Giải mã vụ Mỹ sát hại tướng Iran

Tướng Esmail Ghaani, người vừa được Giáo chủ Khamenei bổ nhiệm thay thế ông Suleimani
Tướng Esmail Ghaani, người vừa được Giáo chủ Khamenei bổ nhiệm thay thế ông Suleimani
TP - Vào sáng sớm ngày thứ Sáu 3/1, theo giờ địa phương, quân đội Mỹ đã tiến hành vụ không kích gần sân bay quốc tế Baghdad ở Iraq, giết chết Thiếu tướng Qasem Suleimani chỉ huy Lữ đoàn tinh nhuệ Quds của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran. Động thái này càng làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Iran đã tuyên bố sẽ “tiến hành sự trả thù có tính hủy diệt” đối với Mỹ.

Truyền thông nước ngoài sau đó đã tiết lộ một số chi tiết về hành động của Mỹ, cho biết ông Suleimani vừa từ Syria đến sân bay Baghdad. Ngay sau khi ông rời sân bay, chiếc xe chở ông đã bị trúng tên lửa Mỹ. Lầu Năm Góc cũng xác nhận, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phê chuẩn chiến dịch này vào sáng ngày 2/1, ra lệnh tấn công bằng máy bay không người lái ở Baghdad, giết chết hai quan chức chỉ huy cấp cao lực lượng dân quân của Iraq và ông Suleimani.

Theo “Daily Mail” của Anh ngày 3/1, ông Suleimani vừa bay từ Damascus, Syria đến Baghdad vào sáng sớm cùng ngày, nhưng hiện tại vẫn chưa rõ ông đi máy bay thương mại hay tư nhân. Ông Abu Mahdi al-Muhandis, chỉ huy của tổ chức bán quân sự Kataeb Hezbollah của Iraq được Iran hậu thuẫn, đã đến sân bay để đón ông Sulaimani.

Một quan chức Mỹ giấu tên nói rằng bốn quả tên lửa tấn công chính xác đã bắn trúng hai chiếc ô tô Hyundai màu đen chở Suleimani và đoàn tùy tùng của ông. Những chiếc xe bị tấn công trên một con đường gần sân bay Baghdad. Một chiếc máy bay không người lái MQ-9 của Mỹ đã phóng các tên lửa Hellfire AGM-114A phá hủy cả hai chiếc xe được dân quân địa phương đưa tới đón tướng Qasem Suleimani.

Ngoài ông Suleimani, cuộc tấn công cũng dẫn đến cái chết của ông Mohandis, phó chỉ huy của tổ chức Kataeb Hezbollah. Quan chức của Kataeb Hezbollah cho biết, ông Suleimani đã bị tan thành nhiều mảnh trong cuộc tấn công và thi thể ông chỉ được xác định qua chiếc nhẫn đeo trên người. Nhóm này nói rằng thi thể của ông Muhamdis đã không tìm được.

Husseini, người chỉ huy dân quân địa phương nói với Reuters, hai ông Suleimani và Mohandis đi trên cùng một xe. Xe này đã bị trúng hai quả tên lửa; chiếc còn lại bị trúng một quả. Ông Husseini nói: “Tội phạm đến từ Mỹ đã nắm được thông tin chi tiết về hoạt động của đoàn xe”.  

Giải mã vụ Mỹ sát hại tướng Iran ảnh 1

Tướng Suleimani

Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố rằng, ông Trump đã phê chuẩn cuộc không kích bằng máy bay không người lái chống lại ông Suleimani ở Baghdad vào sáng ngày 2/1 và nói rằng quyết định này là để “ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai của Iran”. Truyền thông Mỹ cho rằng, động thái này đã làm gia tăng căng thẳng ở Iraq và đưa Mỹ ở vào “tư thế tấn công” trong khu vực.

Sau đó, phía Iran đã phản ứng nhanh chóng. Ngoại trưởng Iran Javad Zarif viết trên mạng truyền thông xã hội nói, vụ giết hại ông Suleimani là một “hành động khủng bố quốc tế”, là “hành động cực kỳ nguy hiểm và ngu xuẩn làm gia tăng tình hình căng thẳng”. Nhà lãnh đạo tối cao của Iran, Giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei nói, cần phải “báo thù nghiêm khắc” cho sự hy sinh của Suleimani trong cuộc không kích của Mỹ.

