Giải mã U23 Việt Nam

Người hùng Quang Hải ghi 2 bàn thắng vào lưới U23 Qatar. Ảnh: Nhật Minh.
Người hùng Quang Hải ghi 2 bàn thắng vào lưới U23 Qatar. Ảnh: Nhật Minh.
TP - Những ngày qua, người hâm mộ Việt Nam đã chứng kiến những pha trình diễn điệu nghệ và tinh thần thép của các chiến binh U23 Việt Nam. Để có những khoảnh khắc tỏa sáng trên sân đấu, họ đã trải qua những năm tháng âm thầm khổ luyện tại trung tâm đào tạo.

Trong những ngày dải đất hình chữ S trong men say chiến thắng của U23 Việt Nam, chúng tôi đã đến Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ của Quỹ Đầu tư và Phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF) thuộc Tập đoàn Vingroup tại Văn Giang, Hưng Yên.

Khổ luyện thành tài

Đúng 14h dưới cái nắng khô hanh khó chịu của ngày lạnh, các cầu thủ trẻ chỉnh tề quần đùi áo số tập trung trên sân tập. Những chiếc áo khoác, đôi giày được xếp ngay ngắn bên dọc đường biên. Đây là những gương mặt vượt qua vòng sơ tuyển tại các địa phương khắp cả nước trở thành học viên chính thức và chia thành các lớp theo lứa tuổi. Ở một góc sân, các cầu thủ lứa U17 bắt đầu những động tác khởi động kỹ lưỡng hít đất, lên cơ bụng, giãn cơ chân..., trước khi bắt đầu những bài thực hành kỹ thuật, chiến thuật theo giáo án của huấn luyện viên Nguyễn Việt Thắng. Từ việc khống chế, xử lý bóng đến ban chuyền đôi, phối hợp nhỏ tấn công, phòng thủ... Phần quan trọng nhất là thi đấu đối kháng, các cầu thủ buộc phải thể hiện tư duy, thể lực, phối hợp vận động cùng kỹ thuật nhận, chuyền bóng. Kết thúc thi đấu đối kháng, các cầu thủ ướt sũng mồ hôi lại chăm chú lắng nghe huấn luyện viên nhận xét, chia sẻ về lối chơi, thực hiện kỹ thuật và thái độ trên sân. Nán lại tập thêm một số động tác sau buổi tập chính, Nguyễn Thế Hùng (SN 2002) cười xoà như muốn nói cường độ tập luyện như vậy là chuyện thường khi được hỏi “tập có mệt không?”. Hùng là một trong những gương mặt nổi bật trong năm 2017 cùng U15 PVF vô địch U15 Quốc gia, vô địch giải giao hữu quốc tế dịp khánh thành Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF 20/11 với nhiều đối thủ mạnh như Stoke City (Anh), Central Coast Mariner (Úc), Busan I’Park; cùng U15 VN vô địch U15 Đông Nam Á, và lọt vào VCK U16 châu Á 2018. Theo Hùng, nặng nhất là luyện thể lực với chạy bền, bài tập tăng sức mạnh; hào hứng là phần chia đội đấu tập đối kháng. “Với các cầu thủ trẻ việc nỗ lực học hỏi nâng cao trình độ diễn ra hàng ngày. Những khi mệt nhoài trên sân tập hay thi đấu, động lực để em tiếp tục là hình ảnh của ba mẹ vất vả ở nhà; là ước mơ được thi đấu trong những câu lạc bộ chuyên nghiệp và cao hơn được cống hiến trong đội tuyển quốc gia”, Hùng nói.

Có phần tĩnh hơn so với sân ngoài trời, tại các phòng chức năng trong dãy nhà cao tầng hiện đại không khí học tập, rèn luyện diễn ra nghiêm túc. Đó là lớp học lý thuyết kỹ thuật, chiến thuật trong thi đấu. Đó là những bài tập trị liệu phục hồi chấn thương, tăng sức đề kháng cho cầu thủ ở phòng tập GYM, phòng tập dưới nước... dưới sự giám sát, chỉ dẫn của các huấn luyện viên người Việt lẫn người nước ngoài. Là một trong những người nhỏ nhất trong phòng tập, Cao Văn Hải (SN 2006, quê Bạc Liêu) đang thực hiện động tác kiễng hai chân nhằm phục hồi chấn thương ở đầu gối do va chạm. Hải cho biết, bình thường học các bài tập kỹ thuật cơ bản, chuyền sút bóng bằng các vị trí của chân hoặc tập thể lực bằng đạp xe, kéo dây.

Được gắn với niềm đam mê trái bóng tròn và được học văn hoá và các kỹ năng sống miễn phí, nhưng “ăn cơm tuyển” nghĩa là các cầu thủ trẻ như Nguyễn Thế Hùng và cậu bé Cao Văn Hải phải làm quen với cuộc sống tập thể xa gia đình. Để trụ lại  trung tâm đào tạo và hướng đến thi đấu chuyên nghiệp, các cầu thủ trẻ phải vượt qua muôn vàn thử thách về tâm lý, chấn thương. Nguyễn Thế Hùng đã gần chục năm lấy trung tâm làm nhà, đồng đội và huấn luyện viên làm gia đình, từ lúc trung tâm ở TPHCM đến nay chuyển ra Hưng Yên. “Em bắt đầu lên trung tâm tập luyện từ năm 9 tuổi, chỉ cuối tuần mới về thăm ba mẹ dù nhà cách trung tâm chưa đầy 10 phút đi xe. Em là con út trong nhà nên mọi việc đều có mọi người trong gia đình lo, tối ngủ với ba, lúc mới lên trung tâm ở rất nhớ nhà, đến giờ thì đã quen với việc tự lập, tự cho bản thân”, Thế Hùng nói. Cao Văn Hải cũng cho hay vào trung tâm là lần đầu tiên xa nhà và nhắc đến gia đình đôi mắt cậu bé có phần chùng xuống.

