Theo dự thảo báo cáo, đến tháng 6, cả nước có 1.905 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Đoàn công tác của Quốc hội đã làm việc với một số cơ sở GDNN tại tỉnh Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Hà Nội, Đồng Nai và xem xét báo cáo của Trường CĐ Kinh tế, Kỹ thuật Cần Thơ, Trường CĐ Tây Đô.
Sinh viên lớp Máy lạnh K20, Khoa Điện, Trường CĐ nghề Vĩnh Phúc Ảnh: VPVC |
Đánh giá của Đoàn công tác cho thấy, phân luồng và chất lượng đầu vào GDNN chưa cao. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS cả nước vào học GDNN trung bình giai đoạn 2011-2015 đạt khoảng 9-10%; giai đoạn 2016 - 2020, bình quân mỗi năm có khoảng trên 196.000 học sinh tốt nghiệp THCS vào học trình độ trung cấp (TC), chiếm khoảng 16,3% tổng số học sinh tốt nghiệp mỗi năm.
Đoàn công tác đánh giá, việc tuyển sinh, phân luồng của các trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với những ngành, nghề học nặng nhọc độc hại do quy định về phân luồng hiệu quả chưa cao; nhận thức của người học, phụ huynh đối với học nghề, lập nghiệp còn hạn chế, tâm lý coi trọng bằng cấp vẫn còn nặng nề, chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng.
Trong khi đó, liên thông từ TC, Cao đẳng (CĐ) lên đại học đạt tỷ lệ rất thấp. Theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) giai đoạn 2011-2020, có trên 130.000 học sinh học liên thông từ TC lên CĐ, chiếm khoảng 10% so với tổng số học sinh tốt nghiệp THCS học TC.
Qua khảo sát cho thấy, trong những năm qua việc tổ chức đào tạo liên thông chủ yếu dành cho học sinh trình độ TC liên thông lên trình độ CĐ. Việc đào tạo liên thông từ CĐ lên đại học chưa phổ biến chủ yếu là do năng lực, trình độ văn hóa đầu vào của người học còn hạn chế và do sự công nhận, chuyển đổi kết quả đào tạo giữa các cơ sở đào tạo đại học khác nhau khi xét tuyển sinh đào tạo liên thông.
Áp dụng thông tư đã hết hiệu lực
Báo cáo cũng cho biết mô hình vừa học nghề, vừa học văn hóa THPT thực hiện trong thời gian vừa qua (chương trình đào tạo 9+) tuy có tạo sự hấp dẫn ban đầu cho học sinh nhưng trong tổ chức thực hiện vẫn còn nhiều bất cập. Trong đó có việc Bộ GD&ĐT chưa ban hành quy định về khối lượng kiến thức văn hóa THPT dành cho học sinh trong các cơ sở GDNN. Bộ GD&ĐT mới chỉ cho phép các cơ sở đào tạo tạm áp dụng theo Thông tư số 16 của Bộ quy định về chương trình khung TC chuyên nghiệp, thời lượng khoảng trên 1.000 tiết. Tuy nhiên, thông tư này đã hết hiệu lực từ năm 2019.
Từ năm học 2019 đến 2020, Bộ GD&ĐT có quyết định giao nhiệm vụ chủ trì trong quản lý đào tạo chương trình đào tạo văn hoá cho Trung tâm GDNN- GDTX (Giáo dục thường xuyên), tuy nhiên việc triển khai giảng dạy ở các cơ sở GDNN chưa có sự thống nhất.
“Nhiều cơ sở GDNN có năng lực tổ chức giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT nhưng không được chủ trì tổ chức giảng dạy mà phải liên kết với các Trung tâm GDTX gây khó khăn, bất cập cho người học về thời gian, chi phí học tập; thời gian đào tạo dành cho học sinh lớp 9 quá ngắn đối với một số ngành nghề, nên khó tổ chức chương trình tổng thể”, dự thảo báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nêu.