền giáo dục số tại Việt Nam, giúp nhà trường, giáo viên, học sinh thay đổi phương pháp tiếp cận truyền thống sang phương pháp tiên tiến, hiện đại và mang lại hiệu quả cao.

MỚI - NÓNG