Giamaham (Chuyện bên lề Hội nghị Nhà văn cao niên)

0:00 / 0:00
0:00
TP - Một thành viên trong Ban Tổ chức nhớn nhác hướng cái nhìn xoáy vô đám đông. Tôi được vẫy ra kiêm chất giọng khao khao ô may quá anh ở cùng phòng với cụ này.

Cụ này tức là nhà văn Nguyên Tâm chứ chẳng phải cái tên trong một danh sách ghi là Nguyễn Tâm. Người manh mảnh. Dáng lừ đừ… Mãi bây giờ tôi mới biết cụ.

Trên đường thang máy nửa dìu nửa dắt cụ lên tầng 6 biết thêm cụ tuổi 84. Cụ vào hội năm 1986, chuyên ngành văn học dịch. Trước đấy chút, cụ đoạt Giải Hội nhà văn cuốn dịch Jenny Gechac.

Giamaham (Chuyện bên lề Hội nghị Nhà văn cao niên) ảnh 1

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với các đại biểu tại hội nghị.

Phòng nhõn một cái giường. Tôi hỏi cụ thích nằm ở phía nào? Cụ cười phía nào cũng được!

Dream Dragon Hotel 5 sao còn có tên gọi là Đồi Rồng mà doanh nhân Vũ Văn Tiền hào phóng bao ăn ở cho Hội Nhà văn suốt thời gian diễn ra Hội nghị Nhà văn lão thành. Theo thiển ý của người viết bài này nên kêu bằng Hội nghị Nhà văn cao niên nghe nó hợp nhẽ hơn chăng?).

Tiếp chuyện cụ mà tâm trí tôi đương nhoáng nhoàng với ý nghĩ. Đầu tiên là nhớ tới câu nói của một danh nhân đại ý, tôi sẵn sàng làm một nhà dân chủ nhưng chưa bao giờ quen được với ý nghĩ phải qua đêm chung phòng với một ai đó! Rồi nữa, đêm nay mới thực là đêm. Và trước khi mơ (dream) thấy Rồng rắn (Dragon) thì ai sẽ ngáy trước để tránh cho nhau thứ âm thanh ngáy nghiếc phiền toái đây?

Tôi phải cái tật khó ngủ anh ạ… Nhà dịch giả, chất giọng khẽ khàng như động thái đưa cho người chung phòng cuốn thơ “Những bức chân dung biết nói”. Nhưng sao tác giả tập thơ này lại ghi lời đề tặng nhà thơ Nguyễn Phan Hách? Mà từ năm 2014 thế này? Nhà văn Nguyễn Phan Hách mất đã lâu rồi kia mà? Cụ dịch giả cười móm mém: “Tôi không nhầm đâu. Còn mỗi cuốn này. Chưa kịp tặng thì anh ấy đã mất!”.

Giamaham (Chuyện bên lề Hội nghị Nhà văn cao niên) ảnh 2

Đại biểu Hội nghị nhà văn lão thành

Những ngón tay run run tuổi tác mồi thêm một điếu thuốc Thăng Long. Còn kéo được thứ này, phổi phèo hẳn còn khá? Tôi thầm nghĩ. Khó ngủ? Mà cái thói lục sục laptop cùng điện thoại của mình chắc sẽ lại quấy phiền thêm ông lão đây?

Nhưng nào hề chi? Cái ông già dáng nhỏ thó như bẹt dét phía góc giường đằng đông kia cứ như đương xoắn bện bao thứ hấp dẫn trong câu chuyện làm quen hồi nãy. Một quá vãng bi thương hồi cải cách ruộng đất gia đình cụ bị đấu tố tơi tả. Từng là thày giáo tiếng Anh có cỡ ở Đại học Ngoại giao, như cụ bộc bạch là từng đào tạo nhiều nhà ngoại giao có tiếng (miễn biên ra ở đây bởi có người hiện mất chức hoặc đã vào tù). Đại loại thế. Có mà ối chuyện để cùng qua đêm.

Tầm 11 giờ. Đang hí húi với cái laptop thì tiếng chuông điện thoại phòng réo như sét. Tôi ngó sang thì thấy nhà dịch giả nằm thẳng đơ mà mắt vẫn chưa nhắm chẳng thấy có triệu chứng ngủ nghê gì! Cụ bật dậy nhanh hơn mình tưởng. Tôi cầm đỡ cụ chiếc điện thoại. Đầu dây bên kia là giọng một ông trong BTC thông báo đại khái 15 phút nữa sẽ có người lên chuyển cụ (hoặc tôi) sang phòng bên cạnh!

Tôi chưa vội nói lại với cụ nội dung cú điện thoại.

