Gian nan hồi sinh 4 dòng sông “chết”

Thành phố Hà Nội coi giải cứu sông ô nhiễm là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2017 - 2020. Ảnh: Hà Thành.
Thành phố Hà Nội coi giải cứu sông ô nhiễm là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2017 - 2020. Ảnh: Hà Thành.
TP - Trước tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng ở các khu dân cư có sông ô nhiễm chảy qua, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo thực hiện khẩn trương nhiều biện pháp giải cứu, đặc biệt là tách nước thải sinh hoạt đưa về nhà máy xử lý. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ không đơn giản khi vẫn còn hàng trăm cơ sở sản xuất xả trực tiếp nước thải xuống sông.

Ám ảnh những dòng sông “chết”

UBND thành phố Hà Nội vừa phê duyệt đề án cải tạo, làm sống lại 4 con sông: sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch và sông Tích. Theo đó, từ nay đến năm 2020, thành phố sẽ hoàn thành việc tách nước thải đưa về hệ thống xử lý tập trung trước khi đổ vào hồ, xử lý tất cả các hồ nội thành và các hồ gắn với di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh bị ô nhiễm. Hiện nay, cả 4 con sông này đều trong tình trạng ô nhiễm trầm trọng.

Ghi nhận về mức độ ô nhiễm tại một đoạn sông Tô Lịch chạy dọc đường Láng, mặc dù đã được kè 2 bên bờ và nằm trong trục giao thông chính, thế nhưng việc nước thải, rác vẫn được xả thẳng ra sông đã khiến nước sông ô nhiễm nặng. Mỗi khi thời tiết thay đổi như lúc mưa rồi nắng bất chợt thì mùi hôi bốc lên rất khủng khiếp.

Trong 4 dòng sông, sông Nhuệ hiện đang được đánh giá là dòng sông bị ô nhiễm nặng nhất. Bởi sông Nhuệ không chỉ là nguồn xả thải sinh hoạt mà còn là nơi tiếp nhận nước thải trực tiếp của hàng chục làng nghề cũng như cụm công nghiệp trên các địa bàn quận Hà Đông, huyện Hoài Đức, huyện Thanh Oai. 

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), tính đến tháng 10/2016, trên lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy có khoảng 1.982 nguồn thải. Trong đó có 1.662 nguồn thải là cơ sở sản xuất , kinh doanh; 39 nguồn thải là khu công nghiệp, cụm công nghiệp; 137 cơ sở y tế và 144 làng nghề. Thành phố Hà Nội là địa phương có tổng số nguồn thải cao nhất chiếm tới 60% trên toàn lưu vực. Trong khi đó số lượng nguồn thải tại các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Hòa Bình và Ninh Bình cũng có chiều hướng gia tăng.

Bao giờ sống lại các dòng sông?

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Sở TN&MT Hà Nội lý giải, nguyên nhân ô nhiễm chủ yếu do nước thải sinh hoạt của dân cư các quận/huyện ven sông và nước thải sản xuất của khu, cụm công nghiệp chưa được qua xử lý đổ vào sông. Bên cạnh đó, do không được sông Hồng bổ cập thường xuyên và sau khi tiếp nhận nước thải của sông Tô Lịch, sông Nhuệ, nguồn nước sông Nhuệ, sông Đáy càng bị ô nhiễm hơn.

Theo lãnh đạo Sở TN&MT, Hà Nội đã xử lý nghiêm khắc và tăng mức xử phạt đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Năm 2015: thanh tra, kiểm tra 1.924 đơn vị, xử lý vi phạm hành chính 602 đơn vị với tổng số tiền phạt hơn 12 tỷ đồng. Năm 2016, thanh tra, kiểm tra 2.293 đơn vị, xử lý vi phạm hành chính 578 đơn vị với tổng số tiền phạt là trên 10 tỷ đồng.

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm, Sở sẽ tập trung nguồn lực và huy động nguồn vốn trong đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật về môi trường. Trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng, vận hành các trạm, nhà máy xử lý nước thải (XLNT) quy mô lớn. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các trạm bơm tiêu và công trình đầu mối Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Yên Nghĩa (tiêu từ sông Nhuệ ra sông Đáy), Đông Mỹ (tiêu từ khu vực Thanh Trì ra sông Hồng), Cụm công trình đầu mối Liên Mạc, Trạm bơm Yên Thái, Đào Nguyên (huyện Hoài Đức) tiêu ra sông Đáy. Xây dựng, nâng cấp các trạm bơm Đan Hoài, Bá Giang lấy nguồn nước sông Hồng bổ cập cho sông Đáy, trạm bơm Cao Xuân Dương lấy nguồn nước sông Đáy để phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp cho các xã trên địa bàn huyện Thanh Oai.

Cùng với “giải cứu” sông ô nhiễm, thành phố Hà Nội đang đặt kỳ vọng dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá sau khi hoàn thành năm 2019, sẽ xử lý triệt để nguồn nước thải sinh hoạt của các quận Ba Đình, Cầu  Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông và huyện Thanh Trì, khi nhà máy có công suất 270.000 m3/ngày đêm và hệ thống thu gom, cống bao, hệ thống cống dọc bờ sông dài khoảng 52 km. Nếu nguồn nước thải được xử lý tốt như tính toán, cũng sẽ góp phần làm “sống lại” các con sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ.

Đại diện Sở TN&MT Hà Nội nhận định, khi các dự án đi vào hoạt động,  với kỳ vọng làm “sống” lại các dòng sông sẽ góp phần tích cực giảm thiểu ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy và nâng cao chất lượng đời sống của người dân, đặc biệt là các khu vực quận, huyện có dòng chảy chính của sông Nhuệ, sông Đáy và sông Tô Lịch chảy qua.

Nhận định về tình trạng ô nhiễm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, môi trường Hà Nội đang cấp bách và đáng báo động, thách thức môi trường với người dân rất lớn. Ông cho biết, hiện thành phố có 50 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, Thành ủy cũng đã thông qua đề án cải tạo ô nhiễm làng nghề, chủ yếu bằng nguồn vốn xã hội hóa. Lãnh đạo Thành ủy cho hay, thành phố đã kêu gọi vốn xã hội hóa nhưng mới chỉ đạt 22% tỷ lệ nước thải được xử lý. Theo ông Hải, với mong muốn làm sống lại các dòng sông của Hà Nội thì lượng vốn đầu tư hết sức lớn. Nếu không kiên quyết, có trách nhiệm thì sẽ không làm được.

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.