Giải mã sự bê bết của 'con tàu' Vinashin

Giải mã sự bê bết của 'con tàu' Vinashin
TP - Như tin đã đưa, Cơ quan ANĐT Bộ Công an vừa kết thúc điều tra vụ “cố ý làm trái” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Vinashin, đề nghị truy tố cựu Chủ tịch Tập đoàn Phạm Thanh Bình cùng 8 thuộc cấp. Kết quả điều tra đã bước đầu giải mã sự bê bết kéo dài nhiều năm tại tập đoàn này.

Đề nghị truy tố cựu Chủ tịch Tập đoàn Vinashin và 8 bị can
> Khởi tố nguyên Phó tổng giám đốc Cty Tài chính Vinashin

Theo CQĐT, hành vi cố ý làm trái của các bị can tập trung ở các dự án: mua tàu cao tốc Hoa Sen; Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng (Nam Định); Nhà máy điện diezel Cái Lân (Quảng Ninh); Vụ bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang và Dự án tàu Bình Định Star. Tổng số tiền thiệt hại qua các dự án lên tới hơn 906 tỷ đồng.

Cũng theo CQĐT, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, hành vi vi phạm của các bị can xảy ra trên phạm vi rộng, ở nhiều lĩnh vực và nhiều địa phương, có nhiều người liên quan. Đối tượng vi phạm là những người có chức vụ quyền hạn tại Vinashin, trong đó ông Phạm Thanh Bình có vai trò chỉ đạo.

Lờ chỉ đạo của Thủ tướng

CQĐT xác định, ông Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Vinashin, đã làm trái chủ trương đầu tư của Thủ tướng về việc đóng mới tàu biển chở khách, tự ý mua tàu Hoa Sen là tàu cũ để chở khách, gây thiệt hại hơn 469 tỷ đồng.

Các bị can đối mặt mức án 10 đến 20 năm tù

Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt từ một năm đến năm năm...

Phạm tội cố ý gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

(Trích điều 165 BLHS, ội cố ý làm trái)

Cụ thể, năm 2007, sau khi được môi giới thương vụ mua tàu Cartour của Italia, ông Phạm Thanh Bình đã ký công văn gửi Thủ tướng đề nghị cho Vinashin đóng mới 6 tàu biển cao tốc chở khách và cho thuê, mua 2 tàu biển chở khách của nước ngoài.

Mặc dù Văn phòng Chính phủ đã ra 2 công văn truyền đạt ý kiến Thủ tướng chỉ cho đóng mới tàu chở khách, nhưng ông Bình vẫn chỉ đạo ông Trần Văn Liêm (nguyên Trưởng ban kiểm soát Vinashin) chủ trì mua tàu Cartour, giao Viện Khoa học công nghệ tàu thủy và Cty Tài chính công nghiệp tàu thủy (CNTT) lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.

Trong khi báo cáo khả thi còn chưa làm xong, dự án chưa được thẩm định, ông Bình lại tiếp tục yêu cầu cấp dưới xúc tiến việc mua tàu Cartour với giá 60 triệu Euro, không thực hiện chào hàng cạnh tranh theo quy định.

Ngoài tiền mua tàu, Vinashin còn phải bỏ ra hơn 311.000 USD tiền nhiên liệu, thuê thủy thủ điều khiển về Việt Nam và đầu tư gần 66 triệu Euro (tương đương gần 1.500 tỷ đồng) để xây cầu cảng.

Tàu Cartuor sau đó được đổi tên thành Hoa Sen, tuy nhiên sau 39 chuyến vận chuyển hành khách, tàu này phải dừng hoạt động do kinh doanh không hiệu quả.

Hành vi “cố ý làm trái” của ông Phạm Thanh Bình còn được xác định trong việc đầu tư thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hồng và nhà máy điện Diezel Cái Lân.

Theo đó, ông Bình phê duyệt dự án Nhiệt điện Sông Hồng khi chưa xin ý kiến thẩm định của cơ quan có thẩm quyền, dự án không nằm trong quy hoạch lưới điện quốc gia và không tổ chức thẩm định hồ sơ thiết kế…, gây thiệt hại hơn 300 tỷ đồng.

Tương tự, do tự ý điều chỉnh tổng mức đầu tư, nhập dây chuyền máy móc đã qua sử dụng tại Trung Quốc cho dự án Nhà máy điện Diezel Cái Lân, ông Bình cùng thuộc cấp đã gây thiệt hại hơn 66,5 tỷ đồng.

