Từ Hà Nội lên TP Cao Bằng mất 400km, từ đó lại đi 180km bằng xe máy lẫn đi bộ chỉ để viết được một bài báo tôi cũng thấy vui khi đã hiểu, san sẻ được phần nào khó khăn của người dân miền ngược và hơn hết là cảm phục bản lĩnh của những thanh niên rời thành thị phồn hoa để đổi thay vùng đất khó”. |
Giải thưởng báo chí viết về đề tài thanh niên được T.Ư Đoàn phát động tháng 3-2012. Ban tổ chức nhận được gần 300 tác phẩm dự thi. Anh Trần Thanh Lâm, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn cho biết, giải thưởng giúp những người làm báo và các cây bút không chuyên có thêm động lực để viết hay, sinh động về đời sống giới trẻ trên tất cả lĩnh vực trong và ngoài nước.
Cuộc sống muôn màu của thanh niên đã được tái hiện sinh động qua 300 tác phẩm báo in, ảnh… Loạt bài 4 kỳ Lên núi làm phó chủ tịch xã của phóng viên Nguyễn Hà, Mai Xuân Tùng (báo Tiền Phong) đoạt giải đặc biệt. Hai phóng viên trẻ đã trèo đèo, lội suối sống cùng các phó chủ tịch xã trẻ trong những ngày đầu về xã vùng cao nhậm chức để cùng trải nghiệm.
Phóng viên Mai Xuân Tùng cho biết, để có bài báo (sau này đoạt giải đặc biệt), anh mất hơn một tuần ba cùng với vị phó chủ tịch xã trẻ tuổi mới tốt nghiệp đại học từ miền xuôi lên nhậm chức. Chưa cần kể gì nhiều, chỉ mỗi hành trình từ TP Cao Bằng lên xã Sơn Lập, huyện Bảo Lạc đã là một trải nghiệm đáng nhớ.
Sau lễ ra quân ở TP Cao Bằng, Mai Xuân Tùng và tân phó chủ tịch xã Đặng Anh Dũng (nhân vật trong bài) thay nhau điều khiển xe máy trên chặng đường 180km mất gần 1 ngày và thêm 2 giờ đồng hồ đi bộ mới vào đến trụ sở ủy ban xã.
Chứng kiến cuộc sống của phó chủ tịch xã những ngày đầu nơi núi cao, không nước sạch, không điện, không sóng điện thoại… đã đem lại cho phóng viên trẻ Mai Xuân Tùng nhiều cảm xúc đặc biệt.
Giải nhất của tác giả Lê Ngọc Sơn - Tuấn Anh (báo SVVN) với loạt bài Để người trẻ thích nghi với khủng hoảng. Nhà báo Lê Ngọc Sơn cho biết, trong giai đoạn khó khăn, người trẻ đối mặt khủng hoảng kinh tế với khá nhiều hệ lụy.
Khủng hoảng kinh tế đã kéo theo khủng hoảng tâm lý, đạo đức... Anh Lê Ngọc Sơn nói: “Cơn khủng hoảng đang khiến một bộ phận người trẻ chếnh choáng, mất phương hướng”.
Loạt bài đã đăng tải ý kiến các chuyên gia, nhà tâm lý, nhà kinh tế…, kéo dài gần 2 tháng trên báo Sinh viên Việt Nam, giúp người trẻ tìm ra cách để vượt khủng hoảng.
Phóng viên Phan Hậu, báo Thanh Niên với loạt bài: Thanh niên xây dựng nông thôn mới; phóng viên Phạm Thị Hoài Anh, báo Hà Tĩnh với loạt bài: Theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển… đoạt giải nhất là những tác phẩm được triển khai rất công phu.
Những bài đoạt giải thường nêu bật các điển hình, mô hình, cách làm sáng tạo, gợi mở các ý tưởng mới, giải pháp hay cho công tác Đoàn, phong trào thanh thiếu nhi.
Phó Tổng biên tập báo Thanh niên Đặng Thị Phương Thảo, thành viên ban giám khảo đánh giá, qua hai vòng chấm thi, các bài viết thể hiện nội dung phong phú, nhiều đề tài có tính dấn thân hoặc phát hiện tốt. Đặc biệt, trong gần 300 tác phẩm dự thi những tác phẩm đoạt giải đã đi trúng, đúng vấn đề thời cuộc của giới trẻ, bài viết được đầu tư công phu, ngôn ngữ hiện đại, phù hợp với giới trẻ hiện nay. |