Ông Nguyễn Đình Xuân đang kể lại câu chuyện vi hành giải cứu gấu. Ảnh: PV |
Ông được phần thưởng vinh danh từ thị trưởng TP Bern (thủ đô Thụy Sĩ) ngày 20-4, vì những đóng góp tích cực trong việc bảo vệ loài gấu ở Việt Nam.
Thâm nhập trại gấu
Ông Xuân kể, nhiều lần ông tham dự các hội nghị về môi trường, ông nghe các cán bộ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) phản ánh là có một đường dây khép kín nuôi gấu và buôn bán mật gấu tại Quảng Ninh nhưng không ai đột nhập được. Những khu nuôi gấu này chỉ mở cửa cho khách Hàn Quốc. Người Việt Nam, kể cả phiên dịch hay lái xe, đều không được vào.
Ông Xuân quyết định thực hiện một cuộc khảo sát các trang trại nuôi gấu tại Hạ Long, Quảng Ninh. Năm 2009, cùng một phóng viên, một cán bộ ENV, cán bộ Cục Cảnh sát Môi trường, ông đã thâm nhập vào 6 trại gấu ở Quảng Ninh bằng chiếc thẻ đại biểu Quốc hội của mình.
Ban đầu, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân bị nhân viên các trại gấu cương quyết từ chối, với nhiều chiêu bài như nói chủ đi vắng, thậm chí xua đuổi cả bằng chó béc giê... Nhưng với kinh nghiệm của một Giám đốc Vườn quốc gia và thái độ kiên quyết, cuối cùng, những người bảo vệ các trại gấu cũng buộc phải để ông vào.
Ông Xuân đã quay phim, chụp ảnh, ghi lại những bằng chứng chân thực nhất về hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật, bán cho khách du lịch Hàn Quốc của các trang trại gấu ở Hạ Long, Quảng Ninh.
Ông tận mắt chứng kiến các dụng cụ như kim hút, máy siêu âm, các chai thủy tinh, dụng cụ pha chế, máy tính tiền bằng thẻ visa card, các bảng quảng cáo bằng tiếng Hàn; chứng kiến cảnh gấu chuẩn bị được đưa vào phòng lấy mật, tận thấy thuốc kháng sinh, dụng cụ gây mê, ống tiêm v.v…
Ông cũng gặp được các chủ trại người Hàn Quốc và Việt Nam, trực tiếp phỏng vấn về hoạt động buôn bán mật gấu. Đây là những bằng chứng đầy đủ và thuyết phục về việc nuôi gấu lấy mật tại Hạ Long, Quảng Ninh.
Ông Nguyễn Đình Xuân trao đổi với chủ trại gấu người Hàn Quốc |
Cương quyết hành động
“Điều quan trọng là tôi nhận thấy tất cả những trang trại gấu này đều không mở ra vì mục đích nhân đạo. Có trang trại nuôi 80 con gấu, có tới 20 con không gắn chip. Nhiều con trong số đó có xuất xứ ngoài biên giới Việt Nam. Điều này chứng tỏ còn có một đường dây buôn bán gấu trái phép xuyên biên giới” - Ông Xuân cho biết.
Trong chuyến vi hành trại gấu, có một chi tiết đáng chú ý là từ chủ tới nhân viên trại gấu đều lạm dụng mặc áo xanh của thanh niên tình nguyện. “Điều này đã làm xấu đi hình ảnh của màu áo tình nguyện. Ngay sau đó, tôi đã thông báo với lãnh đạo của T.Ư Đoàn để Đoàn xử lý, điều chỉnh...” – Ông Xuân kể.
Sau đó, ông đã đồng ý phát những thước phim tư liệu quý giá đó trên VTV, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam có các biện pháp điều tra, làm rõ, xử lý theo pháp luật.
Không lý gì những con thú vô tội phải tuyệt chủng vì những sở thích nếm món lạ của những người có tiền”. Khách tham quan, du lịch không được phép lấy đi bất cứ thứ gì của rừng trừ những bức ảnh và không để lại rừng bất cứ thứ gì, trừ những... dấu chân. Có như thế rừng mới còn nguyên vẹn là rừng. - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân |
Từ chuyến thâm nhập trại gấu, ông đã gửi công văn tới Đại sứ quán Hàn Quốc và các cơ quan chức năng của nước này. “Lý do tôi chọn Hàn Quốc vì chỉ có người Hàn Quốc là khách tham gia vào đường dây buôn bán mật gấu khép kín tại Hạ Long, do chính người Hàn Quốc điều hành. Lợi nhuận chủ yếu rơi vào chủ Hàn Quốc. Họ bán 20 USD/cc mật gấu, nhưng chỉ trả công 50.000 đồng cho chủ nuôi gấu là người Việt Nam.
Ngoài mật gấu, họ bán cả túi mật gấu, tay gấu… Chắc chắn đã có những con gấu bị giết hoặc bị chết. Sau này, cảnh sát môi trường đã bắt quả tang vụ việc nói trên”.
Ngay sau đó, Đại sứ quán Hàn Quốc đã gặp gỡ ông Nguyễn Đình Xuân. Phía Hàn Quốc cho biết đã và sẽ có các biện pháp tích cực như ngăn chặn vận chuyển mật gấu ở sân bay Hàn Quốc, tuyên truyền, kêu gọi khách du lịch Hàn Quốc và khuyến cáo các công ty du lịch không tham gia vào hoạt động này khi đến Việt Nam, vì nó vi phạm pháp luật Việt Nam và quốc tế.
Khi vụ việc này bị phanh phui, việc tiêu thụ mật gấu tại các trại nuôi gấu trên cả nước đã giảm đi rõ rệt, nếu còn thì chỉ lén lút chứ không công khai như trước. Nhiều chủ trại gấu đã chấp thuận giao nộp gấu cho các trung tâm cứu hộ gấu.
Ông chủ rừng
Người dân Tây Ninh quen gọi ông Nguyễn Đình Xuân là ông chủ rừng, vì ngoài nhiệm vụ một đại biểu Quốc hội, ông còn là Giám đốc Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát (Tây Ninh), quản lý 18.800 ha rừng chạy dọc theo 40 km đường biên giới Việt Nam - Campuchia. Dưới sự cai quản của ông chủ rừng Nguyễn Đình Xuân, rừng Lò Gò nhiều năm nay không có một hécta nào bị phá hay lấn chiếm. Nạn lâm tặc cũng không còn tồn tại ở nơi này.
Ông Xuân cho biết, sau chuyến thị sát các trang trại gấu, ông sẽ tiếp tục theo đuổi sự việc này đến cùng.
“Việc nuôi nhốt gấu lấy mật chính là ký vào bản khai tử gấu. Bởi gấu không có khả năng sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt. Đây là di sản mà ông cha ta để lại và nhiệm vụ của chúng ta là phải giữ gìn. Nếu không, chúng ta sẽ phải trả giá đắt cho việc phát triển kinh tế của mình” - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân trăn trở.