Xẻ tàu bán sắt vụn, gây hại gần 30 tỷ đồng

Bị can Trần Quang Vũ (nguyên Tổng GĐ Vinashin) bị cáo buộc có hành vi cố ý làm trái trong việc bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang. Cụ thể, quá trình thực hiện dự án hoán cải, nâng cấp tàu Bạch Đằng Giang, do chi phí quá cao nên Cty Nam Triệu (thời điểm ông Vũ làm Tổng GĐ) đã chuyển hướng xin bán tàu. Giá rao bán khởi điểm gần 150 tỷ đồng, song đơn vị trả cao nhất chỉ đạt khoảng 75 tỷ đồng… Đấu giá không thành, ông Vũ đã tự ý chỉ đạo bán thanh lý vỏ tàu nhằm thu hồi vốn, gây thiệt hại hơn 27 tỷ đồng.

Ngoài 2 người đứng đầu Vinashin, 7 cán bộ khác thuộc tập đoàn này cũng bị đề nghị truy tố với cùng hành vi cố ý làm trái. Trong đó, cùng phải chịu trách nhiệm trong thương vụ mua tàu Hoa Sen có các bị can: Trần Văn Liêm, Trịnh Thị Hậu, Hoàng Gia Hiệp, Hồ Ngọc Tùng, Giang Kim Đạt...

Theo CQĐT, dưới sự chỉ đạo của ông Bình, sau khi ký hợp đồng mua tàu Hoa Sen, ông Trần Văn Liêm đã chỉ đạo cấp dưới làm tờ trình lên Tập đoàn, ghi lùi ngày, chèn số văn bản. Sau khi ông Bình ký phê duyệt dự án, ông Hồ Ngọc Tùng và bà Trịnh Thị Hậu (khi đó là GĐ và Phó GĐ Cty Tài chính Vinashin - VFC) đã tiến hành các thủ tục đặt cọc bảo lãnh mua tàu.

Khi VFC và Cty Viễn Dương chưa ký hợp đồng tín dụng và dự án chưa lập xong, được sự chỉ đạo của ông Bình, bà Hậu đã chuyển 80 tỷ đồng đến ngân hàng để bảo đảm cho việc phát hành thư bảo lãnh.

Ông Tùng và ông Hoàng Gia Hiệp (Phó GĐ VFC) cũng biết dự án mua tàu chưa lập xong, song vẫn chỉ đạo cấp dưới làm thủ tục ký hợp đồng cam kết cho Cty Viễn Dương vay hơn 1.390 tỷ đồng để thực hiện dự án trái quy định.

Ông Tùng và bà Hậu còn bị xác định có trách nhiệm trong việc chỉ đạo giải ngân 29 tỷ đồng cho Cty Cổ phần CNTT Bình Định để đầu tư dự án tàu Bình Định Star mà không thẩm định hồ sơ vay vốn và tờ trình theo quy định. Tháng 3-2010, tàu Bình Định Star vi phạm trách nhiệm trả nợ nên các Cty cho thuê tài chính đã bán tàu, dẫn đến việc VFC và Vinashin không còn khả năng thu hồi vốn cho vay.

Các bị can Nguyễn Văn Tuyên (Giám đốc Cty CNTT Hoàng Anh Vinashin) bàn bạc với ông Nguyễn Tuấn Dương (Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần đầu tư Cửu Long) biết dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hồng chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý nhưng vẫn ký thỏa thuận làm tổng thầu “chìa khóa trao tay” và nhận tiền đặt cọc mua sắm thiết bị và khởi công xây dựng.

Hai bị can này còn thông đồng làm giả hợp đồng mua bán thép và hồ sơ giải ngân để rút 42,8 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu quốc tế. Bị can Tuyên, Dương còn phải chịu trách nhiệm về thiệt hại hơn 300 tỷ đồng tại dự án này

Khởi tố vụ án tham nhũng tại Hoàng Anh Vinashin

Quá trình điều tra những tiêu cực tại Vinashin, CQĐT đã quyết định bóc tách hành vi “cố ý làm trái” để xử lý trong giai đoạn 1 của vụ án, đồng thời khởi tố vụ án “tham ô tài sản” xảy ra tại Cty CNTT Hoàng Anh Vinashin để tiếp tục điều tra xử lý.

Ngoài ra, dấu hiệu sai phạm của Ban Tài chính, Hội đồng quản lý vốn trái phiếu quốc tế tại Tập đoàn Vinashin, việc nhập khẩu máy móc, thiết bị cho dự án Nhiệt điện Sông Hồng cũng đang tiếp tục được làm rõ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG