Giải bài toán Đồng Bằng sông Cửu Long: Thách thức khốc liệt

Biển xâm lấn nuốt trôi hàng cây ven biển ở Bến Tre. Ảnh: Hòa Hội
Biển xâm lấn nuốt trôi hàng cây ven biển ở Bến Tre. Ảnh: Hòa Hội
TP - Lũ giảm mạnh, xâm nhập mặn đến sớm, phạm vi mở rộng, đỉnh mặn lên cao; sạt lở sông biển diễn ra nghiêm trọng; sụt lún có nơi lên tới 5,74cm mỗi năm... Đây là những thách thức “khốc liệt” mà Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đối mặt.

Thủy điện còn nguy hiểm hơn BÐKH

Hôm qua (18/6) tại TPHCM diễn ra Hội nghị đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, BĐKH ở ĐBSCL hết sức khốc liệt, đến sớm và nhanh hơn nhiều mọi kịch bản dự báo.

Ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ TN&MT cho biết, sụt lún đất ở ĐBSCL đang diễn biến phức tạp. Kết quả đo đạc sụt lún của Bộ TN&MT cho thấy, từ năm 2005 đến 2017 trên toàn vùng ĐBSCL chỉ có 6% diện tích không lún trong khi 29% diện tích lún dưới 5cm, 20% diện tích lún từ 5-10cm và 8% diện tích lún trên 10cm. Đáng lưu ý, vùng lún trên 10cm phân bố ở 9 tỉnh thành, trong đó tập trung ở Bạc Liêu, Cà Mau. Riêng vùng An Lạc, quận Bình Tân, TPHCM lún tới 81,4cm trong 12 năm, phường 1, thị xã Bạc Liêu lún tới 62,6cm và xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng lún tới 53,1cm.

GS Nguyễn Kim Đan đến từ Đại học Paris-Est dẫn các nghiên cứu quốc tế mới nhất, cho rằng, tác động của thủy điện là cực kỳ to lớn, lấn át BĐKH. Thủy điện đang thay đổi hoàn toàn sự phân bổ nguồn nước cho ĐBSCL và giữ lại phần lớn bùn cát.

Ông Hoàng Văn Bẩy thông tin, thủy điện trên dòng chính sẽ gây ra nhiều tác động bất lợi ở mức lớn đến nghiêm trọng gồm suy giảm dòng chảy mùa cạn gây xâm nhập mặn, suy giảm nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học và gây bất lợi cho giao thông đường thủy. Riêng lượng phù sa, bùn cát giảm tới 65% chỉ bởi hệ thống thủy điện ở Lào, Campuchia và Thái Lan. Nếu tính cả Trung Quốc lượng phù sa về ĐBSCL chỉ còn 15 triệu tấn, chưa đến 10% so với điều kiện tự nhiên.

Hiện nay, Trung Quốc có kế hoạch xây dựng 14 đập thủy điện. Phần trung lưu trên lãnh thổ Lào, Thái Lan và Campuchia có 11 dự án thủy điện trên dòng chính được đề xuất xây dựng. Ngoài thủy điện, Thái Lan đã nghiên cứu một số dự án chuyển nước với quy mô lớn thuộc vùng Bắc và Đông Bắc Thái Lan thuộc lưu vực sông Mê Kông.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, BĐKH là một nguyên nhân nhưng nhiều hơn và nguy hiểm hơn là hoạt động kinh tế ở thượng nguồn sông Mê Kông. “Khi các công trình thủy điện đi vào hoạt động, không biết tổn thương đến vùng của chúng ta như nào”, ông Cường nói.

PGS.TS Lê Anh Tuấn, trường Đại học Cần Thơ cho biết, BĐKH xảy ra nhanh hơn mọi dự báo nhưng vẫn có thể chủ động và ứng phó, sử dụng nước xuyên biên giới mới là vấn đề nghiêm trọng nhất của ĐBSCL. Nó dẫn đến quá trình tan rã đồng bằng thay vì kiến tạo như xưa. “Số liệu thủy văn trong 50 năm sẽ trở thành vô nghĩa. Chúng ta không thể dự báo được diễn biến dòng chảy, kế hoạch phát triển trở thành bất ổn và khó khả thi hơn”, PGS Tuấn nói.

