Giải thưởng Hội Nhà văn đã trở lại bớt xoàng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Các giải thưởng văn học trong nước thời gian gần đây đang từng chút gây dựng lòng tin với độc giả sau cả một quãng dài tôn vinh nhợt nhạt.

Một ví dụ xoàng” của Nguyễn Bình Phương đạt giải thưởng Hội Nhà văn, “Nắng Thổ Tang” của Đinh Phương đạt giải thưởng dành cho tác giả trẻ, cộng đồng đọc hơi có chút tiếc nuối khi “Tàn ngày để lại” của Kazuo Ishiguro trượt giải dịch.

Hai giải Nhất văn xuôi xứng đáng

Nguyễn Bình Phương và Đinh Phương trùng hợp, đều là hai nhà văn khoác áo lính ở nhà số 4 Lý Nam Đế. Sau thế hệ Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương là nhà văn được đánh giá cao nhất trong số các tác giả đương đại. Độc đáo, tiết chế với hệ thống ngôn từ đã được định mã code, Nguyễn Bình Phương còn khiến người ta liên tưởng đến Murakami Haruki với bút lực cực kỳ sung mãn. Những năm này, tác phẩm của anh xuất hiện khá đều, và Nguyễn Bình Phương gây ấn tượng ở cả hai lĩnh vực: thơ và tiểu thuyết.

Có lẽ vì xuất thân làm thơ nên trong tiểu thuyết của anh luôn có sự trộn lẫn rất đặc biệt, giữa những mổ xẻ sắc lạnh, tinh vi các vùng tối của con người và sự mơ mộng, thoát nhẹ khi đem so sánh trong đối trọng với tự nhiên. Kỹ thuật viết của Nguyễn Bình Phương cũng luôn là một đề tài hấp dẫn với giới nghiên cứu. Có người nhận định, những câu chuyện được kể với một kết cấu phi tuyến tính, không theo trật tự thời gian thì ở thập niên 90 người ta chỉ tìm thấy trong văn của Nguyễn Bình Phương.

Giải thưởng Hội Nhà văn đã trở lại bớt xoàng ảnh 1

Tác phẩm “Một ví dụ xoàng” của Nguyễn Bình Phương

“Một ví dụ xoàng” mới phát hành không lâu đã liên tục lọt vào danh sách “phải đọc” của các diễn đàn đọc uy tín. Điều này gần như chưa từng xảy ra với hầu hết các giải thưởng năm trước. Có một câu chuyện ngoài lề: khi Hội đồng quyết định trao giải, Nguyễn Bình Phương với bản tính thận trọng của mình đã từ chối với lí do là phó chủ tịch hội. Nhưng cuối cùng giải thưởng vẫn được trao kèm lời “bảo kê” của Bảo Ninh: không nên bỏ sót tác phẩm chất lượng!

Giải thưởng Hội Nhà văn đã trở lại bớt xoàng ảnh 2

Người đọc chờ đợi những tác phẩm giá trị được các giải thưởng văn học tôn vinh

Ở địa hạt viết trẻ (những tác giả dưới 35 tuổi), Đinh Phương là một cái tên ấn tượng. Tập truyện ngắn “Đợi đến lượt” của anh xuất bản vài năm trước đã được các nhà phê bình độc lập chọn là cuốn sách của năm. “Nắng Thổ Tang” cũng được nhiều người đọc chuyên nghiệp “khuyên dùng” mặc dù khai thác đề tài không phải quá mới: nói về cái đẹp của việc giết người. Trước đó, Nguyễn Tuân có “Chém treo ngành” và Mạc Ngôn có “Đàn hương hình” đều từng gây ấn tượng mạnh với người đọc. Dịch giả Quân Khuê đánh giá: “Nắng Thổ Tang” khởi đi đầy hứa hẹn. Những chương sau, không phải lúc nào cũng cùng phong độ, nhưng luôn níu chân được người đọc. Đây sẽ là một trong ít ỏi tiểu thuyết Việt đáng đọc của năm”.