Hóa ra hồi chặp tối ăn cơm, tôi có ngỏ với nhà thơ người đẹp Dương Dương Hảo, Chánh văn phòng Hội Nhà văn, nếu nhà có điều kiện thì nên bố trí cho cụ Nguyên Tâm một phòng. Để người cao tuổi lại vướng chứng mất ngủ như vậy chung phòng không tiện lắm.

Tiện mồm mà tấu trình vậy thôi chứ tôi chẳng mấy hy vọng.

Nhưng may quá, lời kêu xin đã thấu.

…Thẳng cẳng trên chiếc giường phòng mới vừa chuyển đến, tôi nghĩ thêm về cái khó của BTC.

Đã đành sự hằng tâm hằng sản của doanh nhân Vũ Văn Tiền nhường hẳn khách sạn 5 sao này ở Đồ Sơn cho các đại biểu dự Hội nghị. Nhưng việc sắp xếp sự ăn, sự ở rồi hội họp cho gần 200 cụ già trên 70 tuổi, đa phần không tật nọ thì bệnh kia, nhiều người phải có thêm người đi kèm, khắp Trung Nam Bắc về đây đâu phải chuyện nhẹ nhàng gì? Cứ suy từ mình. Mới quá 70 mà cơ thể đã những hà hổng, u mấu này khác… Bữa ăn tối kiểu búp phê, giăng giăng có đến hàng chục món thịt thà, hải sản nhưng để ý vị trí các cụ quây tụ có một lúc phải xếp hàng là cái chỗ để ngô và khoai lang luộc. Dám chắc cái sự nhẹ bụng cùng nhuận tràng các cụ nhà văn cao niên coi trọng như thế nào?

Nghe đâu danh sách mời 250 cụ, nhưng 80 cụ vắng mặt do sức khỏe, do ở xa, do vướng bận này khác.

Có hai cụ được coi là cao niên nhất, sinh năm 1936 (87 tuổi) là cụ Trần Nguyên Vấn (trước làm ở Đài tiếng nói VN còn có tên là Trần Phương Trà) và cụ nhà văn viết về nông thôn rất được chuộng là Nguyễn Hữu Nhàn ở Phú Thọ. Các cụ xếp sau sinh năm 1937 là Phong Lê, Hoàng Quốc Hải… BTC cũng nhiệt thành bố trí thêm cho chỗ lưu trú hợp lý thuận tiện cho nhà văn Ngọc Bái (phải dùng xe lăn kèm thêm đôi nạng, vợ đi theo trợ giúp). Cái năm Tổng Biên tập Lê Xuân Sơn và tôi rời Hội Đại xòe Nghĩa Lộ và Hội dù lượn Mù Cang Chải xuôi Yên Bái, trên xe có ông Chủ tịch Hội Nhà văn Yên Bái, Ngọc Bái. Ghé nhà riêng Ngọc Bái, được ông tặng nhiều sách riêng trong đó có Ngang trời mây đo viết về vùng quê Thổ Tang và nhà yêu nước Nguyễn Thái Học. Ngọc Bái năm đó lanh lẹ sung sức. Nay về Hội nghị phải ngồi xe lăn kèm đôi nạng. Lại thêm bà vợ tháp tùng.

Năm xa cái con bé Mây tong teo ở Khu tập thể Chùa Ngòi Hà Đông nay chững chạc tươi tắn trong chức phận của một viên chức Bộ Ngoại giao. Cô con gái của nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn đấy. Mây kèm bố Sơn yếu mệt suốt thời gian dự Hội nghị.

Nhà thơ Thanh Thảo đống bệnh trong người. Lại liêu xiêu thêm vì người vợ thuở tao khang mới về cõi ít tháng. Nhưng cụ thi sĩ vẫn từ Quảng Ngãi đến được với Hội nghị vì nhờ cây gậy chống là anh con trai chịu khó tháp tùng cha!

Hồi chiều, thoáng thấy hai cụ dáng điệu ngập ngừng và chút rụt rè nữa trình bày với BTC là các cụ không nằm được… máy lạnh! Chẳng hay giờ này đã giải quyết ra sao?

Về đây, tôi nghe được thành ngữ thời @, Giamaham và Giamahao.

Giamaham Già mà ham. Già mà ham công tiếc việc! Là cái lão Trần Nhương kia, tuổi tác chỉ lui so với cỡ gộc Trần Nguyên Vấn vài niên. Vậy mà với những sải bước như một trung niên, lão đang nhẹ lướt giữa các hàng ghế, khư khư chiếc điện thoại đời mới trong tay. Lão đang mải mốt ghi hình. Đang truyền hình trực tiếp. Ống kính lão, khi thì cảnh rộng, cảnh hẹp, góc nhớn, góc bé. Rồi chăm chú zoom vào những gương mặt đại biểu.

