Giải cứu thuyền viên tàu Vietship 01: 'Rái cá' phá lời nguyền

TP - Giữa dồn dập sóng dữ tưởng chừng như nhấn chìm tất cả, ông bất chấp, tự mình lái ghe ra phía các thuyền viên tàu Vietship 01 đang ở giữa lằn sinh tử. Biển quật tơi tả, ông vẫn xung phong “để tôi lên đường!”.

Ở miền biển, có “lời nguyền’ rằng dân biển cứu người gặp nạn trên biển thì phải chịu oán, thế mạng. Nhưng ông Nguyễn Đức Bằng (53 tuổi, khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) phá lời nguyền, chẳng ngại hiểm nguy lao ra biển cứu nạn khi mọi phương tiện hiện đại nhất đều bất lực. 

Hai ngày, ba lần xung phong

Trời cuối năm lạnh ngắt, ông Bằng vừa xong chuyển biển đi bạn về. Người đàn ông chắc nịch với nước da ngăm được bà con bãi ngang mệnh danh là “rái cá” này không chịu mở lời, tôi phải thuyết phục mãi ông mới trải lòng về lần cứu nạn có một không hai trong đời đi biển của mình.

Ngày 8/10/2020, tàu Vietship 01 bị sóng đánh trôi ra cửa biển với 12 thuyền viên trên tàu. Những đợt sóng cao 4-5 mét quyện nước lũ đỏ ngầu đập ầm ào khiến người đứng trên bờ cũng thấy rùng mình. Bà con hay tin tàu gặp nạn kéo nhau ra biển xem, ông Bằng cũng tất tưởi chạy theo. Suốt buổi sáng, các lực lượng đã có mặt nhưng không dám ra tiếp cận vì thời tiết xấu và biển động. “Biên phòng hỏi tôi biển thế này có ra được không, tôi nói không vì kinh nghiệm đi biển tôi biết, chỉ có trực thăng may ra. Đợi đến chiều, biển càng lúc càng dữ dội, tôi thấy nóng ruột và thương những người ngoài kia quá nên bảo kiếm cho tôi cái ghe, tôi sẽ ra coi thử!”, ông Bằng kể lại.

Giải cứu thuyền viên tàu Vietship 01: 'Rái cá' phá lời nguyền ảnh 1 Ông Bằng lúc bơi được vào bờ sau khi ra cứu nạn tàu Vietship 01 bị rơi xuống biển Ảnh: H.T   

Tầm 16 giờ, đã có ghe. Ông tìm mãi không có ai đi cùng. Mãi mới có một ngư dân chịu lời. Cả hai dong ghe ra biển trước hàng trăm con người nín thở dõi theo. Sóng cao đẩy chiếc ghe gần như dựng đứng rồi cắm đầu xuống chực lật úp. Chừng 15 phút, ghe đã tới cách tàu Vietship hơn chục mét, ông Bằng nhìn thấy người trên ống khói, thấy họ kêu gào nhưng sóng gió chẳng nghe được gì. Ông vẫn không thể tiếp cận được vì sóng cao và dòng chảy rất “ác”. Một phần ống khói nằm ngoài, muốn tiếp cận phải lại gần, song chạy tới thì vướng thân tàu đang chìm dưới nước. Ghe quay đầu. Vào bờ, các lực lượng tiếp cận thông tin, tình hình từ ông. Nhiều phương án được đưa ra, trong đó có việc nhờ ông đi thêm lần nữa song trời đã tối, biển vẫn gầm gào không chế ngự được.

Đến sáng hôm sau, phương án cứu nạn bằng trực thăng vẫn không thể triển khai vì thời tiết xấu. Ông xung phong: “Vậy thì để tôi! Sau 12 giờ trưa con nước “hiền” lại tôi sẽ đi!”. Nhưng trong bờ quá nhiều nỗi lo, lo họ đói, lạnh, và hơn cả là tính mạng khiến tôi không dám chần chừ nữa, phải xuất phát ngay trong buổi sáng. Chiếc ghe nhỏ do ông cầm lái chở thêm 4 người nữa “liều lĩnh” đè đầu sóng lao ra biển. Chưa tới nơi, một người trên ghe thấy sóng cả, nước lớn hoảng quá một hai đòi vào bờ. Ngư dân mà “ớn” biển thế, thì đã rõ ngoài kia hiểm nguy biết nhường nào. Ghe phải quay đầu “thả” người lại.

Giải cứu thuyền viên tàu Vietship 01: 'Rái cá' phá lời nguyền ảnh 2 Dân mạng chế lại hình ảnh của “ông chú ngư dân” sau khi ông tham gia cứu nạn bị rơi xuống biển

Lần thứ 3, ông tiếp tục cầm lái chở ba người còn lại nhắm hướng tàu Vietship mà chạy, chẳng màng những ánh mắt từ trông ngóng đã chuyển sang lo âu lẫn sợ hãi. Chiếc ghe chở theo thức ăn nước uống tới gần Vietship, không ai dám bơi sang, ông đành phải nhờ một người trên ghe cầm lái rồi cột dây bơi qua tàu. Nếu nối được dây sẽ chuyền được thức ăn cho các thuyền viên. Ông Bằng vừa bơi tới nắm được cầu thang ống khói, thì ghe bị sóng đánh bay khiến ông bị kéo văng theo. Một lúc dây vướng trên thân tàu nên ông phải tháo ra. Những con sóng cao như nóc nhà đánh phăng ông xuống biển. Ông kể: “Sóng đập lụy người, uống không biết bao nhiêu nước, tôi bị xô ra phía khơi xa, đuối lắm nhưng phải tránh dòng nước dữ để vào bờ, mất tầm một tiếng”. Ba ngư dân còn lại cũng bơi được lên tàu Vietship 01 sau khi sóng đánh chìm ghe.

