Giải pháp tăng cường chiến lược phòng chống sốt xuất huyết tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Vừa qua, được sự cho phép của Bộ Y tế, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) phối hợp với Công ty TNHH Takeda Pharmaceuticals (Asia Pacific) Pte. Ltd. (“Takeda”) tổ chức Hội thảo “Các định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả phòng chống Sốt xuất huyết Dengue tại Việt Nam” .
Giải pháp tăng cường chiến lược phòng chống sốt xuất huyết tại Việt Nam ảnh 1

Sự kiện do PGS. TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì đã thu hút sự tham dự của hơn 100 chuyên gia y tế đến từ Bộ Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), Viện Pasteur TP.HCM, Bệnh viện Nhi đồng 1, các bệnh viện và trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc.

Hàng năm, dịch sốt xuất huyết tại Việt Nam thường cao điểm từ tháng 6 đến tháng 10. Kể từ sau đại dịch, Việt Nam đang phải đối mặt với những diễn biến phức tạp và liên tục của các dịch bệnh, gây áp lực ngày càng lớn lên cơ sở hạ tầng chăm sóc y tế. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ghi nhận 81.808 ca mắc sốt xuất huyết trong năm 2023, với 23 trường hợp tử vong.

Tại hội thảo, các chuyên gia y tế trong nước và quốc tế đã cùng thảo luận về các sáng kiến và phương pháp nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống sốt xuất huyết tại Việt Nam. Đồng thời, các chuyên gia cũng trao đổi để tìm ra những biện pháp can thiệp mới có thể tăng cường quản lý việc lây truyền sốt xuất huyết.

Các diễn giả cũng đã trình bày các tham luận xung quanh nhiều chủ đề khác nhau như: “Các biện pháp can thiệp mới trong phòng chống sốt xuất huyết tại Việt Nam” của Viện Pasteur TP.HCM; “Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tại TP.HCM giai đoạn 2020 - 2023: Thách thức và giải pháp” của TS. Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC); “Tăng cường năng lực quản lý bệnh nhân sốt xuất huyết ở tất cả các tuyến trong hệ thống y tế: Yếu tố quan trọng giúp giảm tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân sốt xuất huyết” của PGS.TS. Nguyễn Thành Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng I; và “Quá trình hình thành và phát triển của một phương pháp can thiệp vắc-xin mới nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa và kiểm soát sốt xuất huyết” của TS. Joseph David Santangelo, Phó Chủ tịch, Phát triển Kỹ thuật, Đơn vị Kinh doanh Vắc-xin, Takeda.

Sự kiện còn có phiên thảo luận bàn tròn tập trung đi sâu vào tình hình sốt xuất huyết hiện nay ở Việt Nam do PGS. Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì, với sự tham dự của các diễn giả, trong đó có TS. Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, BS. Lê Hồng Nga - Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, BS. Nguyễn Thanh Hùng - Bệnh viện Nhi đồng I, và BS. Joseph Santangelo - Takeda.

Giải pháp tăng cường chiến lược phòng chống sốt xuất huyết tại Việt Nam ảnh 2

TS. Joseph David Santangelo, Phó Chủ tịch, Phát triển Kỹ thuật, Đơn vị Kinh doanh Vắc-xin, Takeda

PGS. TS. BS. Nguyễn Thanh Hùng, Giám Đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cảnh báo: "Sốt xuất huyết Dengue (SXHD) là mối đe dọa lớn ở Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới do những hậu quả sức khỏe nghiêm trọng mà nó có thể gây ra. Bệnh không chỉ được đặc trưng bởi cơn sốt cao kéo dài trong vài ngày, mà còn có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như sốc giảm thể tích do thất thoát huyết tương, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương nặng suy đa tạng... Những biến chứng nặng này diễn tiến rất nhanh có thể dẫn đến gây tử vong nếu không được chẩn đoán kịp thời và điều trị tích cực.

Ngoài nguy cơ về sức khỏe, SXHD còn đặt gánh nặng kinh tế lên cá nhân và cộng đồng. Tuổi nào cũng có thể bị SXHD từ sơ sinh đến người cao tuổi; tuy nhiên lứa tuổi bị SXHD nhiều nhất vẫn là học sinh, người trẻ trong độ tuổi lao động phải nghỉ học, nghỉ làm để điều trị, và người thân của họ có thể phải nghỉ việc để chăm sóc họ, chi phí điều trị không hề nhỏ so với thu nhập hộ gia đình. Ngoài ra, bệnh còn ảnh hưởng lâu dài đến tâm lý của bệnh nhân, cộng đồng, và tác động không nhỏ tới an sinh xã hội. Ở góc độ y tế, số bệnh nhân SXHD gia tăng qua các năm đã gây ra áp lực quá tải đối với các bệnh viện, dẫn đến quá tải hệ thống y tế, khiến thiếu nguồn nhân lực chăm sóc và điều trị bệnh nhân đúng mức.

