Những đại cảnh hoành tráng: khói lửa ngùn ngụt, xe tăng rầm rập băng lên, những chiến binh từ hai phía xốc tới bắn như vãi đạn, sân bay bị pháo kích dữ dội, những ụ súng bị hất tung bởi đạn pháo và trên trời trực thăng gầm rú liên hồi càng tăng thêm vẻ ác liệt của chiến tranh.
Điều này đã làm cho khán giả xem Giải phóng Sài Gòn cảm thấy “no mắt” nhất trong những đại cảnh của phim Việt Nam làm về chiến tranh từ trước tới nay.
“Giải phóng Sài Gòn” là một bộ phim tái hiện những khoảnh khắc lịch sử hoành tráng nhất trong các phim làm về đề tài chiến tranh của Việt Nam. Đạo diễn có sử dụng kỹ xảo trong các cảnh này?
Trong phim không hề sử dụng kỹ xảo trong bất cứ một cảnh nào. Những cảnh chiến trận hoành tráng đều quay thực. Dàn cachiusa bắn đạn thật, đạn pháo bắn thật, quả nổ thật… Chúng tôi muốn lột tả sự khốc liệt của chiến tranh cho khán giả chứng kiến.
Đạo diễn có thể cho biết tại sao thời gian làm phim lại kéo dài hơn 10 năm?
Năm 1992 anh Hoàng Hà viết kịch bản Sài Gòn vần thắng vút cao, nhưng Hội đồng duyệt kịch bản của Cục Điện ảnh đề nghị nên sửa chữa thêm. Anh Trần Thiết, anh Vũ Văn Nha, Lê Đăng Thực và tôi bàn nhau cùng sửa chữa, bổ sung thêm và đặt tên kịch bản là Giải phóng Sài Gòn.
Sau đó, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trực tiếp xem kịch bản, Thủ tướng Phan Văn Khải cũng đồng ý đầu tư và Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin ký quyết định sản xuất với mức kinh phí 12,5 tỷ đồng. Năm 1994, đoàn làm phim chính thức thực hiện. Chúng tôi cũng cố gắng hoàn thành nhanh nhưng không thể vội mà làm hỏng phim được.
Vậy thì đoàn làm phim gặp rất nhiều khó khăn?
Tất nhiên. Tôi xin kể một số khó khăn chính. Thứ nhất, bối cảnh Sài Gòn quá thay đổi so với 30 năm trước đây. Chúng tôi phải phục dựng kỹ lưỡng một đoạn khu phố Lương Nhữ Học tại Quận V. Một bối cảnh này cũng mất hàng tháng trời. Dinh Độc lập, Bộ Tổng tham mưu, hầm chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh cũng dựng khá vất vả, phải dựa vào nhân chứng và những tấm ảnh lịch sử còn lại.
Thứ hai, bối cảnh chiến trận diễn ra trên những địa bàn mà bom mìn còn sót lại không ít. Chúng tôi thuê công binh dò mìn nhưng họ cũng chỉ dám đảm bảo an toàn ở độ sâu 50cm. Như vậy, khi đánh quả nổ, đào hầm nguỵ trang cho xe tăng ở dưới chui lên đánh trả xe tăng địch sẽ rất nguy hiểm. Bom mìn sót lại rất dễ bị kích nổ.
Thứ ba, việc điều tăng vào đường phố Sài Gòn và húc đổ cổng Dinh Độc lập cũng phải chuẩn bị và xin ý kiến trước hàng tháng. Những chiếc xe tăng cũng phải thuê xe chở vào chứ không đi được vì sẽ nát đường. Bối cảnh sân bay Tân Sơn Nhất bị đánh phá dữ dội, cách ba bốn cây số vẫn nghe thấy tiếng nổ, cũng phải xin ý kiến, thông báo cho nhân dân biết, tránh tình trạng hiểu lầm.
