Giảm 36.385 tỷ đồng so với đề xuất cũ
Cuối tháng 12/2023, Hội đồng thẩm định nhà nước đã họp thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2025 - 2035. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) - cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định nhà nước - đã thông báo kết luận cuộc họp.
Các cơ quan, thành viên hội đồng thống nhất về sự cần thiết đầu tư của chương trình. Tuy nhiên, còn một số nội dung cần hoàn thiện thêm.
Tên chương trình đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đề xuất điều chỉnh so với hồ sơ ban đầu. Các thành viên hội đồng cơ bản thống nhất với tên gọi chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2025 - 2035. Trước đó, tên đề xuất là chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025 - 2035.
Tổng vốn thực hiện chương trình sau giải trình là 313.615 tỷ đồng, thấp hơn 36.385 tỷ đồng so với đề xuất ban đầu. |
Tổng vốn thực hiện chương trình sau giải trình là 313.615 tỷ đồng, thấp hơn 36.385 tỷ đồng so với đề xuất ban đầu (350.000 tỷ đồng). Phần vốn giảm chủ yếu trong giai đoạn 2026 - 2030, giảm 35.885 tỷ đồng xuống 144.115 tỷ đồng. Vốn ngân sách trung ương bố trí tối thiểu khoảng 86.939 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển 60.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 26.935 tỷ đồng.
Về vấn đề này, kết luận của Hội đồng thẩm định nhà nước cho rằng, nhu cầu vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2026 - 2030 60.000 tỷ đồng là quá cao. Con số này gấp 5 lần tổng số của toàn ngành văn hóa giai đoạn 2021 - 2025 và bằng 60% tổng vốn đầu tư phát triển cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025).
Theo đó, Bộ KH&ĐT đề nghị tiếp tục rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên, có thể giảm bớt số lượng, mức độ của chỉ tiêu chi tiết, nhiệm vụ cụ thể, hoạt động chi tiết trong từng nhóm nội dung thành phần trên cơ sở lựa chọn từng phần của những vấn đề bức xúc, cấp bách nhất, ưu tiên nhất cần phải giải quyết ngay giai đoạn 2026 - 2030 (với dự kiến nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện chương trình cho giai đoạn 5 năm khoảng 30.000 - 50.000 tỷ đồng).
Trên cơ sở kết quả thực hiện, sau khi được tổng kết, đánh giá, mới có đủ căn cứ để đề xuất nguồn lực thực hiện cho giai đoạn 2031 - 2035 tiếp theo.
Tổng vốn thực hiện chương trình cũng cần phải giải trình, làm rõ cơ sở xác định nhu cầu các nguồn vốn khác. Trong đó, đặc biệt lưu ý xem xét đánh giá khả năng của nguồn lực trong giai đoạn thực hiện, liên hệ thực tiễn các chương trình mục tiêu quốc gia khác.
Cân nhắc đầu tư trung tâm văn hóa tại nước ngoài
Về phạm vi, đối tượng chương trình, Bộ VH,TT&DL cần cân nhắc kỹ việc đầu tư một số trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, lưu ý đến quá trình khai thác, vận hành sau này để phát huy hiệu quả đầu tư; không nên sử dụng ngân sách để đầu tư các trung tâm này mà nên xây dựng cơ chế, chính sách để xã hội hóa đầu tư để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư.
Về quy mô, theo Bộ KH&ĐT, cần rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên các hạng mục đầu tư cho phù hợp với nguồn lực, trong đó lưu ý tập trung cho các công trình trọng điểm của ngành văn hóa (các thiết chế văn hóa thực sự cần thiết; đầu tư cho bảo tồn, tôn tạo vùng lõi của các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia).
Cũng theo kết luận, mục tiêu của chương trình khá rộng, mang tính bao trùm, yêu cầu nguồn lực lớn. Do đó Bộ VH,TT&DL được đề nghị rà soát, làm rõ mục tiêu, những nhiệm vụ cần đạt được, đảm bảo tính khả thi trong thực hiện, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực.
Bộ VH,TT&DL cũng cần bổ sung thuyết minh giải trình rõ lý do giữ nguyên thiết kế 10 nội dung thành phần và tiếp tục giải trình ý kiến các thành viên hội đồng liên quan đến các nội dung/dự án thành phần tại báo cáo; tập trung đầu tư cho con người làm văn hóa và hỗ trợ người hưởng thụ văn hóa.
Về giải pháp tổ chức thực hiện, hội đồng thẩm định đề xuất sớm nghiên cứu cơ chế, chính sách; đẩy mạnh xã hội hóa, xây dựng cơ chế để thực hiện theo hình thức đối tác công tư; phân cấp, phân quyền trong đầu tư. Để giải quyết vấn đề nhân lực, nên xây dựng đề án đào tạo nhân tài trong ngành văn hóa (ở cấp quốc tế), có thể hỗ trợ cho đi đào tạo ở nước ngoài, thu hút đào tạo nhân tài.