Để duy trì năng lực điều trị trong các cơ sở y tế, nhiều năm qua các cơ sở y tế tại TP. HCM cũng như trong cả nước dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh, thành phố đã triển khai hiệu quả hướng dẫn chẩn đoán - điều trị SXHD của Bộ Y tế trong đó việc tổ chức phân cấp điều trị, phát hiện sớm, điều trị đúng bệnh nhân SXHD cũng như tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, dịch truyền... đã giúp cứu sống nhiều bệnh nhân bị SXHD biến chứng nặng, giúp giảm đáng kể tỉ lệ tử vong SXHD ở nước ta.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là cần sự phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống điều trị và dự phòng, kết hợp với việc tuyên truyền tư vấn cho người dân về bệnh SXHD để triển khai hiệu quả việc phòng ngừa bệnh SXHD giúp giảm số bệnh nhân SXHD như diệt muỗi, diệt lăng quăng; tiêm phòng vaccine phòng ngừa bệnh SXHD khi có vắc-xin hiệu quả ngừa SXHD.”

ThS.BS. Lương Chấn Quang, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát Phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định: "Sốt xuất huyết khác biệt hoàn toàn so với các bệnh truyền nhiễm khác, đe dọa toàn bộ dân số, không phân biệt độ tuổi. Bên cạnh các biện pháp đang thực hiện đòi hỏi sự tích cực hơn nữa trước điều kiện môi trường ngày càng phức tạp, chúng ta cần kết hợp học hỏi từ các mô hình kiểm soát dịch sử dụng các phương pháp tiến bộ của khoa học tại các quốc gia có điều kiện khí hậu và dịch bệnh tương tự với Việt Nam, như Indonesia và Thái Lan. Chỉ khi cộng đồng y tế và xã hội chung tay hành động, chúng ta mới có thể xây dựng được mô hình kiểm soát dịch mạnh mẽ, toàn diện và có tính bền vững hơn”.

Là đơn vị đồng chủ trì hội thảo này với Viện Pasteur TP.HCM, Takeda nhận thấy tầm quan trọng trong việc hợp tác với các đối tác địa phương để tăng cường phòng ngừa và kiểm soát bệnh sốt xuất huyết. “Do biến đổi khí hậu và quá trình đô thị hóa, dịch sốt xuất huyết bùng phát phức tạp ở Việt Nam đang khiến các chuyên gia gặp khó khăn trong việc dự đoán và lên kế hoạch cũng như áp dụng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát một cách hiệu quả nhất.

Vì vậy, thông qua hội thảo này, các chuyên gia y tế đã có dịp ngồi lại và thảo luận nhằm xác định các chiến lược quản lý tối ưu nhất, trong đó có thêm công cụ mới như một phần của chương trình phòng ngừa và quản lý sốt xuất huyết toàn diện. Takeda cam kết hợp tác với các chuyên gia y tế, các hội y khoa, các nhà khoa học và cơ quan chính phủ trong cuộc chiến chống lại gánh nặng của sốt xuất huyết đang ngày càng tăng ở Việt Nam và hơn thế nữa”, bà Katharina Geppert, Giám đốc Quốc gia của Takeda tại Việt Nam, chia sẻ.

Các chuyên gia tham dự hội thảo đã cùng nhau chỉ ra sự cần thiết phải có một giải pháp bền vững và lâu dài để phòng ngừa và kiểm soát sốt xuất huyết ở Việt Nam. Điều này đòi hỏi không chỉ các biện pháp lâm sàng và phòng ngừa mà còn cả những nỗ lực và hợp tác công - tư trong việc chống dịch sốt xuất huyết, một vấn đề sức khỏe cộng đồng đang diễn ra trên toàn cầu. Hội thảo này nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản.

MỚI - NÓNG
Phó Chủ tịch Cần Thơ: Báo cáo hằng ngày nhưng 'gỡ hoài không ra'
Phó Chủ tịch Cần Thơ: Báo cáo hằng ngày nhưng 'gỡ hoài không ra'
TPO - Dù cố gắng dồn sức tháo gỡ ngay đầu năm, tháo gỡ cơ chế chính sách, làm cật lực nhưng quy mô nền kinh tế vẫn không tăng hơn nhiều so với các năm trước. Điều đó, cho thấy sự lớn mạnh của thành phố vẫn còn chậm, các bước nhịp chưa được nhanh, chưa có hoạt động đột phá để nâng cao giá trị…