Giám sát biến chủng mới đậu mùa khỉ

TP - Ngày 18/8, thông tin từ Viện Pasteur TPHCM cho biết, tại khu vực phía Nam đã ghi nhận gần 200 người mắc bệnh đậu mùa khỉ (Mpox), trong đó có 8 trường hợp tử vong.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố bệnh Mpox là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu bởi sự gia tăng nhanh chóng của bệnh này tại nhiều quốc gia châu Phi do biến chủng mới clade Ib.

gần 200 người mắc, 8 người tử vong

Theo thông tin từ Viện Pasteur TPHCM, trong 2 năm 2023-2024 tại các tỉnh thành phía Nam đã ghi nhận 199 ca bệnh Mpox, trong đó có 8 ca tử vong. TPHCM là địa phương ghi nhận số ca mắc nhiều nhất với 156 trường hợp và tử vong 6 ca. Tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, TPHCM đã phát hiện 49 ca.

Kết quả thống kê của Sở Y tế TPHCM chỉ ra, đặc điểm dịch tễ của các ca bệnh 100% là nam giới. Bệnh nhân có độ tuổi trung bình là 32 tuổi (nhỏ nhất là 18 tuổi và lớn nhất là 53 tuổi). Độ tuổi ghi nhận nhiều nhất là 30 - 39 tuổi (46%), 84% ca bệnh tự nhận bản thân thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Có 55% là người sống chung với HIV và 7% đang điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV.

Giám sát biến chủng mới đậu mùa khỉ ảnh 1

Ngành y tế TPHCM đang chủ động giám sát, phát hiện biến chủng mới của bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: Vân Sơn

Theo BS Huỳnh Thị Thúy Hoa, Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, đậu mùa khỉ không phải bệnh mới, trong lịch sử, bệnh được ghi nhận lần đầu vào năm 1958, từ đó đến nay bệnh đã xuất hiện ở 78 quốc gia. Đây là bệnh do vi rút gây ra, lây từ động vật hoang dã là loài khỉ sang người và lây từ người sang người. Hầu hết bệnh có thể tự khỏi trong vòng 2 đến 4 tuần. Tuy nhiên, ở nhóm người có cơ địa bị suy giảm miễn dịch, trẻ em, nguy cơ biến chứng tử vong có tỷ lệ từ 1 đến 10%. Biến chứng thường gặp là viêm phổi, nhiễm trùng máu, tạo ổ áp xe, viêm não…

Theo các chuyên gia, một lý do có thể khiến bệnh được phát hiện nhiều hơn ở nhóm đàn ông quan hệ tình dục đồng giới là do những người này xét nghiệm và kiểm tra sức khỏe thường xuyên, dẫn đến sự cảnh giác và tỷ lệ phát hiện mắc bệnh cao hơn.

Phân tích của BS Thúy Hoa chỉ ra, Mpox lây từ người sang người qua tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc trực tiếp, mẹ truyền cho con, lây truyền qua quan hệ tình dục không thực hiện các biện pháp an toàn. Người mắc Mpox có 3 triệu chứng nổi bật gồm: sốt, nổi hạch to và đau, phát ban dạng bóng nước ở mặt, tay chân, vùng sinh dục. Thế giới đã dùng vắc xin đậu mùa để tạo miễn dịch bảo vệ trước bệnh Mpox, các vắc xin mới và thuốc chống vi rút đang được nghiên cứu.

Về tình hình bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới, ngày 14/8 WHO tuyên bố Mpox là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu do sự gia tăng nhanh chóng của bệnh này tại nhiều quốc gia châu Phi bởi một biến chủng mới tên là clade Ib. Bệnh đang bùng phát dữ dội tại Cộng hòa Dân chủ Congo, lan rộng qua nhiều quốc gia châu Phi lân cận. Hơn 15.600 ca mắc bệnh Mpox và 537 ca tử vong đã được phát hiện tại Congo từ đầu năm đến nay.

Ngành y tế TPHCM đang chủ động kiểm soát Mpox thông qua các hoạt động giám sát tại cửa khẩu và cộng đồng. Sở Y tế TPHCM cho biết, trên địa bàn chưa ghi nhận thay đổi về dịch tễ học của bệnh. Dòng vi rút gây bệnh hiện vẫn là clade IIb, là dòng gây dịch cho các nước trên thế giới, chưa phát hiện clade Ib. Ngành y tế tiếp tục duy trì các hoạt động phòng chống dịch bệnh, thực hiện giải trình tự gen các mẫu bệnh phẩm để giám sát sự biến đổi của vi rút gây bệnh.

Lây chủ yếu trong nhóm nam quan hệ đồng giới, lưỡng tính

Theo nhận định của Sở Y tế TPHCM, Mpox trên địa bàn vẫn lây chủ yếu trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới hoặc lưỡng tính, qua hành vi quan hệ tình dục không an toàn. Sở Y tế khuyến cáo người dân nếu phát hiện bản thân hoặc người xung quanh có triệu chứng nghi ngờ mắc Mpox cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị đúng.

Người bị bệnh cần tuân thủ nghiêm túc các hướng dẫn của nhân viên y tế trong chăm sóc điều trị cho bản thân, giảm thiểu biến chứng cũng như thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng lây nhiễm. Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là thực hành quan hệ tình dục an toàn.

Ai có nguy cơ mắc?

Mới đây, WHO đưa ra mức cảnh báo cao nhất về bệnh đậu mùa khỉ sau đợt bùng phát ở Cộng hòa Dân chủ Congo lan sang các nước láng giềng.

Trước đó, vào giữa năm 2022, hàng nghìn trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đã lưu hành trên khắp thế giới, bao gồm Singapore, khiến WHO phải đưa ra tuyên bố tương tự.

Theo WHO, virus đậu mùa khỉ lây truyền từ người sang người qua các giọt hô hấp lớn hoặc dịch cơ thể, đặc biệt là qua vết phát ban và vết loét, cũng như qua tiếp xúc thân mật bao gồm ôm, hôn, quan hệ tình dục. Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Leong Hoe Nam, công tác tại Bệnh viện Mount Elizabeth Novena, cho biết khả năng mắc bệnh đậu mùa khỉ là “cực kỳ thấp”.

“Sự lây truyền của virus đậu mùa khỉ thường xảy ra khi có tiếp xúc da kề da với người có thể đã bị nhiễm bệnh, bao gồm cả quan hệ tình dục”, bác sĩ Leong Hoe Nam chia sẻ. Theo các chuyên gia, tương tác thông thường hoặc tạm thời như chia sẻ không gian văn phòng hoặc cùng dùng bữa là những hoạt động có nguy cơ thấp và không có khả năng lây nhiễm đậu mùa khỉ. Giống như nhiều bệnh truyền nhiễm khác, những người lớn tuổi hoặc trẻ em, người bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, đặc biệt, tỷ lệ mắc đậu mùa khỉ trong đợt bùng phát hiện nay dường như cao hơn ở những nhóm đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới.

MỚI - NÓNG