Giải mã các cô nàng shopaholic với cơn 'sốt' đồ cũ

Giải mã các cô nàng shopaholic với cơn 'sốt' đồ cũ
Qua rồi cái thời đồ hàng thùng rẻ bèo. Đồ “si” bây giờ đang chiếm lĩnh một bộ phận không nhỏ những cô nàng có gout ăn mặc, hầu bao rủng rỉnh và rất khôn ngoan trong tiêu dùng...
Giải mã các cô nàng shopaholic với cơn 'sốt' đồ cũ ảnh 1

Cơn “lên đỉnh” của những “thợ săn”

Bích Sơn (chủ nhà hàng L.A, Q.3) là tín đồ thời trang “si” trên đường Trần Hữu Trang. Hàng tuần hoặc lâu nhất là một tháng, nàng đều nhận được tin nhắn từ các cửa hàng với nội dung “em ơi, 7g sáng thứ 2 khui hàng nha em, hàng mới về đặc biệt lắm đó”.

Đặc điểm của việc săn hàng “si” là ai đến trước thì khả năng vớ được những món đồ hoành tráng, độc đáo trước. Ấy vậy nên các ông chủ bà chủ thường chỉ ưu tiên những mối ruột của mình mà thôi.

Thích phong cách bụi phủi, Bích Sơn hay nhắm đến những chiếc quần jean và túi big . “Quần jean của tôi là phải mua ở đây. Đương nhiên bạn có thể mua chúng ở những trung tâm thương mại nhưng với giá cực kỳ chát. Giá cả là một chuyện, nhưng với tôi quần jean thì không thể trông mới kính koong được. Những cái quần thế này, nước màu rất đẹp, tự nhiên và form thì chuẩn không cần chỉnh.”

Công cuộc săn “hàng” phải nói là gian nan nhưng những tay thợ săn vẫn oanh tạc một cách chăm chỉ và thỉnh thoảng bạn sẽ giật mình bởi một tiếng hét thất thanh khi họ săn được một món đồ “trên cả đỉnh”.

“Một chiếc túi Anne Klein bỗng dưng xuất hiện trước mắt và cả hai chúng tôi cùng hét lên, nhào tới, giằng nhau chiếc túi có họa tiết da trăn với mặt logo kim loại sáng choang. Khi đó trông chúng tôi chẳng khác nào hai con hổ giành nhau một chú hươu non và quên hết sự đời. Nhưng cuối cùng thì cô bạn thân phải ngậm ngùi nhuờng cho tôi vì cô ấy quá thấp để vác trên người một chiếc túi big .” Nhã Thi (công ty Prudential) kể.

Sở hữu một dáng người dong dỏng cao và một gương mặt lai Âu, Việt Nga (tập đoàn Dầu khí) hay chọn cho mình phong cách ăn mặc và trang điểm phương Tây. 365 ngày của Nga tưởng chừng là 365 ngày của cuộc vui chơi với màu sắc, áo quần và phụ kiện.
Trên người Nga lúc nào cũng là “món cocktail” với nhiều nguồn gốc: chiếc quần tây màu ghi mua ở Vincom, áo sơ mi vác từ khu chợ Tân Định, chiếc vòng tay order từ website của F21, cái túi xách và đôi giày cao gót lùng sục trong chợ Hoàng Hoa Thám.

“Tôi thường hay mua quần áo second-hand ở khu chợ trên đường Nguyễn Hữu Cầu. Đồ ở đây không hề rẻ đâu, bạn mua một cái áo sơ mi cũng phải đến gần 200k, đầm thì có cái lên đến 400 – 500k nhưng độ hoàn hảo thì khỏi chê. Đa số đầm váy ở đây lại xuất phát từ Hàn Quốc và Nhật Bản. Style của những nước này rất phù hợp với vóc dáng người Việt Nam mình mà lại xinh xắn, lịch sự, trang nhã nhưng cũng rất cá tính.”

Khi hỏi đôi giày công sở Nga mua ở đâu mà trông cổ điển nhưng rất thanh lịch, cô nàng cười vang và bảo tôi hãy ghé khu chợ Hoàng Hoa Thám để tìm hiểu và “vượt qua chính mình”.

Giải mã các cô nàng shopaholic với cơn 'sốt' đồ cũ ảnh 2

Kỹ nghệ săn hàng

Nghe lời cô bạn, sáng thứ 7 cuối tuần, tôi rủ thêm 2 người bạn khác đi cùng vì nghe đâu có rất rất nhiều “con chiên thời trang” càn quét nơi đây và nếu bạn yếu thế hơn, nghĩa là không đông nhân lực bằng, không nhanh tay lẹ chân bằng thì bạn sẽ phải “ôm hận” đi về.
Chúng tôi đến nơi khoảng chừng 8g sáng và cửa hàng đầy ắp các cô nàng giống như chúng tôi. Một số người đã ôm sẵn những cái rổ nhựa to, có những hội 4 – 5 người chuẩn bị cả bao tải để gom hàng. Đó là những tay thợ săn chuyên nghiệp!
Căn nhà chừng 20m2 và có khoảng trên 50 con người đang lăm le chờ chủ cửa hàng “khui thùng”. Đến lúc chiếc thùng thứ nhất được đổ ra, thùng thứ hai, thùng thứ 3... thì tôi hiểu lý do vì sao Việt Nga đã dặn tôi “chớ có ăn mặc đầm váy xống xếnh, cứ quần sooc áo thun và dép lê là ok nhất”.

Tất cả mọi người, từ cô gái khi nãy còn nũng nịu bên anh người yêu của mình, đến chị bạn phong cách khoan thai, đĩnh đạc hàng ngày đều hô biến nhanh như bọt nước và đổ nhào vào những thùng hàng. Không cần nhận biết mặt mũi của đôi giày ra sao, màu gì, bao nhiêu, cứ cái gì nắm được trong tay thì hãy quẳng ngay vào cái rổ hay cái bao tải mà mình đã cắp theo.

Đến đó thì tôi mới thấy chí lí vì sao cần phải đi đến 3, 4 người. Sẽ phải có một người ngồi một chỗ giữ hàng và lắc đầu nguây nguẩy từ chối bất kỳ một lời đề nghị “cho mượn xem một tí” của ai đó. Và sẽ phải cần càng đông càng tốt nhân lực để chia ra ở các nhóm mặt trận nhỏ để chắc chắn rằng ta đã bao quát được hết khối lượng những đôi giày!

Đến khi bạn mất khả năng chiến đấu, chiến lợi phẩm đã kha khá thì khi đó từng tốp nhỏ được hình thành và là lúc đó là lúc để nhận diện công lao. Giày ở đây đa số còn mới, thậm chí rất rất mới và hầu hết được ghi “made in Korea” hay “made in Japan”. Với những ai là dân công sở thì đó thật sự là thiên đường.
Những đôi giày bít mũi cao gót màu đen cổ điển nhưng đường may rất sắc xảo và hai miếng da đắp trên đầu mũi giày thì duyên dáng khó tả. Hay đôi giày mọi màu xanh chuối thì không hề thô kệch chút nào. Đôi kim sa lấp lánh cao chót vót cực kỳ hợp với những buổi party tối mà không có một chút cải lương, sến rện như những đôi giày được trưng bày ngoài cửa hàng...

Phí công tổn sức chẳng lẽ lại dễ dãi bỏ lại những đôi giày một cách không thương tiếc. Thế là 3 người chúng tôi hì hục ướm và thử, những đôi màu sắc chưa có trong bộ sưu tập chắc chắn phải rinh về, những đôi đẹp miễn bàn nhưng không vừa thì chắc vừa với con bé A, B, C trong phòng hay vừa với em gái, chị gái cuả bạn... Kết quả của một buổi oanh tạc không hề có chủ đích của 3 người chúng tôi là 20 đôi chẵn tròn.

Ngọc Hân, cô bạn mà tôi được quen trong buổi tác chiến vì những đôi giày, freelancer trong lĩnh vực quảng cáo cho biết “Tôi không thích theo một xu hướng thời trang nào hết và đồ “si” đáp ứng được sở thích này của tôi nhất. Tôi cứ mua vì trông nó hay thôi.

Về nhà, lục tung đống đồ lên, “mix” chúng lại với nhau, rồi tự thỏa mãn với khả năng biến hóa khôn lường của mình. Chắc vì thế mà tôi chẳng bao giờ thấy chán với cách shopping của mình. Hàng tháng tôi vẫn chia shopping theo chủ đề và tháng này là “tháng của những đôi giày! 120k cho một đôi giày miltary thật bõ công.”

Giải mã các cô nàng shopaholic với cơn 'sốt' đồ cũ ảnh 3

Tips của những tay “thợ săn” chuyên nghiệp

Thúy Hà (chuyên viên đào tạo): “Bình tĩnh mà soi, vì rất rất nhiều đồ thế này bị lỗi hoặc bẩn. Và vì thế, bạn cần phải ỏng eo một chút để người bán hạ giá đi. Nhớ là một chút thôi, các chủ cửa hàng đồ “si” rất nhạy cảm. Bạn mà tỏ ra chảnh chọe là họ sẽ liệt bạn vào danh sách “không thèm bán” ngay.”

Ngọc Anh (công ty TNT): “Sẽ rất nhiều lần bạn phải chạm mặt đối thủ - những người cũng đang muốn sở hữu đôi giày mà bạn đang thử. Nhưng nếu bạn mua ngay, không trả giá gì hết thì có phần thiệt thòi cho mình. Kinh nghiệm một lần của tôi khi thấy đôi giày mọi màu tím than mà mình đã tăm tia đang lọt trong lòng bàn chân của người khác là: hãy tỏ ra mình chẳng thèm tiếc cái đôi giày ấy, nói vài câu chê bai kiểu như màu này khó mặc đồ lắm, giày da thế này đi trời mưa thì hỏng bét. Đến khi đối thủ bỏ cuộc thì mình nhặt lấy với thái độ “em lấy cho con bé cháu nhà em, nó thích màu tím!”

Diễm Hương (ABC group): “Hãy làm quen và thân thiết với con bé bán hàng. Có thể bạn đến cửa hàng với một tỉ thứ đang bày ra trước mặt đấy nhưng “tinh hoa” nhất lại nằm phía trong cơ. Lúc này thì chỉ có những chiêu dụ khị con bé bán hàng thì may ra bạn mới hớt được những bộ đồ đỉnh nhất mà thôi!”
Bảo Trinh (Ngân hàng VCB): “Đồ si mặc dù đẹp long lanh nhưng giá vẫn rẻ hơn đồ mới. Tuy nhiên cũng đừng ham rẻ mà hốt quá nhiều. Tâm trạng phấn khích lúc đó có thể làm hỏng hết túi tiền của bạn đấy!”

Theo Nguyên Anh (ghi)
Hoa học trò
Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.