Giáo dục nghề nghiệp mở nhiều lợi ích, nhưng thiếu khung pháp lý

Giáo dục nghề nghiệp mở nhiều lợi ích, nhưng thiếu khung pháp lý
TPO - Sáng 3/10, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) đã tổ chức Hội thảo “Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt tạo cơ hội cho người lao động học nghề - lập nghiệp - làm bền vững”.

Thứ trưởng LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, mô hình giáo dục nghề nghiệp (GDNN) mở, linh hoạt được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia, thúc đẩy tính thích ứng của GDNN với thị trường việc làm. Mục tiêu của phát triển hệ thống GDNN mở là gỡ bỏ rào cản về pháp lý, kỹ thuật, tài chính để tạo điều kiện thuận lợi, công bằng và bình đẳng cho tất cả mọi người về cơ hội tiếp cận với các dịch vụ đào tạo nghề, bao gồm việc học nghề, khởi nghiệp, có việc làm.

“Việc đa dạng hóa các phương thức đào tạo sẽ tăng cơ hội học nghề và việc làm cho các nhóm dân số khác nhau, thúc đẩy học tập suốt đời, đặc biệt với người không có điều kiện sử dụng các cách thức đào tạo truyền thống”, ông Diệp nói.

Ở Việt Nam, theo ông Diệp, hiện GDNN mở kết hợp với công nghệ trực tuyến đang là giải pháp được thực hiện ở một số các cơ sở giáo dục. Điều này tạo ra sự thuận lợi cho việc học ở các địa điểm khác nhau. Đây cũng là xu hướng chung của các quốc gia trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa và tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: GDNN có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, đào tạo đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi từ lao động công nghệ và năng suất thấp sang công nghệ và năng suất cao.

Đồng thời, mô hình GDNN mở cũng giúp phát triển nguồn nhân lực với một tốc độ nhanh hơn, cao hơn để đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. “Đây là hình thức cần sớm triển khai rộng trong thời gian tới”, ông Lợi nói.

PGS.TS Hoàng Minh Phương, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh (Nghệ An) cho rằng, quyền tự chủ của cơ sở giáo dục là điều kiện tiên quyết của GDNN mở. Trong nền giáo dục mở, cẩn có cơ chế quản lý phù hợp, Cần tách biệt quả lý nhà nước và quản lý sự nghiệp, chuyên môn. Coi trọng quản lý đầu ra hơn quản lý đầu vào.

Dưới góc độ quản lý, bà Lê Kim Dung, Cục trưởng Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, cần hoàn thiện khung khổ pháp lý để vận hành thông suốt và đồng bộ các thị trường, phát triển các yếu tố của thị trường lao động phù hợp với điều kiện trong nước và hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, Việt Nam cần cơ sở pháp lý liên quan tới chất lượng đào tạo, thừa nhận và công nhận văn bằng, chứng chỉ và trong việc tổ chức thực hiện...

MỚI - NÓNG