Thứ tư, việc lồng tiếng tưởng chừng như đơn giản những cũng mất mấy tháng trời. 20 nhân vật lịch sử với chất giọng riêng biệt ở nhiều miền quê đưa lên phim cũng phải chọn người có tiếng hao hao như nguyên mẫu. Hai nhân vật lịch sử trong phim khó chọn người lồng tiếng nhất là Tổng Bí thư Lê Duẩn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chúng tôi phải về tận quê hương các nhà lãnh đạo chọn mãi mới tạm ưng ý.
Phim Giải phóng Sài Gòn có rất nhiều đại cảnh hoành tráng và tạo được sự chân thực của cuộc chiến khốc liệt, tuy vậy, có ý kiến cho rằng: bộ phim chưa đi sâu vào việc phân tích phương châm nghệ thuật trong chiến lược của ta, chưa đi sâu vào vai trò của cá nhân trong lịch sử?
Phim truyện thì có cốt truyện và nhân vật trung tâm nhưng đây ở phim này, chúng tôi muốn xây dựng một bộ phim sử thi không theo lối cổ, không có nhân vật trung tâm. Chỉ có một sự kiện được coi là trung tâm là giải phóng Sài Gòn. Vậy thì phải chấp nhận diễn biến các trận đánh giải phóng Sài Gòn. Phải trung thành với thời gian và những sự kiện. Chúng tôi chỉ khai thác sự chỉ đạo chung của những nhà lãnh đạo chứ không đi sâu vào một nhân vật cụ thể.
Vậy thì đạo diễn giải thích như thế nào về ý kiến: bộ phim đã khắc họa chân dung những tướng lĩnh, nhà lãnh đạo phía Việt Nam Cộng hòa và cố vấn Mỹ rõ hơn các nhà lãnh đạo phía ta?
Các vai phía địch được khai thác đậm nét vì họ có quá trình từ đầu đến kết thúc. Các vị lãnh đạo của ta chỉ xuất hiện ở những thời điểm lịch sử quan trọng và trong những sự kiện cụ thể. Những lời chỉ đạo hay những mệnh lệnh đã đi vào lịch sử đều được chúng tôi giữ nguyên. Hơn nữa, với 120 phút phim chúng tôi không thể khắc họa rõ cả cả một quá trình của 20 nhân vật lịch sử. Còn trong phim chúng tôi không đề cao vai trò của một cá nhân nào vì đây là chiến công chung của cách mạng.
Có những người cho rằng lời thoại của một vài nhân vật trong phim nhiều khi không đúng với ngôn ngữ đặc trưng của quân đội?
Trong phim, chúng tôi cố gắng khắc họa đặc điểm của một vài gương mặt lịch sử qua ngôn ngữ lời thoại của họ. Người xem có thể thấy rõ nhất là nhân vật đồng chí Phạm Hùng. Ông sống rất giản dị và trang phục xuề xòa, trong phim ông không bao giờ đóng sơ vin.
Trong phim có một chi tiết vô lý: phóng viên báo Tia Sáng gọi được điện thoại trực tiếp phỏng vấn Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, ông giải thích sao về chi tiết này?
Chi tiết này thực tế gần như không có, chúng tôi hư cấu nhằm làm nổi bật số phận xuống dốc của nhân vật Thiệu sau khi từ chức.
Tại sao ông không dựng phim mà lại giao cho đạo diễn Vũ Xuân Hưng?
Trong khi công việc đang tiến triển tốt đẹp thì tôi bị suy thận cấp tính độ 3 phải đi cấp cứu gấp. Đạo diễn Vũ Xuân Hưng dựng cũng không đến nỗi nào.
Bộ phim đã hoàn thành sau hơn 10 năm vất vả, lúc này ông có thể nói điều gì?
Tôi vui mừng vì mình đã hoàn thành một công việc tưởng chừng như không thể làm nổi. Hiện tại chưa có một tác phẩm văn học hay vở kịch nào làm về đề tài giải phóng Sài Gòn. Điện ảnh lại đi trước một bước, tuy rằng chưa thật ưng ý nhưng điều này chẳng vui lắm sao.
Giải phóng Sài Gòn đã sử dụng: |