Trong một bài trả lời phỏng vấn mới đây về chủ đề giá trị thương hiệu Viettel vọt lên gần 9 tỷ USD trong lần định giá mới nhất của Brand Finance, vượt cả Spotify, Qualcomm… thì có gì lạ lùng không? Bà Vũ Mai Anh, CEO BrandCreativity cho rằng “không có gì lạ cả”.
Chuyên gia về thương hiệu này giải thích: “Việc kiến tạo được thương hiệu giá trị 9 tỷ USD là một quá trình cộng hưởng từ tất cả các lĩnh vực trụ cột, Viettel không phải chỉ là thương hiệu viễn thông”.
Bà Vũ Mai Anh còn bổ sung thêm: “Chúng tôi từng đặt câu hỏi: Có một hình mẫu thương hiệu nào, một doanh nghiệp nào được xếp là đối thủ cạnh tranh của Viettel ở Việt Nam về quy mô, mức độ ảnh hưởng và sứ mệnh kinh tế chính trị, quốc phòng hay không? Không có. Để so sánh, phải vươn ra thị trường quốc tế”.
Vậy nếu nhìn ra thị trường quốc tế, có thể thấy gì từ câu chuyện thương hiệu hoặc sự lớn mạnh của các thương hiệu công nghệ lớn?
Theo phân tích của Scott Galloway – Giáo sư Marketing tại Trường Kinh doanh Stern thuộc ĐH New York, các thương hiệu công nghệ lớn, đặc biệt là các Big Tech trong nhóm “Bộ Tứ” (Apple, Amazone, Facebook, Google – được gọi là nhóm Tứ đại quyền lực) đều tăng rất mạnh về giá trị trong đại dịch Covid-19.
Tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Tứ đại quyền lực” cũng cho rằng, các công ty công nghệ được đánh giá là có mức độ đổi mới sáng tạo tốt thì giá trị thương hiệu cũng như giá trị thị trường cũng tăng mạnh trong và thậm chí là sau đại dịch. Lý do là kỳ vọng của nhà đầu tư tăng cao với những công ty có nền tảng tốt và có triển vọng dòng tiền trong tương lai tăng mạnh.
Thực tế, trong 6 tháng đầu năm 2020, giá trị của “Bộ Tứ” và Microsoft đã tăng 24% tương ứng với 1.100 tỷ USD. Nhưng chỉ từ tháng 3-8/2020, giá trị của Apple nhảy vọt từ 1.000 tỷ lên 2.000 tỷ USD. Cũng trong thời gian đó, Tesla của Elon Musk không chỉ trở thành công ty sản xuất xe hơi có giá trị lớn nhất thế giới, mà còn cao hơn cả tổng giá trị của Toyota, Volkswagen, Hondan, Daimler cộng lại.
Những con số nói trên cũng đồng nhất với nhận định về giá trị thương hiệu mà Brand Finance đưa ra (đây là hãng tư vấn, định giá thương hiệu hàng đầu thế giới có trụ sở tại Anh). Theo đó, Brand Finance đánh giá Apple là thương hiệu có giá trị nhất thế giới (định giá hơn 355 tỷ USD) và công nghệ là lĩnh vực được hưởng lợi nhất về giá trị thương hiệu trong 2 năm đại dịch.
Quay trở lại với Viettel, thương hiệu này sẽ được đánh giá cao ở điểm gì mà tăng vọt tới 44% về giá trị trong năm 2021, kể từ sau khi thay đổi bộ nhận diện thương hiệu?
Rõ ràng, ở Việt Nam, Viettel có thể coi như một “Big Tech” – người sở hữu hạ tầng về viễn thông và công nghệ thông tin lớn nhất, cũng như tạo ra hạ tầng số lớn nhất liên quan đến Cloud hay các các nền tảng số cho giáo dục, y tế, chính phủ điện tử, thành phố thông minh…
Điều này cộng với sứ mệnh “Tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số” mà Viettel bền bỉ theo đuổi trong vài năm gần đây, cùng những thành quả rõ rệt về chuyển đổi số, là nhân tố ghi điểm mạnh mẽ cho việc gia tăng giá trị của thương hiệu này.
Thực tế, những thói quen sử dụng dịch vụ số như mua hàng online, học online, họp trực tuyến… từng mất một thập kỷ để hình thành thì nay đã trở thành bình thường mới trong bối cảnh Covid-19. Và dĩ nhiên, những công ty lớn nhất trên thị trường ở mảng dịch vụ này như Viettel sẽ được “ghi điểm” nhờ hàng loạt các nỗ lực “tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số”.
Xét về khía cạnh đổi mới, sáng tạo, năm 2021, Viettel được chứng nhận với 5 bằng phát minh, sáng chế (BSC) mới được bảo hộ độc quyền (BHĐQ) tại Mỹ, nâng tổng số BSC được BHĐQ tại quốc gia này lên con số 9. Số lượng BSC được cấp BHĐQ tại Mỹ của Viettel trong năm 2021 bằng số lượng của 4 năm trước cộng lại.
Viettel giữ vững vị thế doanh nghiệp Việt Nam duy nhất có sáng chế được bảo hộ độc quyền tại Mỹ liên tục từ năm 2017. BSC được BHĐQ tại Mỹ được coi là giấy thông hành và cũng là “tấm khiên” bảo vệ cho các doanh nghiệp khi muốn bước ra thế giới.
Đi kèm với đó, việc Viettel trở thành nhà mạng duy nhất trên thế giới nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G thành công cũng là một điểm cộng lớn về khả năng đổi mới, sáng tạo. Thậm chí, nhà mạng này còn triển khai thực tế các thiết bị 5G do mình sản xuất trên hạ tầng mạng lưới tại nhiều tỉnh, thành phố cũng tăng thêm điểm cho sức mạnh này.
Ở một khía cạnh khác để đánh giá sức mạnh thương hiệu Viettel ra sao trong năm 2021 là mức độ ảnh hưởng trên toàn cầu. Năm 2021, trong khi ngành viễn thông đi ngang thì Viettel tiếp tục tăng trưởng trung bình tới 13,5% về lợi nhuận tại 10 thị trường mà Tập đoàn này đang đầu tư. Đặc biệt, ở châu Phi Viettel còn tạo ra mức tăng trưởng gần 40% và vươn lên vị trí số 1 tại thị trường Myanmar – thị trường quốc tế lớn nhất hiện nay của Viettel.
Đi kèm với ngành kinh doanh truyền thống mang lại nguồn tiền mặt lớn, ổn định ở 10 thị trường quốc tế, Viettel cũng đi tiên phong trong việc “kiến tạo xã hội số” với việc xây dựng nhiều nền tảng số căn bản ở các quốc gia này. Đây chính là “cú song kiếm hợp bích” của Viettel ở nước ngoài, giúp Viettel tạo ra một hình ảnh đẹp trong năm đại dịch Covid-19.
Có thể nói, những nhân tố mang tính công nghệ và đổi mới sáng tạo kết hợp cùng sứ mệnh “tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số” mà Viettel đang thực hiện thành công không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở 10 quốc gia khác, chính là lý do tạo nên việc “không có gì lạ khi giá trị thương hiệu Viettel vượt Spotify, Qualcomm” mà CEO của Brand Creativity bình luận.