Trong bờ, tiếng loa vang lên thông báo 4 ngư dân đi cứu nạn có một người đã tự bơi được vào, 3 người còn lại mắc kẹt trên tàu. Bà Hồ Thị Phiến vợ ông nghe vậy vẫn không nghĩ là chồng mình, cho tới lúc thấy ông tím ngắt ướt sũng đi bộ vào lán mới hay. “Khi đó tay chân tui rụng rời, bước không nổi. Rứa mà ông ấy nói để nghỉ một tí rồi ra cứu họ lại. Bà con chạy tới òa khóc trách tui răng không can chồng. Mà tui can sao được việc cứu người…”, bà nhớ như in.

Không tính một chữ ơn

Lần này thì không chỉ vợ và bà con vùng biển mà các lực lượng cũng không cho ông lao ra biển dữ nữa. Bởi dù dũng cảm và thành thạo biển cả tới đâu, thì sức người cũng có hạn. Nhờ sự dấn thân ba lần trước mà ông hướng dẫn cho ghe sau khu vực tiếp cận dễ hơn nên đưa được hai người vào bờ.

Giọng ông trầm buồn khi ngẫm lại mình không trực tiếp cứu được họ, để họ phải nhịn đói, chịu lạnh nhiều ngày đêm. Ông như “mắc nợ” cho tới lúc trực thăng đưa tất cả vào bờ. Ông đâu biết rằng, ông là người tiền trạm, giúp đội ngũ cứu nạn nắm được tình hình để ứng phó, biết được trên tàu Vietship còn mấy người sống sót. Điều đó được chính quyền cùng các đơn vị chức năng ghi nhận ngay thời điểm ấy, sau này là những bằng khen, giấy khen…

Giải cứu thuyền viên tàu Vietship 01: 'Rái cá' phá lời nguyền ảnh 3 Sự dấn thân, dũng cảm của ông trong thiên tai được ghi nhận Ảnh: T.T

Còn với thuyền viên tàu Vietship 01, nhiều tháng trời trôi qua, họ vẫn vẹn nguyên cảm xúc khi nhắc lại người hùng đã tới với họ lúc nằm giữa lằn ranh sinh tử. “Ngóng vào bờ thấy người, thấy đèn trong đó mà không ai giúp được mình, chúng tôi tuyệt vọng lắm. Khi thấy chú Bằng ra anh em biết đây là tín hiệu sống rồi, mình sẽ được cứu thôi. Thật sự sự xuất hiện của chú và các ngư dân an ủi, động viên chúng tôi nhiều lắm. Lúc ấy nếu cứ xuống tinh thần, bi quan thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Những ngư dân Quảng Trị đã hết sức hết lòng với chúng tôi rồi”, thuyền viên Nguyễn Duy Tâm (36 tuổi, quê Hà Tĩnh) cảm kích.

Mấy ngày sau đợt cứu nạn này, ông Bằng nghe người ta gọi đi thả neo giúp một tàu kiểm ngư mắc cạn, lại tức tốc lên đường. Làm xong chẳng lấy một đồng, bảo hoạn nạn mà công cán chi!

13 tuổi ông Bằng đã đi biển, nghèo khổ và vất vả, sau này nuôi 4 đứa con ăn học mãi đến gần 50 tuổi mới cất được ngôi nhà kiên cố. Người miền biển, nghèo mà phóng khoáng, tấm lòng mênh mông. Việc gì giúp được người là giúp, chẳng màng công của. Ông Bùi Đình Giáo (69 tuổi, thị trấn Cửa Việt) từng tặng ông Bằng một miếng đất sau khi được ông cứu mạng nhưng ông từ chối thẳng thừng. Thế rồi mỗi dịp Tết đến, ông lại xuống nhà “vị cứu tinh” với tấm lòng mang ơn, quà cáp, nhưng vợ chồng ông Bằng bảo làm vậy là “không vui lòng rồi”. 

Dân mạng chế ảnh người hùng

Không trực tiếp cứu được người, nhưng 3 lần dũng cảm lao ra biển dữ, nắm được tình hình và tư vấn cho các đội ngũ cứu nạn sau, ông Nguyễn Đức Bằng được cư dân mạng cả nước khắp nơi tôn là “anh hùng” thời điểm ấy. Nhiều trang mạng đã chế lại hình ảnh của “ông chú ngư dân” anh hùng, với hàng ngàn lượt bình luận thán phục, cảm kích. 

Tôi hỏi dân biển có lời nguyền cứu người gặp nạn phải thế mạng, mang oán cả đời, ông không sợ sao, ông hào sảng: “Người ta gặp nạn mà mình không cứu mới sợ. Sợ phải sống day dứt cả đời! Cứu được ai lúc nguy nan là cứu thôi!”. 

MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.