Giải pháp ứng cứu sự cố an ninh mạng ở miền Trung - Tây Nguyên

Hội thảo - Diễn tập Ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng khu vực miền Trung và Tây Nguyên năm 2018 với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về an ninh mạng. Ảnh: Giang Thanh
Hội thảo - Diễn tập Ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng khu vực miền Trung và Tây Nguyên năm 2018 với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về an ninh mạng. Ảnh: Giang Thanh
TPO - Sáng 29/6, tại Đà Nẵng, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) phối hợp với Sở TT&TT TP Đà Nẵng tổ chức Hội thảo - Diễn tập Ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng khu vực miền Trung và Tây Nguyên năm 2018.

Đây là lần đầu tiên một hoạt động diễn tập an toàn thông tin, an ninh mạng quy mô được tổ chức tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên nhằm tăng cường kỹ năng phối hợp, xử lý sự cố, đảm bảo an toàn thông tin mạng cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật khu vực này.

Tại Hội thảo, các diễn giả lần lượt trình bày về tình hình các cuộc tấn công an ninh mạng, phương thức phòng chống tấn công APT, đảm bảo an toàn thông tin mạng…

Theo ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ TT&TT, trong xu hướng của cuộc CMCN 4.0, sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ mang đến những cơ hội và cả thách thức trước xu thế tội phạm mạng, tấn công mạng đang ngày càng gia tăng cả về quy mô và mức độ tinh vi.

“Đây là dịp để các đơn vị chuyên trách, các chuyên gia thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, thông tin và rèn luyện sự phối hợp để nâng cao khả năng trước các tấn công mạng, bảo vệ hệ thống mạng, hạ tầng thông tin quan trọng, nâng cao ý thức, trình độ cho cán bộ kỹ thuật, nâng cao nhận thức của cộng đồng về an toàn thông tin mạng”, ông Hưng nói thêm.

Giải pháp ứng cứu sự cố an ninh mạng ở miền Trung - Tây Nguyên ảnh 1 Theo ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ TT&TT, đây là dịp để các đơn vị chuyên trách, các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm và rèn luyện sự phối hợp để nâng cao khả năng trước các tấn công mạng. Ảnh: Giang Thanh

Đối với TP Đà Nẵng, việc vận hành hệ thống Chính quyền điện tử hệ thống có trên 12.000 tài khoản CBCCVC của 230 cơ quan dùng thường xuyên; khoảng 86.000 tài khoản tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công và mỗi năm nhận, xử lý gần 4 triệu lượt hồ sơ dịch vụ công.

“Ngoài sự tiện lợi, hệ thống này cũng tiềm ẩn các nguy cơ tấn công an ninh mạng. Để bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho các hệ thống, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở TT&TT thành lập Đội vận hành và xử lý sự cố Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử; triển khai nhiều giải pháp phần mềm, phần cứng về ATTT…”, ông Hồ Kỳ Minh, Phó CT UBND TP Đà Nẵng, chia sẻ.

Cũng trong dịp này, 35 đội thi cũng tiến hành diễn tập sự cố tấn công có chủ đích (ATP). Ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Giám đốc VNCERT, Trưởng ban tổ chức, cho biết: “Ban tổ chức đã cân nhắc và quyết định lựa chọn kịch bản diễn tập thiết kế dưới dạng một cuộc thi trực tiếp trên mạng máy tính, giả lập một hệ thống thông tin quan trọng quốc gia để các cán bộ kỹ thuật nâng cao kỹ năng thực tế về phân tích mã độc, điều tra số, thực hành ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng”.

Bắt đầu xuất hiện từ cuối năm 2010 - đầu năm 2011, tấn công APT hiện được xếp trong top đầu về hiểm họa an toàn, an ninh thông tin. Theo thống kê, có hơn 27% các cuộc tấn công APT nhắm vào tổ chức Chính phủ, trong đó, 80 - 90% mã độc được dùng trong các cuộc tấn công APT đều là mã độc được thiết kế riêng khiến cho việc ngăn ngừa toàn diện các cuộc tấn công APT gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê của VNCERT, năm 2017 có 13.382 sự cố tấn công mạng vào Việt Nam. Riêng nửa đầu năm nay đã ghi nhận được tổng cộng 5.179 sự cố tấn công mạng.

MỚI - NÓNG