Giải trí thời 4.0

Công Trí đưa thời trang Việt đến gần hơn với thế giới
Công Trí đưa thời trang Việt đến gần hơn với thế giới
TP - Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 góp phần thay đổi nhiều khía cạnh trong lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật trên toàn thế giới. Thách thức đặt ra cho những cá nhân và đơn vị làm nghệ thuật tại Việt Nam lúc này chính là việc đón đầu xu thế và chuyển mình kịp lúc. 

Giải trí toàn cầu thay đổi

Khi công nghệ ngày càng được ứng dụng rộng rãi, chúng thay đổi mọi khía cạnh đời sống con người, kể cả việc giải trí và tiêu khiển. Có thể dễ dàng nhận thấy điều đó thông qua việc nhìn vào mạng xã hội video lớn nhất thế giới - YouTube. Những người xem việc sáng tạo nội dung trên YouTube như một công việc chính thức, có độ nổi tiếng không thua gì bất kì nghệ sĩ nào. Họ có những đế chế giải trí hùng mạnh với hàng triệu người hâm mộ.

Cuộc cách mạng 4.0 còn khai sinh ra một hình thức giải trí mới là Streaming (truyền phát âm thanh hình ảnh gần như ngay lập tức), với những đại diện tiêu biểu nhất là Netflix và Spotify. Điểm đặc biệt của cả hai nền tảng này chính là việc sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) để phục vụ và chăm sóc nhu cầu cho từng khách hàng (người dùng). Những điều không tưởng, như việc người xem có thể chọn cái kết cho phim dựa theo mong muốn, đã thật sự xảy ra. Đó là cách mà các tác phẩm truyền hình như Birdbox hay Black Mirror đang được trình chiếu, là cách công nghệ đang thay đổi trải nghiệm xem phim truyền thống.

Công nghệ và sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội còn khai sinh ra một thứ gọi là “văn hóa meme” như một hình thức tiêu khiển mới. Đó là những hình chế, những câu chuyện hài hước được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Mạng xã hội cũng là thước đo độ phổ biến của một sản phẩm. Khán giả không chỉ xem thụ động mà còn có sáng tạo những tác phẩm phái sinh từ sản phẩm gốc như dance cover, nhạc chế, clip chế parody và nhiều hình thức giải trí khác nữa.

Thêm một điểm cộng khác từ công nghệ đó là giúp giao diện của những tác phẩm giải trí ngày càng hoàn mỹ hơn. Điều này được thể hiện qua phần đồ họa xuất chúng của phim điện ảnh Frozen II hay màn trình diễn đáng nhớ của Lady Gaga cùng 300 chiếc Drone (phương tiện bay không người lái) tại show âm nhạc giữa giờ của giải thể thao Super Bowl 2017 (tại Mỹ). 

Biến đổi để thích nghi

Nhìn vào những gì đang diễn ra, có thể công tâm nhận xét rằng người làm nghệ thuật tại Việt Nam rất có ý thức hội nhập và ứng dụng công nghệ vào sự nghiệp.

Trong âm nhạc, việc tận dụng lợi thế bùng nổ của Youtube để cho ra đời những sản phẩm MV chất lượng cao về hình ảnh và nội dung. Ca sĩ Việt đầu tư tài chính rất mạnh tay cho các sản phẩm nghệ thuật của mình, tiêu biểu nhất là MV (clip ca nhạc). Họ chi tiền cho biên kịch viết những kịch bản MV ăn khách, chứ không đơn thuần là quay ước lệ. Minh chứng gần nhất có thể kể đến việc ê-kíp ca sĩ Tóc Tiên mạnh tay chi tiền tỷ cho MV Ngày tận thế với phần dựng kĩ xảo VFX hoàn hảo. Hay Sơn Tùng thuê hẳn 100% ê-kíp nước ngoài để thực hiện MV cho mình tại Mỹ. Hay việc ca sĩ Trúc Nhân mang cả ê-kíp sang Thái Lan chỉ để quay vài phân đoạn trong MV “Sáng mắt chưa”, thuê đoàn vũ công nổi tiếng từ cuộc thi Thailand Got Talent. Chuỗi MV mới nhất của ca sĩ Nguyễn Trần Trung Quân còn nhận được sự yêu mến của nhiều người hâm mộ tại các nước châu Á khác như Hàn, Nhật, Trung Quốc.

