"Bên cạnh vật liệu cát, đá vôi, các thợ đã dùng mật mía, san hô trung chuyển vào để tạo hỗn hợp. Thợ phải đổ từng lớp một, rất mỏng, đợi khô mới có thể làm tiếp nên liên kết ngang vô cùng chắc chắn…", bà Nguyễn Thị Hà, giảng viên khoa Lịch sử trường Đại học KHXH&NV TPHCM chia sẻ.
Năm 2021, tạp chí du lịch nổi tiếng của Mỹ - Travel Leisure - đã khiến du khách không khỏi ngạc nhiên khi xếp hạng công viên Tao Đàn (phường Bến Thành, quận 1, TPHCM) lọt top 30 điểm đến đáng sợ trên thế giới.
"Khu vườn rộng hơn 24ha khiến công viên Tao Đàn trông giống như một thiên đường. Tuy nhiên, vào ban đêm, người dân địa phương cho biết nó mang đến một cảm giác trái ngược. Tin đồn nói rằng hồn ma của một chàng trai trẻ bị giết trong một vụ tấn công vẫn lang thang trong công viên để tìm kiếm tình yêu đã mất của mình", tạp chí này chia sẻ.
Trước đó, vào năm 2013, trang thông tin du lịch Rough Guides của nước Anh cũng từng chia sẻ về lời đồn ma mị tại công viên này. Những câu chuyện được thêu dệt từ đó bắt đầu đổ dồn về khu lăng mộ cổ trong khuôn viên công viên.
Vậy thân thế của lăng mộ trên như thế nào? Tại sao lại được xây dựng tại đây? Để giải đáp những thắc mắc này, phóng viên Dân trí đã có cuộc gặp gỡ với rất nhiều chuyên gia và người dân gắn bó với khu vực này.
Kiến trúc nguy nga, kỹ thuật độc đáo
Theo đó, khu mộ cổ chiều rộng hơn 7,5m, dài 11m, xây theo hình chữ nhị với 2 mộ chính và 1 mộ phụ. Vào tháng 4/2014, lăng mộ này được TPHCM cấp chứng nhận di tích cấp thành phố cần được bảo vệ.
Phía bên trong, khuôn viên mộ bao gồm phần tiền sảnh, sân thờ và nhà mộ với rất nhiều trụ cột đài sen hình khối đặc trưng, nhiều bức tranh cổ rồng phượng, cát tường. Mặt ngoài, mộ được bao quanh bởi các cây cổ thụ lâu năm. Qua thời gian dài, để bảo tồn thì thành phố đã sơn sửa nên hiện nay mộ đang có màu tường vàng, mái đỏ, rất mới.
Điểm đặc biệt là cổng dẫn trong lăng mộ khá thấp, vì vậy người dân muốn vào viếng thăm đều phải chui qua vòm cổng nhằm thể hiện sự thành kính.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hà (Bộ môn Khảo cổ học, khoa Lịch sử, trường Đại học KHXH&NV TPHCM) chia sẻ, bề thế của lăng mộ trên là vô cùng to lớn, nguy nga vào thuở xưa.
"Điều này chứng tỏ thân thế của mộ phải là một người giàu có, địa vị trong xã hội. Và họ xem đây là ngôi nhà của mình ở thế giới bên kia", vị thạc sĩ nói.
Về quá trình xây dựng lăng mộ này, thạc sĩ Hà cho biết, đây là công trình vô cùng tinh tế và tốn công sức. Bên cạnh vật liệu cát, đá vôi, các thợ đã dùng mật mía, san hô trung chuyển vào để tạo hỗn hợp bền chắc.
"Thuở xưa những vật liệu đó vô cùng tốn kém. Ngoài ra, thợ phải đổ từng lớp một, rất mỏng, đợi khô mới có thể làm tiếp nên hiện nay liên kết ngang của khu mộ vẫn rất tốt", bà Hà kể.
Thân thế của lăng mộ là ai?
Vào thời điểm năm 2014, sau khi trở thành di tích lịch sử cấp thành phố, đã có nhiều lời đồn đại về thân thế của người đã mất.
Theo đó, thực chất khu mộ trên không phải của dòng họ Lâm mà chỉ là mộ của 2 vợ chồng, được chôn cất theo nguyên tắc nam tả, nữ hữu. Người chồng có tên là Lâm Tam Lang, và vợ là Mai Thị Xã. Ngoài ra, bên ngoài còn có một mộ phụ, thường là con cháu vì người Việt có truyền thống con cháu thường muốn ở cạnh nhà ông bà.
"Thế nhưng, để có quy mô và ở vị trí như thế này thì họ chắc chắn phải giàu có. Hiện tại xung quanh quận 1, quận 5 vẫn còn nhiều di tích mộ cổ người Hoa như thế", thạc sĩ Nguyễn Thị Hà nói thêm.
Dựa cứ liệu đề trên bia xác định ông Lâm Tam Lang mất vào năm Ất Mão và được con cháu dựng mộ vào năm Nhâm Dần. Thế nhưng, để xác định chính xác Nhâm Dần nằm ở niên đại nào, bà Hà chia sẻ phải dựa vào rất nhiều cứ liệu lịch sử.