Giải bài toán Đồng Bằng sông Cửu Long: Thách thức khốc liệt ảnh 1 Ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước trình bày báo cáo về sụt lún, suy thoái nước ngầm Ảnh: N.H

Dân phải di cư tìm việc làm ở nơi khác

Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, lũ vốn là nguồn sống của ĐBSCL nay thường đến muộn và ít lũ đẹp. Từ năm 2010 về trước, đỉnh lũ chính vụ hầu hết xuất hiện vào cuối tháng 9, đầu tháng 10. Từ năm 2010 đến nay, lũ thường vào giữa tháng 10. Số trận lũ lớn giảm so với trước kia, chủ yếu xuất hiện các lũ vừa và nhỏ (chiếm đến 90%) trong khi đó lũ nhỏ không mang lại nguồn lợi và nguy cơ xảy ra xâm nhập mặn sâu vào mùa khô kế tiếp. BĐKH cùng công trình thủy điện thượng nguồn dòng chính Mê Kông còn đặt ĐBSCL trước nguy cơ lũ cao bất thường nếu xảy ra sự cố hồ chứa hoặc xả lũ đồng loạt.

Ông Hoài cho biết thêm, xâm nhập mặn đang có những “thay đổi lớn”, thường xuất hiện sớm hơn 1-1,5 tháng so với trước đây. Phạm vi xâm nhập mặn tăng, nếu như trước đây xâm nhập mặn chỉ vào đến 60km nội địa thì năm 2016 vào tới 90km. Sạt lở ngày càng phức tạp, gia tăng cả về phạm vi và mức độ nghiêm trọng.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết, Cà Mau chịu thiệt hại nặng nề nhất do BĐKH với nhiệt độ tăng cao, hạn hán khốc liệt, xâm nhập mặn sâu vào nội đồng, lốc xoáy diễn ra thường xuyên, triều cường và sạt lở bờ sông, bờ biển diễn biến phức tạp. “Bờ biển phía tây sạt lở không sâu nhưng sạt lở bề mặt nhiều, bờ mặt phía đông sạt lở rất sâu, mất đất, mất rừng phòng hộ rất nhiều”, ông Hải nói.

Ông Hải dẫn chứng, riêng hiện tượng El Nino cuối năm 2015, đầu năm 2016, xâm nhập mặn khiến diện tích lúa trên đất nuôi tôm của tỉnh bị thiệt hại gần 53.000ha, trên 43.000ha rừng tràm bị khô hạn nghiêm trọng, đường giao thông bị sụp, lún, lở đất, hư hỏng trên 112km, hơn 12.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Đặc biệt, một bộ phận dân nghèo ở Cà Mau phải di cư đi tìm việc làm ở các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Đại diện UBND tỉnh An Giang cho biết, từ 2016 đến nay liên tục xảy ra tình trạng bất thường trên địa bàn tỉnh như hạn hán và xâm nhập mặn lịch sử xảy ra năm 2016, xảy ra khoảng 120 vụ sạt lở bờ sông nghiêm trọng làm mất đất đai, thiệt hại nhà cửa, cơ sở hạ tầng, đường giao thông ước tính lên đến hàng trăm tỷ đồng. Hàng năm, riêng sạt lở gây thiệt hại khoảng trên 100 tỷ đồng, tạo áp lực lớn lên phát triển kinh tế xã hội.

Đại diện Bộ NN&PTNT cho rằng, ĐBSCL cùng lúc chịu nhiều tác động lớn, gồm: BĐKH, tác động phía thượng nguồn sông Mê Kông và những điểm bất hợp lý trong sự phát triển kinh tế nội tại. Điều này tác động xấu làm cho cấu trúc mùa vụ thay đổi, dịch bệnh gia tăng, hệ canh tác cũ không còn phù hợp, buộc ĐBSCL phải cơ cấu lại nông nghiệp để thích ứng.

GS Nguyễn Kim Đan, Đại học Paris- Est: Các nhà khoa học quốc tế sẵn sàng hỗ trợ
Theo GS Đan, để “giải cứu” ĐBSCL, chúng ta cần tìm kiếm giải pháp tổng thể nhằm chủ động giảm thiểu rủi ro do thay đổi nguồn nước và suy giảm bùn cát ở ĐBSCL dưới tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phát triển thủy điện trên thượng lưu và sụt lún. Trong đó, ưu tiên các giải pháp dựa theo tự nhiên, phù hợp với tự nhiên và bảo vệ môi trường tự nhiên.
GS Nguyễn Kim Đan cho biết thêm, rất nhiều nhà khoa học Việt kiều, nhà khoa học quốc tế là bạn bè, cộng sự của ông sẵn sàng đóng góp công sức cho các nghiên cứu về ĐBSCL.
NGUYỄN HOÀI

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.