Cách thức quảng bá của nghệ sĩ cũng có nhiều thay đổi. Không chỉ sử dụng các bài PR trên báo mà còn tận dụng các hình thức như meme, Tik Tok, livestream, công chiếu để thu hút tối đa sự quan tâm của công chúng. Điều này giúp sản phẩm có đời sống dài hơn và tiến tới một mục tiêu quan trọng đó chính là lan truyền (viral) được sản phẩm mạnh mẽ hơn. Hội nhập còn thể hiện qua sự ra mắt thức thời của MV Ghen Cô Vy (Erik - Min) được thế giới hưởng ứng hay vũ điệu rửa tay nổi tiếng của Quang Đăng trên mạng xã hội video Tik Tok.

Trong lĩnh vực điện ảnh, công nghệ thể hiện vai trò không nhỏ. Mắt Biếc là bộ phim điện ảnh đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng AI để làm nét gương mặt của nhân vật. Ngoài ra, rất nhiều bộ phim điện ảnh khác được quay bằng drone, dựng cảnh VFX như thật như Tháng năm rực rỡ (dựng lại quảng trường Đà Lạt xưa). Đồng thời, làn sóng hội nhập xu hướng thế giới còn khuyến khích các nhà làm phim độc lập (indie) tại Việt Nam có thêm động lực. Những tác phẩm độc lập như Nhắm mắt thấy mùa hè, Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi,… được khán giả đón nhận là các minh chứng rõ nét nhất. Một bước tiến dài đáng ghi nhận trong làng phim Việt năm qua phải kể đến việc nắm bắt được xu hướng và phát hành phim trên nền tảng xem phim thuê Netflix. Đình đám nhất hẳn phải kể đến Hai Phượng của Ngô Thanh Vân với chi phí phát hành lên hàng triệu đô. Sau đó các phim khác cũng có trên Netflix như Trạng Quỳnh, Em chưa 18,…

Các sự kiện văn hóa cũng cho thấy sự hội nhập và ứng dụng công nghệ trong nghệ thuật. Phương My và Công Trí mang bộ sưu tập đến New York (được livestream trực tiếp) cho thấy tư duy và tầm nhìn hướng ra thế giới của các nhà thiết kế Việt. Trước đó, các triển lãm với những chủ đề đương đại và ứng dụng QR code, AR để tăng độ tương tác cho người xem như “Cục im lặng”, “Vẽ cùng Hát Bội”, “Loài Plastic” cũng nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả trong và ngoài nước.

Người làm nghệ thuật tại Việt Nam đã có nhiều cố gắng để nâng cao chất lượng sản phẩm trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn những điều cần phải hoàn thiện nếu như thật sự muốn hòa nhập với quốc tế và “lướt” được trên cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Một trong số đó là hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng đủ tiêu chuẩn quốc tế. Chẳng hạn, tại TPHCM hay Hà Nội hiện vẫn chưa có một sân khấu trong nhà nào đủ chỗ và hiện đại để các sao quốc tế hay cả sao Việt tổ chức những buổi diễn đúng tầm. Chỉ khi củng cố được nội lực thì nền giải trí trong nước mới có cơ hội tiến xa hơn đến tầm khu vực và thế giới. 

Giải trí thời 4.0 ảnh 1 TPHCM là 1 trong những điểm đến tại Đông Nam Á trong tua diễn của nhóm nhạc Hàn Quốc Winner

Các ban ngành, đoàn thể còn thể hiện tư duy cấp tiến, hội nhập thông qua việc cho phép tổ chức các Lễ hội văn hóa âm nhạc mang tầm vóc quốc tế lớn. Vào cuối 2019, sự kiện Lễ hội âm nhạc quốc tế HoZO với sự tham gia của nghệ sĩ các nước Pháp, Nga, Bỉ, Nhật, Hàn Quốc tại phố đi bộ Nguyễn Huệ thu hút hàng trăm nghìn lượt tham gia. Hay tại khu vực phía Bắc, Lễ hội âm nhạc Monsoon là dấu ấn khó phai của ngành nghệ thuật nước nhà sau nhiều năm tổ chức. 

Giải trí thời 4.0 ảnh 2 MV Ngày tận thế của ca sĩ Tóc Tiên
Giải trí thời 4.0 ảnh 3 Một cảnh trong phim "Hai Phượng"
Giải trí thời 4.0 ảnh 4 Một cảnh trong phim "Mắt biếc"

Hội nhập còn thể hiện qua sự ra mắt thức thời của MV Ghen Cô Vy (Erik – Min) được thế giới hưởng ứng hay vũ điệu rửa tay nổi tiếng của Quang Đăng trên mạng xã hội video Tik Tok. 

MỚI - NÓNG