Thứ nhất, trên bia mộ đề quốc hiệu Đại Nam. Quốc hiệu này thực chất đã được dân ta sử dụng từ trước, thế nhưng chỉ trong giao dịch truyền miệng với Trung Quốc. Mãi đến khi vua Minh Mạng lên ngôi (năm 1820), được một vị quan thuyết phục, thì quốc hiệu Đại Nam mới xuất hiện trên văn bản giấy tờ năm 1983.
Thứ 2, thời kỳ Pháp thuộc, mặc dù trên giấy tờ, từ Đại Nam chỉ còn dùng để chỉ vùng đất Bình Thuận đổ ra đến Huế. Thế nhưng, thực tế thời điểm đó trên nhiều ngôi mộ vẫn còn sử dụng quốc hiệu này.
"Vì vậy ngôi mộ này không thể sớm hơn 1838 và không muộn hơn năm 1945", bà Hà nhận định.
Thứ 3, dựa vào vị trí ngôi mộ nằm rất gần thành Gia Định, nên năm Nhâm Dần không thể sau thời kỳ vua Minh Mạng mất.
"Từ những điều đó thì Nhâm Dần chỉ có thể là 1842. Tức người này mất trước đó rất lâu, nhưng thời điểm này con cháu mới dựng mộ. Dựa quý tử là Trường Lâm thì ông phải mất trên 50 tuổi", vị thạc sĩ khoa Lịch sử nhận định thêm.
Kỹ thuật "giữ xác vĩnh hằng" đặc biệt của người Việt Nam
Bên cạnh thân thế của lăng mộ, trong nhiều tài liệu cũ cũng kể thêm về kỹ thuật "giữ xác vĩnh hằng". Theo đó, người Việt xưa đã áp dụng phương pháp, vật liệu giữ xác tồn tại lâu trong các khu mộ ô dước, và đến nay về cơ bản đã bị thất truyền.
Chia sẻ về vấn đề này, thạc sĩ Nguyễn Thị Hà nhận định phương pháp trên là có trong lịch sử. Cụ thể, ở miền Bắc nước ta và Trung Quốc có 2 hình thức đóng huyệt gồm quan và quách. Quan thường là lớp gỗ đựng thi thể bên trong và quách thường là lớp vật chất nhằm bảo vệ bên ngoài.
Sau này người miền Nam cũng đã áp dụng làm theo. Điều này, vẫn được chứng minh qua di tích còn lại ở các khu mộ cổ của Sài Gòn.
"Tuy nhiên quách hợp chất ở miền Nam có điểm khác là thường không bịt kín hết, mà bao giờ cũng có lỗ tiếp xúc với đất, thường là 7 lỗ, 9 lỗ. Sau một thời gian thì những chỗ này tiếp xúc với nước sẽ làm quan tài mục dần.
Thế nhưng, tùy điều kiện gia đình, nếu gia chủ khá thì quan đơn thuần là gỗ thôi. Nhưng nếu giàu có thì có thể quét sơn nhiều lớp, trét vẽ để bảo vệ. Vì vậy, những chiếc quan tài này thường bảo vệ thi thể tồn tại lâu hơn", vị thạc sĩ nói.
Mặc dù đồng ý có sự hiện hữu của phương thức trên, thế nhưng bà Hà chia sẻ rất khó xác định tại lăng mộ cổ hộ Lâm vì đến nay nó vẫn chưa được khai quật.
Hiện trạng khu mộ ngày nay
Ngày nay, dù đã trải qua nhiều đợt trùng tu, thay thế màu sơn mới, nhưng khu lăng mộ vẫn giữ được nét cổ xưa.
Bên cạnh đó, công viên Tao Đàn nằm ở trung tâm thành phố nên luôn là điểm đến của vô vàn người dân. Vào mỗi sáng sớm và chiều tà, mọi người thường tập hợp đến đây để tập thể dục, chơi thể thao, tản bộ…
Về tin đồn ma mị được đăng tải trên truyền thông quốc tế, nhiều người lớn tuổi đều nhận xét có nghe qua nhưng chưa bao giờ thấy hiện tượng gì. Trong đó, một bảo vệ làm việc hơn 20 năm tại đây chia sẻ, ông biết rất rõ về khu mộ cổ và giai thoại rằng người đàn ông họ Lâm đã hiến tặng cả khu đất này để xây vườn thượng uyển, nay là công viên Tao Đàn.
"Ở đây 20 năm tôi chả bao giờ thấy gì", người này chia sẻ khi phóng viên đưa ra những thông tin về lời đồn.
Ông P. (ngụ quận 1, TPHCM) cũng đồng quan điểm là có nghe tin đồn và tìm hiểu rất nhiều khu mộ cổ qua báo đài và bạn bè. Thế nhưng, với ông thì chuyện ma quỷ là không có.
"Tôi ở gần đây và ra công viên này thường xuyên nhưng chưa gặp chuyện gì kì quái. Riêng khu mộ này thì được chăm sóc rất tốt. Nhiều lần bạn tôi sáng đi tập thể dục cũng ghé vào quét dọn như là làm công quả", ông P. chia sẻ.
Link gốc: https://dantri.com.vn/doi-song/giai-ma-loi-don-ma-mi-va-thuat-giu-xac-vinh-hang-o-khu-mo-co-tai-tphcm-20230305110735815.htm