Độc giả chờ đợi gì ở những giải thưởng văn học?

“Rất mừng là thời gian gần đây những giải thưởng cho văn học, cho sách đã ít nhiều tiệm cận giá trị chứ không phải là trao lấy được như những năm trước. Hãy xem lại những giải Nhất văn xuôi của năm ngoái, năm kia, và năm kia nữa nữa, thực sự chúng lướt qua tầm mắt người đọc mà chẳng để lại một mảy sóng. Vừa rồi tập thơ của Trần Vàng Sao được giải Sách quốc gia cũng khiến người đọc nức lòng. Hy vọng, bằng vào cung cách làm việc thẳng thắn và mạnh mẽ này, sẽ có thêm nhiều cuốn sách hay được công khai đi dưới ánh mặt trời”, độc giả Nguyễn Hải An chia sẻ.

Dịch giả Dương Trần thẳng thắn hơn: “Nói chung, nhiều giải thưởng văn chương mất giá là chuyện không phải ngày một ngày hai, nó tích tụ đã lâu rồi, đến mức những người chăm đọc cũng mất thói quen chờ đợi ngày công bố giải thưởng. Tôi có cảm giác lâu nay người ta trao giải cho nhau vì cánh hẩu, vì xuê xoa, xập xí xập ngầu chứ không thực sự có tâm tôn vinh những cuốn sách đáng đọc. Hy vọng với những thay đổi về bộ máy, Hội Nhà văn sẽ công tâm và dũng cảm hơn, để tìm ra những lấp lánh trong rất nhiều tầm thường”.

Giải thưởng Hội Nhà văn đã trở lại bớt xoàng ảnh 3

Tác phẩm “Nắng Thổ Tang” của Đinh Phương

“Giải thưởng văn chương Việt à, lâu lắm rồi tôi không chú ý đến nó. Tôi đọc sách dịch nhiều hơn. Năm nay hơi tiếc cho bản dịch “Tàn ngày để lại” của An Lý, hay bản dịch bộ trường thiên “Mong manh hoa tuyết” (tác giả: Junichiro Tanizaki) của Nam Tử cũng rất ấn tượng. Nhưng thôi, giải thưởng nào mà chả có đôi chút tiếc nuối. Dù gì thì năm nay cộng đồng đọc ít nhiều cũng thỏa mãn với sự tôn vinh “song Phương” rồi. Hai cuốn theo tôi đều xứng đáng. Đặc biệt là “Một ví dụ xoàng” của Nguyễn Bình Phương. Phương ngày càng chín và nguy hiểm hơn. Tôi rất thích những tầng tầng lớp lớp nghĩa trong văn Nguyễn Bình Phương”, dịch giả Hoàng Anh bày tỏ.

Năm 2021, lần đầu tiên Hội Nhà văn Việt Nam có Giải thưởng dành cho tác giả trẻ (dưới 35 tuổi). Theo đó, các tác phẩm được trao giải gồm: “Yao” (thơ) - Lý Hữu Lương, “Con người” (thơ) - Phương Đặng; “Nắng Thổ Tang” - Đinh Phương (văn xuôi); “Phê bình phân tâm học: Phía của những ám ảnh nghệ thuật” - Vũ Thị Trang (lý luận, phê bình); bản dịch sang tiếng Anh tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du (dịch giả Nguyễn Bình).

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021 trao cho: “Một ví dụ xoàng” - Nguyễn Bình Phương (văn xuôi), “Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa” - Trương Đăng Dung (lý luận phê bình), “Châu Phi nghìn trùng” - Iska Dinesen, Hà Thế Giang dịch (văn học dịch). Hạng mục thơ mất mùa, bởi ông Hữu Thỉnh xin rút tập “Ghi chú sau mây” dù có phiếu bầu cao, các tác phẩm thơ khác không hội đủ số phiếu.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.