Sự giao thoa giữa 2 thế hệ và khúc mắc trong bộ máy điều hành bộ môn này trong năm 2011 đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng Wushu Việt Nam đang xuống dốc.
Taolu VN rất khó để bảo vệ 2HCV giành được tại SEA Games 25 Ảnh: Tường Vũ. |
Âu lo cho Wushu Việt Nam từ lúc bộ môn này đạt chỉ tiêu ở SEA Games 25 trên đất Lào. Khi ấy, các tuyển thủ Việt Nam đã giành được tổng cộng 7HCV, 6HCB và 1HCĐ, vượt chỉ tiêu đề ra là 6HCV. Đặc biệt là ở nội dung Taolu - vốn là sở trường của Việt Nam trước đây. Thành tích 2HCV ở nội dung này là còn quá khiêm tốn với sức mạnh của Wushu Việt Nam.
Ở SEA Games này, Taolu Việt Nam gặp nhiều khó khăn như vấn nạn chấn thương và sự đầu tư quyết liệt của các nước làng giềng, đặc biệt là Malaysia và Singapore đang có xu hướng nhập tịch ồ ạt những VĐV Wushu giỏi của Trung Quốc – quốc gia sản sinh môn võ thuật này.
Thành tích 1HCV, 3HCB và 4HCĐ và cán đích ở vị trí thứ 8 toàn đoàn giải vô địch thế giới của Wushu Việt Nam mới đây đã phần nào cho thấy lực lượng khá mỏng của Wushu Việt Nam vào thời điểm hiện tại. Bộ môn từng một thời được xem là mỏ vàng của thể thao Việt Nam nay đang đứng trước nhiều thách thức ở Sea Games 26.
Về mặt khách quan, năm nay nước chủ nhà Indonesia vốn không có thế mạnh về wushu đã cắt bỏ khá nhiều nội dụng thi đấu khiến Việt Nam mất đi nhiều cơ hội tranh chấp huy chương.
Hai năm trôi qua, sự đầu tư cho nội dung này chưa theo kịp với mặt bằng chung của các quốc gia trong khu vực. Càng khó khăn hơn khi nữ võ sĩ Vũ Trà My cũng chia tay đội tuyển khiến một số nội dung mà võ sĩ này từng thi đấu ấn tượng (trường quyền nữ, kiếm thuật và đối luyện vũ khí nữ) trở nên lẹt đẹt khi những gương mặt thay thế chưa đủ bản lĩnh.
Vắng Trà My, Wushu Việt Nam đón nhận sự trở lại của 2 gương mặt cũ là Vũ Thùy Linh và Nguyễn Mai Phương. Tuy đã có được những thành công nhất định trong quá khứ, nhưng chưa ai dám chắc cả 2 sẽ lấy lại phong độ tốt nhất sau thời gian dài dưỡng thương, nhất là sự kết hợp chưa thể hoàn hảo với các võ sĩ khác ở nội dung đối luyện.
Trong bối cảnh đó, Taolu Việt Nam cố gắng lắm thì may ra mới bảo vệ được thành tích 2HCV của Quốc Khánh và bộ ba Nguyễn Huy Thành - Trần Đức Trọng - Trần Xuân Hiệp (đối luyện tay không nam) đã từng giành được tại Vientiane. Ngoài ra, á quân thế giới 2011 Nguyễn Mạnh Quyền cũng được đánh giá cao cho tấm HCV ở ĐH lần này.
Tuy vậy, những đối thủ so kè từng phần rất nhỏ của điểm số cách đây 2 năm với các võ sĩ Việt Nam ở Lào đã có sự tăng tiến vượt bậc về trình độ khi được đầu tư chu đáo – chắn chắn sẽ không dễ bị khuất phục tại Indonesia sắp tới.
Với mục tiêu giành 5 HCV trên đất Indonesia – chỉ tiêu thấp nhất từ trước đến nay ở các kỳ SEA Games của bộ môn này, Wushu Việt Nam đặt hết kỳ vọng vào các võ sĩ nội dung Shanshou (đối kháng) – nội dung từng giành 5HCV tại SEA Games 25.
Trong thành phần tham dự ĐH sắp tới, Việt Nam vẫn có sự đóng góp của 2 võ sĩ giành vị trí á quân ASIAD 16 là Nguyễn Thị Bích (52kg nữ) và Phan Văn Hậu (56kg nam). Ngoài ra, Tân Thị Ly (HCV SEA Games 25 hạng 60kg nữ), Nguyễn Minh Thông (HCĐ ASIAD 16, 60kg nam) và Trần Văn Kiên (HCV hạng 48kg nam tại SEA Games 25) cũng là những võ sĩ kinh nghiệm để có thể giúp Wushu Việt Nam vượt khó tại kỳ SEA Games lần này.
Nếu vẫn duy trì tốt phong độ và gặp may mắn trong suốt quá trình thi đấu, Wushu Việt Nam mới có thể hoàn thành nhiệm vụ tại một kỳ SEA Games được đánh giá là khó khăn của mình.
Danh sách đội tuyển Wushu Việt Nam tại SEA Games 26 Lãnh đội Lê Minh Hà (Trưởng bộ môn Wushu Tổng cục TDTT), chuyên gia Huang ChunNi, Zhai Lei, HLV Nguyễn Văn Chương, Phùng Anh Tuấn, Đào Việt Lập, các VĐV Nguyễn Thị Bích, Tân Thị Ly, Trần Văn Kiên, Phan Văn Hậu, Nguyễn Minh Thông, Lê Văn Thế, Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Mạnh Quyền, Trần Xuân Hiệp, Nguyễn Huy Thành (TPHCM), Phạm Quốc Khánh, Nguyễn Mai Phương, Dương Thúy Vi, Hoàng Thị Phương Giang và Trần Thị Minh Huyền. |