Giải quyết tranh chấp biển Đông bằng đối thoại
Trả lời báo chí về vấn đề biển Đông bên lề Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), diễn ra hôm nay, 12 – 10, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết, hội nghị thống nhất phải giải quyết các tranh chấp bằng hòa bình đối thoại.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh (bên trái). Ảnh: Nguyễn Minh. |
Đầu giờ chiều nay, 12 - 10, Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ nhất kết thúc với sự đồng thuận của 18 nước tham dự về các lĩnh vực hợp tác ưu tiên ban đầu.
Các lĩnh vực hợp tác ưu tiên ban đầu gồm cứu trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, an ninh biển, chống khủng bố, quân y và hoạt động gìn giữ hòa bình.
Tại buổi họp báo kết thúc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết: “Tại hội nghị, các bộ trưởng quốc phòng tập trung thảo luận tiềm năng, triển vọng và định hướng hợp tác quốc phòng tích cực trong khuôn khổ ADMM+ và đã đạt được đồng thuận về xác định lĩnh vực ưu tiên hợp tác ban đầu là những thách thức an ninh phi truyền thống mà chúng ta đang phải đối mặt”.
Trả lời báo chí về vấn đề biển Đông, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết, vấn đề này không nằm trong chương trình nghị sự nhưng trong quá trình thảo luận từng bộ trưởng trình bày chính sách quốc phòng và đánh giá tình hình an ninh của nước mình, một số nước có nêu lên vấn đề biển Đông. Tuy nhiên, trong đó, hội nghị thống nhất phải giải quyết các tranh chấp bằng hòa bình đối thoại trên cơ sở luật pháp quốc tế, công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (DOC) và sắp tới Việt Nam đề xuất cố gắng tiến tới xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông. |
Thông báo kết quả hội nghị, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết, Bộ trưởng quốc phòng và đại diện bộ trưởng quốc phòng các nước đã cùng nhau chia sẻ, trao đổi quan điểm về các vấn đề an ninh của khu vực và thế giới, nhấn mạnh đến những phát triển nhanh chóng trong bối cảnh an ninh khu vực và thế giới với thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống mang tính xuyên quốc gia và ngày càng phức tạp, khó lường.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho rằng, điều này đòi hỏi các nước cần có sự hợp tác chặt chẽ, tập trung và thực chất hơn để chia sẻ và bổ sung cho nhau về nguồn lực, kinh nghiệm, chuyên môn.
Bộ trưởng cũng thông báo: “Hội nghị đã giao cho quan chức quốc phòng cấp cao ASEAN mở rộng thành lập các nhóm chuyên gia, trong đó một số nước đề xuất cụ thể Trung Quốc và Việt Nam đồng chủ trì tổ chức nhóm chuyên gia về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa; Úc và Malaysia chủ trì tổ chức nhóm chuyên gia về an ninh biển và Hoa Kỳ đề xuất tổ chức đối thoại an ninh biển và phối hợp tuần tra chung chống cướp biển”.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết thêm, hội nghị đã giao cho Việt Nam tổ chức nhóm làm việc quan chức quốc phòng cấp cao các nước ASEAN mở rộng (ADSOM+ WG) vào tháng 12 – 2010, để bắt tay vào triển khai quyết định của các bộ trưởng, duy trì động lực của tiến trình ADMM+.
Hôm nay bộ trưởng quốc phòng các nước tham dự ADMM+ cũng đã ký tuyên bố chung của hội nghị.
Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) khai mạc sáng nay, 12 – 10, với sự tham dự của 10 nước thành viên ASEAN và 8 nước đối tác gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, New Zealand, Úc, Mỹ và Nga.
Tại lễ khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá hội nghị này là một bước phát triển mới, quan trọng trong hợp tác quốc phòng của ASEAN và cũng là một trong những sự kiện quan trọng trong năm chủ tịch ASEAN 2010 của Việt Nam. Thủ tướng bày tỏ hi vọng, tại hội nghị này, các vị bộ trưởng sẽ tập trung xem xét một số vấn đề quan trọng, trong đó, có việc góp phần tăng cường đối thoại và hợp tác về các vấn đề quốc phòng – an ninh, hỗ trợ cho nỗ lực xây dựng cộng đồng chính trị an ninh ASEAN, cũng như duy trì hòa bình và an ninh khu vực. Thủ tướng nhấn mạnh: “Tôi hi vọng rằng, hội nghị sẽ bàn bạc và thống nhất những định hướng phát triển của diễn đàn này, nhất là về các lĩnh vực và nội dung hợp tác cũng như các nguyên tắc hoạt động phù hợp để góp phần thiết thực vào nỗ lực chung, xử lý những vấn đề an ninh ở khu vực, kể cả các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống như khủng bố, an ninh và an toàn trên biển, tội phạm xuyên quốc gia, thảm họa thiên tai…". Đặc biệt, Thủ tướng khẳng định việc duy trì hòa bình ổn định ở khu vực là nguyện vọng và lợi ích chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực. Thủ tướng cho rằng: Nhằm thực hiện mục tiêu này, các nước cần tăng cường đối thoại và hợp tác trên các lĩnh vực cùng quan tâm, tích cực xây dựng và chia sẻ những chuẩn mực và quy tắc ứng xử, đặc biệt là tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có công ước Liên hiệp quốc về luật biển năm 1982, đồng thời chúng ta cần tiếp tục tôn trọng và phát huy các công cụ bảo đảm hòa bình và an ninh khu vực hiện có của ASEAN như hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á, hiệp ước về khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân, tuyên bố về cách ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông (DOC)... |
Theo Lưu Tú Anh
Tuổi Trẻ