Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã chứng khoán: VNM) vừa công bố nghị quyết thông qua việc dừng và giải thể Công ty TNHH Liên doanh Thực phẩm và Đồ uống Vibev do Vinamilk và Công ty CP Tập đoàn Kido (mã chứng khoán: KDC) đồng thành lập.
Vinamilk cho biết nguyên nhân giải thể là do một số thay đổi trong định hướng phát triển kinh doanh của Vinamilk và Kido. Đồng thời, Hội đồng quản trị Vinamilk giao cho tổng giám đốc phối hợp với Kido và Vibev trên tinh thần hợp tác để thực hiện các thủ tục giải thể Vibev theo quy định pháp luật.
Công ty TNHH Liên doanh Thực phẩm và Đồ uống Vibev thành lập ngày 1/3/2021 với tổng vốn đầu tư ban đầu của liên doanh là 400 tỷ đồng, trong đó Kido góp 49% (tương đương 196 tỷ đồng) và Vinamilk góp 51% (tương đương 204 tỷ đồng), với kỳ vọng sẽ tận dụng được lợi thế hệ thống phân phối có sẵn của Vinamilk và Kido.
Một dây chuyền sản xuất đồ uống của Vibev. |
Vibev có trụ sở chính được đăng ký tại số 10, đường Tân Trào, phường Tân Phú, quận 7, TPHCM. Ngay trong năm 2021, Vibev tung ra thị trường 2 sản phẩm đầu tiên thuộc thương hiệu Oh Fresh: Sữa bắp tươi và sữa đậu xanh tươi.
Vibev ra đời xuất phát từ việc đón đầu xu hướng sống xanh và lành mạnh, quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe, chọn lọc thực phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên, không có chất bảo quản đang trở nên ngày càng phổ biến.
Liên doanh Vibev được kỳ vọng sẽ tận dụng được lợi thế hệ thống phân phối có sẵn của Vinamilk và Kido. Sữa bắp tươi và sữa đậu xanh tươi chính là “phát súng” chào sân của liên doanh Vibev cách đây hơn một năm.
Về tham vọng, Vibev đặt mục tiêu nắm giữ vị trí số 1 về thị phần trong ngành nước tươi với sản lượng đạt 150 triệu chai/năm (tương đương hơn 2.000 tỷ đồng) sau 5 năm vận hành. Đến nay, Vibev đã cho ra mắt 2 dòng sản phẩm sữa hạt và trà với tổng cộng 8 sản phẩm có hạn sử dụng 28 ngày, 100% không chất bảo quản.
Trong báo cáo tài chính hợp nhất của Kido, khoản đầu tư vào công ty liên kết Vibev được trình bày từ quý II/2021 đến nay. Theo đó, giá trị còn lại của khoản đầu tư này tại thời điểm 30/9 là 160,3 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu 49%. Như vậy, so với số vốn đầu tư ban đầu là 400 tỷ đồng, Vibev đã lỗ lũy kế khoảng gần 73 tỷ đồng sau gần 2 năm hoạt động.