Không chỉ có quay và zoom! Hình phải có tiếng. Lão còn vanh vách tóm tắt nhanh gọn với ngôn ngữ sắc lẻm của từng chân dung. Như cái chất cái thần thái bầu lên hơn ngàn bức chân dung các nhà văn mà lão thể hiện trong 2 tập sách ký họa! Tôi để ý đám truyền hình có lúc cự cãi rằng cái giọng lão tường thuật volum hơi bị lớn ảnh hưởng tới chất lượng ghi hình của họ. Mặc! Lão cứ hồn nhiên thực thi phận sự. Mà chả phải ở Hội nghị này. Vô số những hội họp, sự kiện này khác của Hội Nhà văn, lão đều đặn mẫn cán thực thi chức phận truyền thông không công như thế? Tôi không rõ lão tiêu pha cái quỹ thời gian ở tuổi tám mấy như nào mà để trang trải để chi dùng cho gần chục đầu sách, năm cuộc triển lãm tranh, hàng ngàn ký họa chỉ trong thời gian mấy năm gần đây? Lại còn đều đặn nhật dụng nuôi “Phây”. Chưa hết. Lại còn chơi thêm hai website nữa.

Giamaham rồi. Lại còn thêm Giamahao nữa.

Hao chẳng phải là hao gầy thân xác già! Đã đành hao sút vì tật bệnh, vì tuổi tác và vô số thứ khác. Hao đây là đọc chệch đi từ háo! Háo có thể là háo của ngọt mà cái chứng tiểu đường đa số già đều mắc, con cháu và cánh thày thuốc răn, khuyên tuyệt đối kiêng! Đường hoa quả cả cơm nữa. Nhưng ngồi lâu với cánh già, thi thoảng lại phát lộ những chuyện đại loại, không ít cụ đã mang nghiệp viết vào thân bỗng chốc như ma xui quỷ khiến vướng phải chứng bồ bịch gái gú. Dẫn đến gia cảnh đương yên ấm bỗng xộc xệch tan nát.

Và chuyện háo danh, cái chứng người viết hay mắc! Ngồi chuyện với các cụ thoáng 2 câu các cụ dẫn ra nó mới chí lý làm sao. Ấy là của Nguyễn Khuyến “Bác già, tôi cũng già rồi/ Có thôi thôi thế thì thơ mới là” và câu của cổ nhân “Tri túc tâm thường lạc/ Vô cầu phẩm tự cao”. Chuyện cũ, chuyện mới các cụ dẫn ra trường hợp ông nhà thơ nổi tiếng ở Huế hồi chống Mỹ. Đã nổi ông lại muốn nổi hơn. Mặc dù không tham gia Mậu Thân nhưng ông cứ khơi khơi trong một bộ phim Truyền hình quốc tế rằng ông trực tiếp Mậu Thân Huế thế này thế nọ. Quả nhiên sau một hồi nổi danh, một nghi án xuất hiện. Ông không làm sao mà thanh minh cho cái án oan dư luận cột vào cổ mình. Và thế là thân bại danh liệt!

Hành trang mang đến đây có không ít cụ tay bị tay nải trong chình chịch lèn chật những sách. Thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn… Để tặng bạn bè. Và cả tí ti khoe ngầm nữa. Rằng tuổi tác như này đâu có chịu kém thua, tụt hậu?

Bận tíu tít việc tặng sách, cho địa chỉ, điện thoại thế mà các lão soi kỹ phết cái nội dung chương trình Hội nghị. Đến tiết mục tôn vinh ba nhà văn Ma Văn Kháng, Nguyễn Khoa Điềm và Hữu Thỉnh. Nhiều cụ gật gù khi nghe nhà văn Nguyễn Bình Phương thay mặt BTC xướng lên cụm từ “Có mặt trong hội trường hôm nay, ai cũng xứng đáng được tôn vinh nhưng Hội nghị xin phép tôn vinh 3 người…”. Một cụ giọng hơi bị vang “Phải vậy các cụ ạ! Chứ cái năm nào tổ chức hẳn một Hội nghị có tên là các nhà văn tiêu biểu nghe hơi chuế và nhạy cảm thế nào! Hội nghị nhà văn tiêu biểu? Điển hình tiên tiến ngành viết văn chăng?”.

Chao ôi! Những lỉnh kỉnh cùng nhiêu khê cái dân chữ nghĩa, viết lách! Có vài khoảng trống tôi phải tình nguyện làm cái vai “chỉ điểm” để một số cụ cứ nhiệt thành tới mức lẵng nhẵng đeo bám đòi tìm gặp nhà văn Nguyễn Ngọc Tư (khách mời đặc biệt của Hội nghị). Thì ra các cụ đã đọc kha khá nhà văn nữ miệt vườn phương Nam ấy rất muốn biết mặt cùng được chuyện trò với chị. Chưa nói đến sức nặng giá trị của con chữ của tác phẩm, mà cái tình, cái nghĩa chữ cũng có sức lây lan khiếp thật!

MỚI - NÓNG