Giải mã U23 Việt Nam ảnh 1 Lứa cầu thủ trẻ U13 được HLV hướng dẫn luyện tập tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF, chiều ngày 25/1/2018. Ảnh: Như Ý.

Kỷ luật sắt

Khán giả từng bất ngờ với tuyển thủ trẻ hiện nay trả lời truyền thông quốc tế bằng tiếng Anh lưu loát, ứng xử văn minh, khi đến các trung tâm đào tạo hiện nay sẽ hiểu: Các học viên đều phải đáp ứng yêu cầu cao về học văn hoá, tiếng Anh, kỹ năng sống bên cạnh chuyên môn kỹ thuật. Các cầu thủ trẻ như Hùng, Hải đều thức dậy lúc 5h30 bất kỳ ngày hè hay mùa đông để chuẩn bị cho bữa sáng, trước khi đến trường lúc 6h. Buổi chiều 2h tập luyện chuyên môn, học kỹ thuật chiến thuật. Tối học tiếng Anh và kỹ năng sống. Tất cả các ngày trong tuần, trừ thứ 7 và chủ nhật, đều không được dùng điện thoại.

“Tôi vẫn nhớ những mùa đầu tiên tuyển sinh, học viên mới vào khóc như mưa. Có bố mẹ đi về được nửa đường phải quay lại vì con khóc quá”. 

 HLV Hứa Hiền Vinh

Huấn luyện viên Hứa Hiền Vinh cho biết: Khi đã vượt qua những bài kiểm tra gắt gao để trở thành học viên chính thức của PVF, thử thách đầu tiên với những cậu bé mới 10 - 11 tuổi là nỗi nhớ nhà và cuộc sống tự lập từ nhỏ.

“Tôi vẫn nhớ những mùa đầu tiên tuyển sinh, học viên mới vào khóc như mưa. Có bố mẹ đi về được nửa đường phải quay lại vì con khóc quá” - HLV Hứa Hiền Vinh nói. Không ít bạn đã phải rời PVF khi không vượt qua được “cú rung lắc đầu đời” này.

Việc học văn hóa quan trọng không kém với chuyên môn khi các cầu thủ phải đạt chuẩn đầu ra IELTS 5.0 tiếng Anh chuyên ngành. Vừa chuyên tâm rèn luyện, vừa phải đảm bảo tiêu chuẩn khắt khe của cầu thủ thời “hội nhập” là thách thức không nhỏ, buộc những cầu thủ trẻ phải tôi luyện để trưởng thành.

Ăn đúng bữa, ăn hết thức ăn đã lấy trên khay, không để thừa, không làm vương vãi thức ăn ra sàn, ngủ nghỉ đúng giờ, gấp chăn màn gọn gàng, tự phơi đồ, chỉ dùng điện thoại ở khung giờ cho phép… là những quy định bắt buộc các cầu thủ trẻ phải tuân thủ. Bên cạnh đó, trên sân tập, việc thực hiện kỷ luật và thái độ thi đấu, ứng xử văn minh đều được các huấn luyện viên chú ý và có những phương pháp khác nhau.

Từ những thiết quân luật cùng các bài tập, trang thiết bị kỹ thuật tập luyện hiện đại (thống kê số lần di chuyển, số lần bứt tốc, khu vực hoạt động; hệ thống trị liệu...) các trung tâm đào tạo như PVF đã có nhiều lứa cầu thủ sáng giá. Trong đó nhiều người đã trở thành nòng cốt của giải bóng đá, tiêu biểu có những cái tên sáng giá trong đội hình vàng U23 tuyển Việt Nam đang tạo cơn địa chấn tại giải châu Á như Hà Đức Chinh, Bùi Tiến Dụng... Theo các huấn luyện viên, để có những cầu thủ tốt đòi hỏi những người huấn luyện phải tinh tế trong việc phát hiện những ưu điểm, hạn chế của mỗi người để góp ý, điều chỉnh. Tuỳ vị trí thế mạnh của mỗi cầu thủ mà thiết kế bài tập khác nhau.

Huấn luyện viên Nguyễn Việt Thắng chia sẻ về học trò Hà Đức Chinh đang thi đấu trong đội tuyển U23 Việt Nam tại giải châu Á: “Gắn bó với Đức Chinh từ những ngày đầu đã thấy cậu ấy rất nhiều tố chất của tiền đạo thực thụ, song nhược điểm là di chuyển chủ yếu tuyến trên mà ít lui về lấy bóng, hỗ trợ hàng thủ, tôi đã góp ý đó là mẫu tiền đạo đã qua rồi, bây giờ tiền đạo cần di chuyển lên xuống nhiều, hoạt động rộng. Sau này khi thi đấu cho SHB Đà Nẵng, rồi lên tuyển Quốc gia, Đức Chinh nói, điều được dạy quả không sai”. Hay với huấn luyện viên Hứa Hiền Vinh khi nhớ lại về cầu thủ Bùi Tiến Dụng. “Dụng ngày đầu chơi tiền vệ phải, quan sát thi đấu em có sức khoẻ độ càn lướt tốt nên đã chuyển sang tập luyện ở tiền vệ giữa. Cùng với đó là có các bài tập riêng dành cho Dụng để nâng cao kỹ thuật, khả năng quan sát chuyền nhận bóng”.

MỚI - NÓNG