Giải pháp nào để thành lập Hội đồng trường ĐH Tôn Đức Thắng?

Giải pháp nào để thành lập Hội đồng trường ĐH Tôn Đức Thắng?
TPO - Cho đến nay, Hội đồng trường ĐH Tôn Đức Thắng vẫn chưa được thành lập. Thế nên, trường ĐH Tôn Đức Thắng chưa có hiệu trưởng và hiện hàng nghìn sinh viên của trường đã tốt nghiệp vẫn chưa thể nhận được bằng để đi xin việc.

Ngày 25/12/2020, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ GD&ĐT kiến nghị về việc thành lập Hội đồng trường tại trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Hiệp hội cho biết, trong những ngày vừa qua, đã nhận được nhiều thư khẩn cầu từ cán bộ chủ chốt của trường ĐH Tôn Đức Thắng, biểu lộ sự lo ngại về nội dung Hướng dẫn quy trình thành lập Hội đồng trường và kiện toàn các vị trí lãnh đạo chủ chốt đối với trường Đại học Tôn Đức Thắng nhiệm kỳ 2020-2025 ban hành theo Công văn số 5363/BGDĐT-TCCB ngày 11/12/2020 của Bộ GD&ĐT.

Trước sự việc này, Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam tại văn bản cho rằng, việc giao trách nhiệm chủ trì quy trình thành lập Hội đồng trường cho một cán bộ tạm quyền, được chỉ định trái luật (trong khi chưa từng nhận được sự tín nhiệm của tập thể cán bộ chủ chốt và Đảng ủy nhà trường); 2 Thường vụ Đảng ủy (còn đang trong thời gian bị Đảng ủy khối kỷ luật khiển trách) mà không hề mở rộng để tập thể lãnh đạo đầy đủ hơn, gồm cán bộ chủ chốt, Đảng ủy và Công đoàn trường cùng tham gia quyết định là rất sai, không bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và nguyên tắc lãnh đạo tập thể.

Hiệp hội phân tích, một trong vài nguyên nhân chính khiến Đảng ủy Nhà trường và cá nhân Bí thư Đảng hộ trường này bị cấp trên kỷ luật cảnh cáo là vì đã buông lỏng quản lý, không bảo đảm nguyên tắc lãnh đạo của Đảng đối với Nhà trường, cụ thể là một số chủ trương lớn không đưa ra Đảng ủy bàn bạc để có nghị quyết chỉ đạo; công tác nhân sự kể cả việc giới thiệu nhân sự tham gia Hội đồng trường (khóa trước) không đưa ra để Đảng ủy thông qua và có Nghị quyết giới thiệu.

Nay hướng dẫn này lại chỉ giao cho một số cá nhân do người tạm quyền chủ trì cùng Thường vụ đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn, đại diện đoàn thanh niên và những người do cơ quan quản lý trực tiếp cử ra để họp, quyết định nội dung đề án thành lập hội đồng trường, quyết định nhân sự được đưa ra để hội nghị bầu. Như vậy là gạt bỏ vai trò của Đảng ủy và tập thể.

Hiệp hội nhấn mạnh, việc này sẽ tạo ra 2 hậu quả. Trong đó, nếu Đảng ủy Trường, Thường vụ Đảng ủy và người tạm quyền làm đúng như vậy, họ sẽ bị kỷ luật Đảng lần nữa vì cố tình vi phạm lỗi mà Ủy ban kiểm tra Thành ủy đã chỉ ra và đã kỷ luật Đảng ủy, Bí thư vì lỗi đó. Lỗi cố tình vi phạm sau khi đã bị xử lý một lần rồi sẽ rất nặng nề.

Hậu quả thứ 2 là đề án và nhân sự được đề cử không xuất phát từ ý nguyện của Tập thể, thì liệu họ có đại diện được cho tập thể nhà trường và các bên có lợi ích liên quan hay không?...

Hiệp hội cho rằng, cách tốt nhất là giải quyết sớm việc khiếu nại kỷ luật Đảng theo quy định của điều lệ để cho công bằng và minh bạch rồi tổ chức ngay đại hội bầu Đảng ủy mới và hội đồng trường theo đúng quy định của pháp luật, không nhất thiết phải vội vàng lập ngay Hội đồng trường theo cách không đúng sẽ để lại hậu quả về sau.

"Hội đồng trường Trường Đại học Tôn Đức Thắng nhiệm kỳ 2020-2025 chỉ nên thực hiện sau khi trường đã có Đảng ủy mới"- Hiệp hội nhấn mạnh trong công văn này.

Trong khi đó, TS. Lê Viết Khuyến, một thành viên Thường trực Hiệp hội cho biết, để bảo đảm ổn định các hoạt động của trường lúc này là ký bằng tốt nghiệp cho hơn 2000 sinh viên đã tốt nghiệp (mà đến nay sau 4 tháng vẫn chưa nhận được bằng để xin việc làm, gây rất nhiều thiệt hại cho người học và phụ huynh trong thời điểm kinh tế khó khăn vì COVID-19); xác định mục tiêu chất lượng năm học mới, tổng kết năm học cũ; duy trì hoạt động của mạng lưới hợp tác đại học quốc tế, mạng lưới nghiên cứu…

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.