Ngày 3/1, nhiều cơ quan truyền thông phương Tây đã dẫn tin của tổ chức dân quân Shiite Kataeb Hezbollah của Iraq nói vào sáng sớm thứ Sáu 3/1 theo giờ địa phương, ông Mahdi Mohandis người chỉ huy của tổ chức này và Thiếu tướng Qassem Suleimani chỉ huy Lữ đoàn tinh nhuệ Quds của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã bị giết trong vụ tấn công bằng tên lửa. Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ giấu tên xác nhận với Reuters rằng, quân đội Mỹ đã tấn công hai mục tiêu liên quan đến Iran ở Baghdad ngày hôm đó.

Lữ đoàn tinh nhuệ Quds là một trong năm thành phần chính của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Quds chịu trách nhiệm chính cho các nhiệm vụ liên quan ở bên ngoài Iran, bao gồm thu thập thông tin tình báo chiến thuật, hoạt động ngoại giao bí mật và cung cấp kinh phí, vũ khí và huấn luyện cho các lực lượng mà họ ủng hộ. Lữ đoàn tinh nhuệ Quds trực tiếp nhận lệnh và báo cáo 7 7 lãnh tụ tối cao Khamenei.

Chỉ huy hiện tại của Quds, Thiếu tướng Suleimani là người có nhiều kinh nghiệm trong các hoạt động ở nước ngoài. Ông bắt đầu chỉ huy Lữ đoàn tinh nhuệ Quds năm 1998 và từ nhiều năm qua là cố vấn quan trọng cho Khamenei. Ông mang lon Thiếu tướng – cấp quân hàm cao nhất của Iran trong thời bình. Vì thế có thể tưởng tượng ra được mức độ tổn thất nặng nề đối với Iran khi Suleimani chết. Chỉ ít giờ sau khi ông Suleimani bị sát hại, lãnh tụ tối cao Giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei đã bổ nhiệm Thiếu tướng Esmail Ghaani, chỉ huy phó Lữ đoàn Quds lên thay thế.

Theo tổ chức Kataeb Hezbollah của Iraq, “các kẻ thù nguy hiểm Mỹ và Israel phải chịu trách nhiệm về cái chết của họ”. Cái chết của Thiếu tướng Suleimani là một chiến dịch “hành động chặt đầu” của Mỹ và Israel thông qua cuộc tấn công chính xác. Tuy nhiên, trong chiến đấu thực tế, để đạt được hiệu quả của kiểu tấn công này, cần phải đáp ứng hai yếu tố sau:

Trước tiên là: phải có thông tin vị trí chính xác của mục tiêu. Theo báo cáo, Thiếu tướng Suleimani và tùy tùng của ông đã bị tên lửa bắn trúng xe. Muốn tiến hành tấn công chính xác vào mục tiêu là phương tiện đang di chuyển, đối phương cần phải nắm chắc địa điểm xuất phát chính xác của ông Suleimani, tiến hành theo dõi bám sát theo thời gian thực từ khi đoàn xe bắt đầu rời đi, hoặc có được thông tin tình báo vị trí chính xác trong quá trình đoàn xe đang di chuyển, từ đó khóa chặt mục tiêu. Trong cả hai trường hợp này, rất có thể có một kẻ phản bội đã được cài cắm trong đoàn tùy tùng của ông Suleimani hoặc những người ra đón.

Thứ hai, phải có trang thiết bị tấn công phù hợp. Các trường hợp tấn công chính xác ở các quốc gia trên thế giới cho thấy, bên tấn công thường cử các đội hoạt động đặc biệt đến khu vực mục tiêu có thể hoạt động từ trước hoặc sau khi sử dụng máy bay không người lái để lấy thông tin mục tiêu, trước khi chỉ đạo các cuộc tấn công hỏa lực từ trên không hay mặt đất. Nhưng các nước như Mỹ và Israel thường chọn cách không kích nhanh nhất, tức là một cuộc tấn công trực tiếp bằng máy bay không người lái.

MỚI - NÓNG